Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ tư, 20/01/2021 08:53 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường - Từ bị động sang chủ động: Tạo hành lang pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất

Theo dõi KTMT trên

Bằng những nỗ lực cao nhất trong công tác chỉ đạo và thực hiện, năm 2020 kết thúc một chặng đường, Tổng cục Môi trường đã về đích thành công.

Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được và kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian tới.

PV: Năm 2020 là năm cuối của giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Môi trường đã hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đây cũng được xem là năm “bình yên” của môi trường bởi không có sự cố nào xảy ra. Để đạt được điều này, trong năm qua, Tổng cục Môi trường đã tập trung những công việc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài:

Năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Môi trường đã tập trung toàn lực, nỗ lực, cố gắng, phát huy sức mạnh tập thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và chương trình công tác đã đề ra, từ đó chủ động ứng phó, từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Qua đó, đã chủ động phòng ngừa, kiềm chế được sự gia tăng ô nhiễm, góp phần vào thành công chung của toàn ngành Tài nguyên và Môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước.

Bảo vệ môi trường - Từ bị động sang chủ động: Tạo hành lang pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất - Ảnh 1
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài.

Để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho công tác BVMT, Tổng cục đã nỗ lực hoàn thành Chương trình xây dựng văn bản pháp luật. Trong 5 năm (2016 - 2020), Tổng cục đã xây dựng, tham mưu cho Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 Nghị định, 3 Quyết định, 3 Chỉ thị cùng nhiều Kế hoạch, Đề án quan trọng khác; ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Đa dạng sinh học 2008. Đã xây dựng hoàn thiện 12 QCVN về môi trường. Chỉ tính riêng năm 2020, Tổng cục đã tham mưu xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; trình ban hành 1 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 2 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai chính sách pháp luật về BVMT ở cơ sở.

Hàng năm, Tổng cục tiếp nhận, xử lý một khối lượng văn bản rất lớn, năm 2020 con số đó là 18.000 văn bản đến, 12.000 văn bản đi. Với mong muốn tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, cấp phép, công nhận, chứng nhận về môi trường, Tổng cục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 đối với 41 thủ tục hành chính. Đồng thời ban hành 26 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, hình thành cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Tổng cục.

Chủ động phòng ngừa không để xảy ra sự cố môi trường, Tổng cục Môi trường đã thành lập và duy trì 12 tổ giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao; tổ chức hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thành lập và duy trì hiệu quả đường dây nóng xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Thông qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận và yêu cầu địa phương xử lý hơn 1.500 thông tin, phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, trong đó hơn 1.026 thông tin vụ việc đã được xử lý dứt điểm. Cùng với đó, qua theo dõi thông tin môi trường trên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo xử lý 112 tin phản ánh về ô nhiễm. Đặc biệt, tháng 12/2020, Tổng cục đã chủ trì, tổ chức Hội đồng Giám sát liên ngành và phiên họp đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau 3 năm triển khai.

Ngoài ra, Tổng cục cũng tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và duy trì, vận hành tốt hệ thống thông tin của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý môi trường. Đến nay, cả Trung ương và địa phương đã đầu tư lắp đặt 867 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở TN&MT và Bộ TN&MT để kịp thời cảnh báo, cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường.

PV: Việc tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa đã giúp cho ngành TN&MT đạt được một số thành tích đáng kể. Theo ông thành tích nổi bật nhất trong năm 2020 là gì?

Ông Nguyễn Văn Tài:

Nhắc đến thành công của năm 2020 không thể không nói đến việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 vừa được Quốc hội thông qua. Đây không chỉ là thành công của lĩnh vực môi trường mà còn là thành công của toàn ngành TN&MT.

Luật BVMT liên quan đến nhiều luật khác, để tránh sự chồng chéo trong quản lý, giải quyết bài toán không hy sinh môi trường để phát triển, nhưng cũng không quá cứng nhắc dẫn đến kìm hãm phát triển là điều rất khó. Sau gần 2 năm tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp thu hàng trăm ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế… ngày 17/11, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua.

