‘Bão chồng lũ’, miền Trung chìm trong biển nước
Trong khi chưa kịp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra thì miền Trung lại đón thêm bão số 6, một số vùng tại TP.Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế ngập sâu.
Ngày 11/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai (PCTT) cho biết, mưa lũ làm 206 xã, phường ở các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng ngập lụt, độ sâu từ 0,3m đến 3m.
Ngoài ra, thiên tai đã làm 20 người chết và mất tích (9 người chết, 11 người mất tích), 7 người bị thương; 33.387 nhà bị thiệt hại, trong đó 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn.
Về giao thông, trên các tuyến Quốc lộ 93 điểm bị sạt lở (Quảng Bình: 9 điểm; Thừa Thiên - Huế: 16 điểm; Quảng Nam: 68 điểm; Quảng Bình: 14 điểm ngập sâu từ 0,5m đến 0,9m; Quốc lộ 1A trên địa phận Thừa Thiên - Huế (huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà) 5 điểm ngập sâu từ 0,2m đến 0,6m, dài khoảng 2km; đường sắt Bắc Nam đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập, 2,2km tỉnh lộ bị sạt lở, 7 tàu vận tải bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, 6 tàu cá bị chìm.
Về nông nghiệp, 224ha lúa, 2.368 ha hoa màu bị ngập, 881ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 258 con gia súc và 58.060 con gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi, 42 điểm trường bị ngập, 9.060 mét bờ biển bị sạt lở...
Tại TP.Đà Nẵng: Trước nguy cơ “bão chồng lũ”, UBND TP.Đà Nẵng đã tiến hành họp khẩn và có công văn triển khai ứng ứng phó với cơn bão số 6 và mưa lớn diện rộng trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng đã thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền trên biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ tối ngày 6/10.
Đến nay mưa lũ trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã gây ngập úng tại các xã thuộc huyện Hòa Vang. Cụ thể, 09/11 xã với 61 thôn gồm 4.597 hộ bị ngập lũ, trong đó các thôn của xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương ngập sâu. Ngập úng cục bộ tại một số địa điểm khu vực đô thị các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ.
Có 03 người mất tích, cụ thể: 01 người tại Hòa Khương, trượt chân tại khu vực sau tràn Hồ Đồng Nghệ trong lúc đi câu cá và 02 người của tàu ĐNa 90988-TS bị mất tích trên biển…
Mưa lớn kéo dài cũng đã làm một số tuyến đường thuộc địa phận huyện Hòa Vang bị sạt lở, sạt lở núi sọ 20 m3 tại An Ngãi Tây 1 và mương thoát nước 20m tại Nghĩa trang giai đoạn 4, xã Hòa Sơn. Hàng chục cây xanh bị ngã đổ. Tại Hòa Vang có 11 trường bị ngập.
Để chủ động ứng phó với mưa bão, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nơi không kiên cố đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư.
Nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho tại các khu nuôi trồng thủy sản. Nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ đi lại trong vùng trũng thấp, ngập sâu, cầu tràn qua suối; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… sẵn sàng triển khai lực lượng phương tiện, trang thiết bị, cứu hộ, cứu nạn, chủ động hỏi thăm các gia đình có người gặp nạn do thiên tai gây ra.
Tại Quảng Nam, sáng 11/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 24 đến 48 giờ tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa từ nay đến hết ngày 13/10 tại các địa phương phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 500mm.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đang xuống chậm; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy và Câu Lâu đang xuống chậm, Hội An đạt đỉnh; trên sông Tam Kỳ đang lên.
Mực nước lúc 3h ngày 11/10 cụ thể như sau: Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,84m (dưới báo động III: 0,16m); trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 6,87m (trên báo động I: 0,37m), Câu Lâu là 3,5m (dưới báo động III: 0,5m), Hội An là 2,14m (trên báo động III: 0,14m); trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ là 2,22m (trên mức báo động II: 0,02m).
Tính tới sáng 11/10, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán 533 hộ dân với 1.677 người. Trong đó, 18 hộ với 69 người đã trở về nhà sau khi nước rút.
Tại TP.Hội An, theo báo Giao thông, đến sáng nay (11/10), nhiều khu vực Hội An (Quảng Nam) vẫn bị ngập sâu, chia cắt giao thương. Đặc biệt, tại khu vực phố cổ, nhiều tuyến phố bị biến "thành sông". Người dân, du khách muốn đi lại phải dùng thuyền, lội nước ngập đến ngang người.
Theo các hộ dân, nước lên cao vài ngày nay và chưa có dấu hiệu giảm. Mưa vẫn nặng hạt, trời âm u, khiến nguy cơ lụt còn kéo dài.
Lãnh đạo UBND TP.Hội An cho hay, địa phương rà soát và đưa người dân vùng ngập lụt, chia cắt về nơi an toàn. Chưa có thiệt hại về người, nhưng tài sản và đời sống, kinh doanh của người dân bị thiệt hại rất lớn.
Tại Quảng Ngãi, bão số 6 đã làm nhiều nhà cửa, cây cối, công trình của người dân bị ảnh hưởng, đổ ngã. Nhiều vùng dân cư ở hạ du sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Phước Giang... bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m, gây chia cắt hàng trăm hộ dân.
Trưa 11/10, trao đổi với báo SGGP, ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, bão số 6 gây mưa rất lớn tại địa phương trong 2 ngày 10, 11/10, mực nước trên 2 sông Vệ và sông Phước Giang lên rất cao gây ngập lụt, cô lập tại nhiều nơi ở các xã Hành Dũng, Hành Phước, Hành Tịnh, Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). Trong đó, nhiều nơi bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m.
Tại sông Vệ, mực nước lên rất cao, đã gây ngập, cô lập 200 hộ dân (trên 500 nhân khẩu) tại 2 thôn ở xã Hành Dũng.
Ngoài ra, theo UBND huyện Nghĩa Hành, bão số 6 gây đổ ngã, tốc mái nhiều nhà cửa của người dân, hàng trăm hộ dân đang bị mất điện.
Tương tự, tại TP.Quảng Ngãi, mưa bão đã khiến cho nhiều cây cối, công trình đổ ngã. Nhiều vùng dân cư ở thành phố này bị ngập sâu, gây ảnh hưởng chia cắt nhiều vùng dân cư.
Tại Thừa Thiên - Huế, đến sáng nay (11/10), nhiều điểm ở TP.Huế và các địa phương trên địa bàn tỉnh chìm sâu trong nước lũ, người dân phải di chuyển bằng thuyền.
Đến nay, mực nước trên sông Hương, sông Bồ đang ở mức trên báo động 3. Nước ở các sông trên địa bàn tỉnh đang lên trở lại, gây ngập lụt trên diện rộng.
Những ngày qua lượng mưa gần như lớn nhất trong lịch sử với trên 1.000mm, tạo ra đợt lũ lớn, nhất là khu vực sông Bồ đã ảnh hưởng đến huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà.
Trước tình hình diễn biến thời tiết xấu trên địa bàn trong những ngày qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế đã khẩn trương ban hành công văn chỉ đạo cho toàn bộ học sinh toàn tỉnh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới và trường gió Đông trên cao nên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục có mưa to trên diện rộng trong nhiều ngày tới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, vào 10h sáng nay (11/10), bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 6, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 8, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi có gió giật cấp 6-7. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa rất to, lượng mưa từ 100 - 300mm.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 6 sau suy yếu thành vùng áp thấp, kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, nên từ nay đến ngày 13/10 ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 400 - 600mm, có nơi trên 600mm. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 300 - 500mm. Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 200 - 400mm. Ở nam Hà Tĩnh và khu vực bắc Tây Nguyên từ 200 - 300mm.
Nhật Hạ