Chủ nhật, 24/11/2024 08:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/04/2022 17:00 (GMT+7)

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Đánh giá tác động môi trường/xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và quyết định chủ trương đầu tư,.. là những thủ tục được VCCI đánh giá là khó thực hiện hơn các thủ tục khác.

Điện năng tiếp tục là chỉ số tích cực nhất trong lĩnh vực hạ tầng

Đánh giá chung theo nội dung Báo cáo, trong 5 năm trở lại đây, những nỗ lực cải cách của Chính phủ đã đem lại thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, qua cảm nhận và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Ngày 27/4/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh trah cấp tỉnh (PCI) 2021. Báo cáo dựa trên khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI).

Trong nhiều chỉ số đánh giá, Chỉ số Cơ sở hạ tầng cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Chất lượng cơ sở hạ tầng luôn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư vì chúng đóng vai trò quan trọng đối với sự vận hành của các doanh nghiệp, đó là đường sá, điện, điện thoại, internet, nước và hạ tầng khu công nghiệp.

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường - Ảnh 2

Chỉ số Cơ sở hạ tầng được xây dựng dựa trên các kết quả điều tra về cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng cơ sở hạ tầng trên khắp các tỉnh, thành phố và các nguồn dữ liệu đã được công bố. Chỉ số Cơ sở hạ tầng bao gồm các chỉ số thành phần: Các khu/cụm công nghiệp, đường bộ, điện năng, viễn thông và hạ tầng khác.

Các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá cao về lĩnh vực điện năng, trong đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại có đánh giá tích cực nhất cho yếu tố hạ tầng thiết yếu với hoạt động sản xuất kinh doanh này.

Điện và điện thoại đều cùng đạt điểm số 4,69 trên thang điểm 6, là hai lĩnh vực được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao nhất trong năm 2021. Đây cũng là hai lĩnh vực nhận được sự đánh giá tích cực của các doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường - Ảnh 3
Đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp FDI năm 2021.

Cùng với việc đánh giá chỉ số PCI về cơ sở hạ tầng, tiếp cận điện năng cũng tiếp tục được đánh giá cao về nỗ lực cải cách về môi trường kinh doanh. Cũng theo báo cáo PCI 2021, tiếp cận điện năng là một trong hai lĩnh vực được đánh giá cao nhất về nỗ lực cải cách về môi trường kinh doanh với với 72,4% ý kiến đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp.

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường - Ảnh 4
Đánh giá sự chuyển biến ở một số lĩnh vực.

Nhằm đạt được các kết quả khả quan về dịch vụ điện năng, trong những năm gần đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liên tục thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, đúng hướng đã từng bước nâng cao tiện ích và chất lượng dịch vụ cho người sử dụng điện. Sự hài lòng của khách hàng với dịch vụ của ngành điện ngày càng tăng lên.

Những điểm còn hạn chế cần khắc phục

Tại lễ công bố Báo cáo PCI năm 2021 diễn ra ngày 27/4, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cũng đưa ra khuyến nghị các tỉnh, thành phố cần tiếp tục cải cách khắc phục những điểm còn hạn chế hiện nay. Ông Tuấn chỉ ra hạn chế đáng quan tâm là thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá khiêm tốn.

Theo đó, khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể là chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp thực tế đã tiếp cận.

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường - Ảnh 5
Ông Đậu Anh Tuấn nêu bật những thành quả cải cách hành chính, trong đó có lĩnh vực thuế, hải quan tại lễ công bố chỉ số PCI. (Ảnh: Hải Anh)

Chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% doanh nghiệp đã được thụ hưởng, do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.

Hạn chế lớn nữa được ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, còn nhiều dư địa để các tỉnh gia tăng cải cách trong thời gian tới đó là thu thủ tục hành chính về đất đai. Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, dù dấu hiệu tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo không gặp khó khăn với các thủ tục hành chính về đất đai tăng lên nhưng cảm nhận của doanh nghiệp về rủi ro bị thu hồi đất cũng đã tăng trở lại trong năm qua sau chuỗi giảm và ổn định từ năm 2016.

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất” khá thấp, chỉ khoảng 29% và thấp hơn đáng kể so với mức 40% của năm 2013.

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2006. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, bởi việc nắm giữ giấy CNQSDĐ giúp đảm bảo quyền tài sản và tạo sự an tâm cho nhà đầu tư về triển vọng đầu tư dài hạn. Cùng với đó, trong những khó khăn chủ yếu khi tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, vấn đề lớn nhất nằm ở sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê, chuyển nhượng đất đai (42,5%).

Nguyên nhân phổ biến thứ hai, theo ông Đậu Anh Tuấn đó là quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%). Khoảng 30,5% doanh nghiệp phản ánh “Việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng” và 21,5% doanh nghiệp cho biết địa phương có tình trạng “thiếu quỹ đất sạch”.

Gỡ vướng mắc liên quan đến các quy định về môi trường

Theo Báo cáo PCI năm 2021, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại cũng có đánh giá tích cực nhất về chất lượng cung cấp và kết nối điện.

Đặc biệt, theo Báo cáo PCI năm 2021, mặc dù còn một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục dự án đầu tư, nhưng thủ tục về kết nối cấp điện và cấp, thoát nước vẫn được đánh giá thuận lợi hơn các thủ tục còn lại như: cấp phép xây dựng, thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường/xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và quyết định chủ trương đầu tư. 

Điều này là có thể hiểu khi mà yếu tố bảo vệ môi trường gần như là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại, dịch vụ. Hiện các thông tư, nghị định hướng dẫn cũng đã ban hành, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nhất là, khi Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, với nhiều điểm mới thì không phải danh nghiệp nào cũng nắm được. 

Với mục tiêu phổ biến những điểm mới, kết nối, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp, ngày 27/4/2022, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường đã tổ chức "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020". Hội thảo tập trung làm rõ những nội dung, đồng thời kết nối giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường trong Luật bảo vệ môi trường 2020.

Hội thảo lần này có hơn 300 khách mời là các doanh nghiệp đăng ký tham dự trực tiếp và online. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay đang rất quan tâm đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 nói chung, hai nội dung Giấy phép môi trường và Đăng ký môi trường nói riêng.

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường - Ảnh 6
Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Qua fanpage Kinh tế Môi trường Online, một đọc giả đặt câu hỏi: Về đăng ký môi trường: Tại điểm b khoản 6 điều 49 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trước khi xả chất thải ra môi trường đối với trường hợp không phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Như vậy, sau khi Doanh nghiệp nộp văn bản đăn ký môi trường tới UBND cấp xã thì sau đó trách nhiệm của UBND xã phải làm gì, có văn bản trả lời hay bằng chứng nào để Doanh nghiệp có thể xin cấp giấy phép xây dựng hoặc những thủ tục khác?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết, Đăng ký môi trường sẽ thực hiện ở UBND cấp xã.

Dự án đầu tư có Giấy phép môi trường thì không phải Đăng ký môi trường;  Trường hợp đã có đánh giá tác động môi trường nhưng không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường nhưng có phát sinh chất thải thì phải  có Đăng ký môi trường.

Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường - Ảnh 7
Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường.

Chính phủ đã quy định danh mục dự án cơ sở miễn đăng ký môi trường. Việc đăng ký môi trường sẽ tiến hành đăng ký tại UBND các xã. Bởi đăng ký môi trường không phải là một thủ tục hành chính, UBND các xã có trách nhiệm tiếp nhận và đưa lên hệ thống quốc gia. Luật quy định lập hội đồng thẩm định, bộ quy định tổ chức thẩm định, xác định rõ quy mô, phạm vi dự án để xác định đối tượng(thuộc nhóm 1,2,3), có xả chất thải ra môi trường tiếp nhận hay không, dự đoán phát sinh chất thải trong quá trình hoạt động.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường: "Luật Bảo vệ môi trường áp dụng từ tháng 1/2022 là quá mới. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp vướng khó khăn trong việc thực thi". 

Như mọi người đã thấy, trong xây dựng có giấy phép xây dựng, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, đây là lần đầu tiên có GPMT và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án lớn và đối với các dự án môi trường.

Tại sao Việt Nam bây giờ mới có GPMT? Thực ra GPMT đã được áp dụng các nước từ những năm 70. Sau nhiều lần đề nghị Việt Nam mới có GPMT. Đây là điều đáng mừng. Bây giờ sẽ xét trên hồ sơ và thực hiện theo hồ sơ đó, nếu sai sẽ thanh tra và xử phạt. Tức là rõ ràng giấy phép khác với trước đó, đánh giá tác động môi trường khi cho cấp phép,... nếu làm sai thì sẽ bị cơ quan quản lý Nhà nước phạt.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Báo cáo PCI năm 2021 "điểm" vướng mắc khi thực hiện các thủ tục về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới