Chủ nhật, 24/11/2024 08:16 (GMT+7)
Thứ tư, 03/03/2021 07:24 (GMT+7)

Bất chấp đại dịch, nồng độ CO2 vẫn tăng cao kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Lượng khí thải CO2 trên toàn cầu đã có xu hướng tăng trở lại trong tháng 12/2020 so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy mức giảm phát thải mạnh do đại dịch chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu đang tăng trở lại

Các số liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 2/3 cho thấy, lượng khí thải từ việc sản xuất và sử dụng dầu, khí đốt và than đá vào tháng 12/2020 cao hơn 2% so với một năm trước đó, tương đương 60 triệu tấn.

IEA cho biết, Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, là nước duy nhất có mức tăng phát thải trong năm ngoái là 0,8%, tương đương 75 triệu tấn, so với mức của năm 2019.

Tại Ấn Độ, quốc gia phát thải lớn thứ ba thế giới, lượng khí thải vào tháng 9 năm ngoái đã tăng cao hơn mức năm 2019 do nước này đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

Bất chấp đại dịch, nồng độ CO2 vẫn tăng cao kỷ lục - Ảnh 1
Lượng khí thải CO2 tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm vì Covid-19. (Ảnh minh họa)

Theo ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng khí thải carbon toàn cầu tăng trở lại vào cuối năm ngoái là một cảnh báo rõ ràng cho thấy chưa đủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn thế giới.

“Nếu các chính phủ không nhanh chóng đưa ra các chính sách năng lượng phù hợp, điều này có thể khiến cho việc biến năm 2019 trở thành đỉnh cao nhất về lượng khí thải toàn cầu của thế giới có thể không thực hiện được”, ông Birol cảnh báo.

Các nhà khoa học trước đây đã tính toán lượng khí thải CO2 đã giảm 7% trong cả năm 2020 khi mọi người ở nhà vì đại dịch.

Tiến sĩ Birol cho biết: “Những con số cho thấy chúng ta đang quay trở lại hoạt động kinh doanh sử dụng nhiều carbon như bình thường. Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng về thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt trong việc chuyển đổi nhanh chóng hệ thống năng lượng toàn cầu”.

"Sự phục hồi xanh" đã bị đình trệ

Phân tích của Guardian và Vivid Economics đã chỉ ra rằng "sự phục hồi xanh" trên toàn thế giới đã bị đình trệ, với việc các chính phủ tiếp tục đổ tiền vào các hoạt động sản xuất làm phát thải carbon.

“Những cam kết để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là không đủ. Hành động của các nước cực kỳ chậm trễ và hầu hết họ không có kế hoạch cho việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0”, bà Corinne Le Quéré, Giáo sư khoa học về biến đổi khí hậu tại Đại học East Anglia.

Giáo sư Dave Reay tại Đại học Edinburgh nhận định, mức giảm kỷ lục trong năm nay trên thực tế vẫn chỉ là “giọt nước trong đại dương” nếu so sánh lượng CO2 mà con người đã phát thải vào khí quyển.

Trong khi đó, Cameron Hepburn, Giám đốc của Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith thuộc Đại học Oxford cho rằng quy mô của vấn đề đòi hỏi các chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn nhiều.

“Đại dịch cho thấy những thay đổi triệt để trong hành vi của mỗi cá nhân là một phần của câu chuyện. Điều cần thiết hơn phải là sự thay đổi của hệ thống, bao gồm việc chuyển sang sử dụng công nghệ sạch để có thể đạt được mục tiêu là mức phát thải ròng bằng 0”, Hepburn nói.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết cắt giảm 68% lượng khí thải của Vương quốc Anh vào năm 2030 so với mức phát thải của năm 1990. Động thái này được cho là để khuyến khích các quốc gia khác thực hiện kế hoạch tương tự tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức ngày 12/12.

Anh mới đây cũng đã công bố 68 dự án với tổng trị giá gần 40 triệu bảng để phục hồi các con sông, bảo vệ các dòng suối, phát triển thêm đồng cỏ, trồng thêm 800.000 cây xanh, nghiên cứu bảo tồn loài hải cẩu xám…

Bộ trưởng Môi trường Anh Rebecca Pow nhấn mạnh: “Những dự án này sẽ thúc đẩy các kế hoạch trên khắp đất nước để khôi phục và biến đổi cảnh quan của chúng ta, tạo ra môi trường xanh và việc làm xanh, đồng thời là một phần quan trọng giúp chúng ta xây dựng cuộc sống xanh hơn từ sau đại dịch Covid-19”.

CO2 là khí nhà kính quan trọng nhất tồn tại lâu dài trong khí quyển liên quan đến hoạt động của con người, đóng góp khoảng 2/3 lực bức xạ. Hàng năm mức CO2 trung bình trên toàn cầu là khoảng 410,5 ppm vào năm 2019, tăng từ 407,9 ppm vào năm 2018, đã vượt qua mốc 400 ppm ở 2015. Mức tăng CO2 từ năm 2018 đến năm 2019 lớn hơn mức tăng từ năm 2017 đến 2018 và cũng lớn hơn mức trung bình trong thập kỷ qua.

Phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng, phá rừng và các hoạt động thay đổi sử dụng đất khác đã đẩy CO2 trong khí quyển năm 2019 lên 148% so với 278 ppm ở giai đoạn tiền công nghiệp khi có một sự cân bằng giữa khí quyển, đại dương và sinh quyển đất liền. Trong thập kỷ trước, khoảng 44% CO2 vẫn còn trong khí quyển, trong khi 23% được hấp thụ bởi đại dương và 29% từ đất liền, với 4% không được phân bổ.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Bất chấp đại dịch, nồng độ CO2 vẫn tăng cao kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới