Chủ nhật, 24/11/2024 05:46 (GMT+7)
Thứ tư, 23/12/2020 06:15 (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học để ngăn chặn đại dịch bùng phát

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban đa dạng sinh học của Liên hợp quốc cảnh báo, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gây thiệt hại thậm chí tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với Covid-19, nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên.

Lời cảnh báo này của 22 chuyên gia hàng đầu trên toàn thế giới đưa ra trong một báo cáo về đa dạng sinh học và đại dịch được công bố trong hội thảo trực tuyến khẩn cấp của Ủy ban Nền tảng khoa học - chính sách liên chính phủ về đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES) để thảo luận về các mối liên hệ giữa tình trạng suy thoái của thiên nhiên và nguy cơ đại dịch gia tăng.

Theo ước tính, có tới 1,7 triệu virus “chưa được phát hiện” nhưng tồn tại ở động vật có vú và các loài chim - trong đó, 540.000-850.000 loại virus. Việc phá hủy môi trường sống và tiêu thụ vô độ đã khiến các bệnh truyền qua động vật có nhiều khả năng lây sang người trong tương lai. Chúng có thể từ động vật nhảy sang người, mang theo bệnh tật. 

Năm căn bệnh mới bùng phát ở người mỗi năm

Trung bình mỗi năm có năm loại bệnh mới lây nhiễm từ động vật sang người – tất cả đều có nguy cơ bùng nổ thành đại dịch. Chúng ta có thể thấy điều này qua sự xuất hiện của một số dịch bệnh từ thế kỷ trước: Virus Ebola (từ dơi ăn quả); AIDS (từ tinh tinh); bệnh Lyme (do bọ ve) và virus Hendra (phát hiện lần đầu tiên tại trường đua ngựa Brisbane, Úc vào năm 1994). 

Bảo tồn đa dạng sinh học để ngăn chặn đại dịch bùng phát - Ảnh 1
Rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á. (Ảnh Internet)

Sự gia tăng số lượng đại dịch không phải là điều ngẫu nhiên. Các hoạt động của con người đang gây sức ép lên môi trường và khiến con người tiếp xúc nhiều hơn với các loài động vật hoang dã. Chẳng hạn như dịch bệnh Ebola, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976, nhưng các đợt bùng phát xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Đợt bùng phát năm 2014-2016 đã giết chết hơn 11.000 người ở Tây Phi. Dù các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác bản chất lây truyền của Ebola, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nạn phá rừng có liên quan đến các đợt bùng phát trong giai đoạn 2004-2014. Nạn phá rừng đã chia cắt những cánh rừng thành từng mảnh nhỏ, điều này khiến các loài động vật hoang dã - vật chủ lây truyền Ebola tập trung lại với mật độ dày hơn, trở thành “hành lang” duy trì nguồn bệnh và mở rộng quá trình lây nhiễm. Sự phân mảnh rừng cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã dọc theo bìa rừng. 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Covid-19 là đại dịch toàn cầu thứ sáu kể từ Đại dịch cúm năm 1918, mặc dù bắt nguồn từ virus trên động vật, sự xuất hiện của Covid-19 hoàn toàn do các hoạt động của con người thúc đẩy, giống như mọi đại dịch khác. “Chẳng có bí ẩn to lớn nào về nguyên nhân của đại dịch Covid-19 - hoặc bất kỳ đại dịch hiện đại nào khác”, TS Peter Daszak, Chủ tịch Liên minh EcoHealth, một trong những tác giả của báo cáo cho biết.

“Các hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học, đồng thời dẫn đến nguy cơ đại dịch do tác động đến môi trường. Những thay đổi trong việc sử dụng đất; mở rộng và thâm canh nông nghiệp; buôn bán, sản xuất và tiêu dùng không bền vững đã hủy hoại thiên nhiên và gia tăng sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi, mầm bệnh và con người. Đây là con đường dẫn đến đại dịch”.

Sự bùng nổ các đại dịch đã khiến nhiều người tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Báo cáo cho biết các đại dịch và bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người mới nổi khác có thể gây ra thiệt hại kinh tế hơn 1 nghìn tỉ USD mỗi năm. Tính đến tháng 7/2020, chi phí dành cho đại dịch Covid-19 ước tính lên tới 8-16 nghìn tỉ USD trên toàn cầu.

Cần thay đổi mối quan hệ với môi trường

Trước thực tế này, các quốc gia đã tìm nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu nguồn gốc lây lan đại dịch, các chính phủ trên thế giới chủ yếu tập trung vào việc ứng phó - thông qua phát hiện sớm, ngăn ngừa lây lan và hy vọng vào sự phát triển nhanh chóng của vaccine và thuốc. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy, “đây là một con đường chậm chạp và không chắc chắn, trong lúc người dân trên toàn cầu đợi có vaccine, chi phí con người đang tăng lên, những sinh mạng mất đi, bệnh tật, suy thoái kinh tế và mất kế sinh nhai đang tiếp tục diễn ra”.

Cách tiếp cận này cũng gây ra suy thoái về đa dạng sinh học, chẳng hạn, dẫn đến việc tiêu hủy số lượng lớn các loài động vật được xác định mang mầm bệnh. Sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002-2004, hàng chục nghìn động vật hoang dã ở Trung Quốc đã bị tiêu hủy, đến nay loài dơi tiếp tục bị thảm sát sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Nhìn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, báo cáo của IPBES đã đề xuất cách tiếp cận bền vững và giải quyết vấn đề tới tận gốc rễ hơn, bao gồm việc thành lập một hội đồng quốc tế để giám sát hoạt động ngăn chặn đại dịch; dành các nguồn kinh phí để bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục. Các chuyên gia hy vọng, những thay đổi về mặt thể chế này sẽ giúp hạn chế sự bành trướng của các ngành công nghiệp đang tàn phá rừng như sản xuất dầu cọ, khai thác gỗ và chăn nuôi gia súc.

Theo ước tính, để triển khai toàn diện chiến lược nhằm giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai sẽ tiêu tốn khoảng 40-58 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp các quốc gia giảm bớt thiệt hại kinh tế do các đại dịch gây ra lên tới hàng nghìn tỉ USD mỗi năm.

“Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là hiểu được quy mô hành động mà chúng ta phải thực hiện”, Lee Hannah, một nhà khoa học ở Tổ chức bảo tồn quốc tế (Hoa Kỳ) cho biết.

“Đây không phải là việc nỗ lực thêm một bậc nữa mà là tín hiệu cho chúng ta thấy mình phải hành động ở cấp độ cao nhất từ trước tới nay”.

TS Enric Sala ở National Geographic Society, một tổ chức giáo dục và khoa học phi lợi nhuận có trụ sở ở Hoa Kỳ bổ sung: “Chúng ta cần sự đồng thuận của tất cả các quốc gia. Đặc biệt là những quốc gia sở hữu những vùng hoang dã lớn nhất còn sót lại trên Trái Đất, không chỉ là nguồn đa dạng sinh học lớn mà còn là những giải pháp tự nhiên tuyệt vời nhất để giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Con người vẫn còn thời gian để ngăn chặn và thậm chí đảo ngược việc mất mát đa dạng sinh học, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ. “Thực tế cho chúng ta thấy còn rất nhiều việc phải làm nhằm tạo ra những bước chuyển biến tích cực nhằm bảo vệ đa dạng sinh học”, bà Lina Barrera, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chính sách quốc tế của Tổ chức Bảo tồn quốc tế, nhận định.

Từ lời nói đến hành động là chặng đường dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào chính vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn nhân loại. Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai bền vững. Đây là thời điểm để tất cả các quốc gia trên thế giới phải kết nối hành động, ngăn chặn tốc độ suy thoái, phục hồi đa dạng sinh học.

Việt Nam lọt Top 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Theo thống kê, Việt Nam đã phát hiện được gần 12.000 loài thực vật, trong đó khoảng 2.300 loài được sử dụng làm lương thực, khoảng 3.300 loài được sử dụng làm dược liệu, thức ăn gia súc, lấy gỗ, lấy dầu và nhiều sản phẩm quý khác.

Về hệ động vật, Việt Nam có khoảng 310 loài thú; 840 loài chim; 296 loài bò sát; 162 loài ếch nhái; 2.472 loài cá (trong đó có 472 loài cá nước ngọt) và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở nước và trong đất…

Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 07 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).

Đến nay, nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 09 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha.

Trong năm 2019, Bộ TN&MT đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4  Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn đa dạng sinh học để ngăn chặn đại dịch bùng phát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới