Bất chấp pháp luật, Giám đốc Công ty Lê Thành tổ chức "cưỡng chế"... nhà dân
Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng từ cơ quan chức năng, thế nhưng ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành (Công ty Lê Thành) đã chỉ đạo bảo vệ và nhân viên tiến hành đập phá tài sản, san phẳng căn nhà của người khác.
Bỗng dưng bị phá nhà
Ông Thạch Quang (SN 1966) cùng gia đình sinh sống tại địa chỉ 172/183/79 đường An Dương Vương (phường 16, quận 8, TP HCM) từ nhiều năm nay. Khoảng 14h ngày 14/5, khi cả gia đình ông Quang đi vắng, thì một nhóm khoảng 30 người của Công ty Lê Thành tự ý đến đập cửa, xông vào nhà đập phá tài sản. Toàn bộ nhà cửa, vườn tược gia đình ông bị san phẳng, đồ đạc bị ném hết ra đường. Ngoài căn nhà, phần diện tích vườn chăn nuôi nhiều gia cầm và khoảng 100 cây ăn trái đang cho thu hoạch đều bị chặt phá. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 100 trăm triệu đồng.
Vợ chông ông Thạch Quang trong căn nhà bị san phẳng. |
Theo ông Quang, gia đình ông đã ở trong căn nhà này từ năm 2001 và vừa mới sửa lại hết hơn 30 triệu đồng. Ngày 14/5, khi đi làm về thì ông phát hiện toàn bộ căn nhà của gia đình bị phá nát, san phẳng. Hiện, 4 người trong gia đình phải đi tá túc nhờ nhà người thân.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Quang ngay lập tức gọi điện báo cho UBND và Công an phường 16 (quận 8) yêu cầu xử lý. Tuy vây, khi đến hiện trường, cán bộ UBND phường lại yêu cầu ông Quang phải làm đơn trình báo rồi sau đó mới xử lý. Đến ngày 23/5, gia đình ông Quang đã gửi đơn tố cáo đến UBND phường 16, UBND quận 8 và Công an quận 8 cùng nhiều cơ quan ban ngành để làm rõ.
Theo hồ sơ ông Quang cung cấp, diện tích đất gia đình ông đang ở là hợp pháp và không tranh chấp với ai từ năm 2001 đến nay. Cụ thể, năm 1998, gia đình ông Khưu Văn Hưng (SN 1955) và vợ là bà Huỳnh Thu Nga (SN 1956) nhận chuyển nhượng phần đất có diện tích 1.504m2, thửa đất số 267, tờ bản đồ số 4 (phường 16, quận 8) của bà Nguyễn Thị Hai (SN 1930, người địa phương). Năm 2000 vợ chồng ông Hưng, bà Nga tiếp tục mua của gia đình bà Hai tổng diện tích khoảng hơn 1.862m2 thuộc một phần thửa đất 168, 267 và trọn thửa 288, tờ bản đồ số 4, phường 16, quận 8. Tổng diện tích gia đình ông Hưng, bà Nga nhận chuyển nhượng từ năm 1998 - 2000 khoảng 3.366m2.
Năm 2001, ông Hưng, bà Nga xây dựng một căn nhà có diện tích khoảng 130m2 trên phần đất mua của bà Hai (căn nhà nằm trên thửa đất số 42, tờ bản đồ số 36, Bản đồ địa chính phường 16, quận 8) với cấu trúc tường gạch, mái tôn. Sau đó, vợ chồng ông Hưng cho ông Thạch Quang (bà con của gia đình ông Hưng) ở và ông Quang có trách nhiệm trông coi, quản lý và giữ gìn toàn bộ khu đất này.
Gần đây gia đình của ông Hưng, bà Nga có bán đất cho ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành 4 mảnh với tổng diện tích là 2.863m2, gồm: 1.504m2 (tại thửa 267, tờ bản đồ số 4), 160m2 (tại thửa 43, tờ bản đồ 36), 459m2 (tại thửa số 457, tờ bản đồ số 36) và 740m2 (thửa 33, tờ bản đồ số 36). Đối với phần diện tích còn lại là 476m2, trước đây thuộc hành lang bảo vệ kênh rạch thì các bên chưa thống nhất được giá chuyển nhượng.
Ông Hưng cho biết, do Công ty Lê Thành trả giá quá thấp nên ông không đồng ý bán. Hiện gia đình ông đang tiến hành thủ tục để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, trong khi chưa có phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng, thì ông Nghĩa đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ và nhân viên “cưỡng chế” khiến căn nhà của ông và các tài sản trên đất đã bị san phẳng.
Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành khẳng định, đây là đất của mình và ông đã mua nguyên khu đất của bà Nga, trên khu đất có 4 sổ.
"Chúng tôi đã thỏa thuận mua giá đất ở là 35 triệu/m2, đất nông nghiệp là 18 triệu/m2. Hai bên có thỏa thuận mua 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng số tiền 54,2 tỉ đồng. Đến ngày 5/4, tôi đã thanh toán cho bên bán (2 đợt), tổng số tiền là trên 50 tỉ đồng. Phần đất dư ra vài trăm m2, không nằm trong chủ quyền của bà Nga, bà Nga nói cho tôi không tính tiền, có xác nhận của phòng công chứng".
Trả lời về việc, vì sao người dân đang sinh sống, ngụ cư bình yên lại bị phá nhà, mất đất...? ông Nghĩa lý giải: "Ngày 14/5, trên khu đất tôi đã mua, tôi để rất nhiều đồ có giá trị để chuẩn bị xây dựng công trình gần đó. Do vậy, tôi cho nhân viên rào khu đất đó lại. Ở đó có một cái chòi nhưng do không sử dụng nên tôi cho anh em phá bỏ, gỡ đường dây điện cho an toàn. Đây là đất của tôi và tôi có quyền sử dụng nó vào mục đích của tôi chứ không hủy hoại tài sản của ai cả".
Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo UBND phường 16 (quận 8) cho biết, UBND phường đã nhận được đơn phản ánh về sự việc từ gia đình ông Hưng, bà Nga, ông Quang. Tuy nhiên, do gia đình ông Hưng, bà Nga đang đi nước ngoài chưa về nên chưa thể xử lý sự việc.
Đại diện Công an quận 8 cũng xác nhận, đơn vị đã nhận đơn tố cáo của người dân về vụ việc trên. Tuy nhiên, do mới tiếp nhận nên cơ quan công an cần có thời gian xác minh cụ thể để làm rõ.
Tổ chức “cưỡng chế” trái pháp luật
Về sự việc "người dân đang sinh sống bình yên gần 20 năm bỗng dưng bị san phẳng nhà" nghi vấn Giám đốc Công ty Lê Thành là người chỉ đạo "cưỡng chế". Luật sư Võ Thanh Khương - Công ty TNHH Luật Logic & Cộng sư (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: "Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc tổ chức cưỡng chế đối với người dân chỉ được thực hiện trong các trường hợp đã có bản án của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật và chỉ những cơ quan sau mới được thực hiện việc cưỡng chế.
Cơ quan chức năng đã tiếp nhận đơn tố cáo về hành vi huỷ hoại tài sản. |
Cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Việc tổ chức cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của tòa án phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục của Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cơ quan thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án của cơ quan thừa phát lại phải theo thủ đúng quy trình, thủ tục của Bộ Tư pháp.
Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi quyền hạn có quyền cưỡng chế (biện pháp khắc phục hậu quả) đối với các hành vi vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng theo quy định của Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật tổ chức chính quyền địa phương theo thủ đúng qui trình, thủ tục.
Luật sư Khương phân tích: "Trong tình huống này, dù cho các bên có thỏa thuận về việc chuyển nhượng đất như thế nào, nhưng bên chuyển nhượng chưa giao đất hoặc không tự nguyện giao đất thì bên nhận chuyển nhượng cũng không có quyền cưỡng chế để lấy tài sản mà bắt buộc phải khởi kiện ra tòa để tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có). Khi phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cũng được thi hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đã phân tích".
"Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi của ông Lê Hữu Nghĩa khi tự ý đưa người xuống cưỡng chế lấy khu đất và phá nhà của người dân là hành vi trái pháp luật" - Luật sư Khương khẳng định.
Về việc ông Nghĩa cho người xuống "cưỡng chế" nhà dân, Luật sư Khương cho hay: "Theo như những nội dung mà báo chí đã nêu thì việc ông Lê Hữu Nghĩa tổ chức cho công nhân và bảo vệ người xuống đập phá nhà và chiếm đất của người khác là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017".
Nhóm PV