Bảo vệ môi trường - Từ bị động sang chủ động: Tạo hành lang pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất - Ảnh 2
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chắc chắn sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong thay đổi nhận thức.

Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là bảo đảm chất lượng môi trường sống để bảo vệ sức khỏe người dân, thay đổi phương thức quản lý theo hướng bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các công cụ quản lý môi trường, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao. Luật quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo suốt vòng đời của dự án đầu tư phát triển, bắt đầu từ khâu quy hoạch, xem xét chủ trương, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án cho đến khi vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kết thúc hoạt động.

Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành hành lang pháp lý cơ bản về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ, khi chuyển các quy định rải rác, phân tán về BVMT ở các luật khác về Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về BVMT của ngành TN&MT như xây dựng chiến lược, quy hoạch, quy phạm pháp luật, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện; thẩm định, cấp phép; thông tin, báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường; phân công, phân cấp đi đôi với xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra hành lang pháp lý cho những định hướng lớn về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, nhóm đối tượng có nguy cao gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; tiếp cận cách thức quản lý dựa trên nền tảng khoa học, thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế. Cùng với đó, Luật cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp đối với nhóm ít nguy cơ gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, đồng thời tạo điều kiện hết sức thông thoáng để cho các lĩnh vực, ngành ứng dụng các công nghệ thân thiện, hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên…

Với rất nhiều điểm mới, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức, hành động và hiệu quả trong công tác quản lý và BVMT.

PV: Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, đồng nghĩa với việc năm 2021, quản lý môi trường sẽ bước sang một chặng đường mới. Trong bối cảnh môi trường đang còn nhiều khó khăn như hiện nay, Tổng cục Môi trường đã đề ra những định hướng gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài:

Luật Bảo vệ môi trường 2020 gồm 16 chương, 171 điều là một bộ luật lớn, phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng, nhạy cảm và phức tạp. Vì vậy, việc triển khai tổ chức thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng để các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Tới đây, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung nguồn lực để tuyên truyền, giới thiệu về các Quy định của Luật; rà soát các văn bản liên quan để trình bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản có liên quan; nhất là tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được giao trong Luật trình ban hành trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022.

Cùng với đó, Tổng cục cũng tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030; rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập và mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới; triển khai thực hiện phân vùng môi trường theo các yếu tố nhạy cảm về môi trường; phân nhóm các hoạt động đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí tác động đến môi trường; phân nhóm các nguồn thải dựa trên các tiêu chí quy mô và tính chất độc hại của các chất ô nhiễm thải ra môi trường; phân loại chất thải rắn theo các nhóm mục tiêu tái sử dụng, tái chế và buộc phải xử lý, tiêu hủy; đánh giá sức chịu tải của môi trường, trước hết là của môi trường nước mặt trên các sông, hồ, vùng nước ven biển có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khoanh vùng các khu vực có các giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học để bảo tồn, bảo vệ; lập danh mục các loài, nhất là các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài chim di cư để bảo vệ;... 

Cùng với đó, cùng với các địa phương, sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, tập trung vào nhóm các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường; thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn; mô hình phân loại tại nguồn, phân loại tập trung rác thải sinh hoạt kết hợp tái chế, thu hồi vật chất, năng lượng từ chất thải rắn…; triển khai đồng bộ các chương trình quan trắc chất lượng môi trường, tập trung vào khu vực đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn, khu vực có các yếu tố nhạy cảm về môi trường đồng thời với việc tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường và cảnh báo về ô nhiễm môi trường của Bộ TN&MT và các địa phương; tổ chức vận hành thông suốt và hiệu quả hệ thống đường dây nóng phản ánh về ô nhiễm môi trường, mở rộng đến cấp xã, phường trên phạm vi cả nước.

Tổng cục Môi trường sẽ chủ  động đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, hoàn thiện công tác kế hoạch - tài chính, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương đảm bảo thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ và chương trình công tác đã đề ra.

Mai Chi

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ môi trường - Từ bị động sang chủ động: Tạo hành lang pháp lý toàn diện, đồng bộ, thống nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới