Bất động sản online mùa dịch (Kỳ cuối): Điều cần nhất?
Không thể phủ nhận giá trị mà bất động sản (BĐS) online mang lại. Nhưng để cho loại hình này hoạt động bền vững, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam thì điều cần nhất là hệ thống pháp lý chặt chẽ, đơn vị quản lý làm việc nghiêm túc.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam: "BĐS là loại hàng hóa đặc biệt hơn so với nhiều mặt hàng khác đang có trên thị trường. Bởi, BĐS là thứ không thể bê vác, di chuyển đi nơi khác được. Hơn nữa, BĐS còn thể hiện quyền sở hữu quốc gia.
Khi mua bán BĐS sẽ liên quan đến một loạt các thủ tục pháp lý như giấy tờ công chứng, sổ đỏ sang tên, đóng thuế, nhận bàn giao trên thực địa... Dù có mua - bán thông qua hình thức trực tiếp hay online thì cũng đều phải thực thi công việc cụ thể này.
Chính vì vậy, để mong chờ mua - bán BĐS online đạt được hiệu quả như những mặt hàng khác như túi xách, ô tô, quần áo... là điều gần như không thể. Chính bản thân BĐS online cũng khó có thể thay thế được các giao dịch mua BĐS trực tiếp", ông Đính bày tỏ.
Thế nhưng ông Đính cho rằng, BĐS online vẫn sẽ có được cho mình một hướng đi riêng, tạo ra thành công nếu như được phát triển một cách chuyên nghiệp.
"Điều quan trọng nhất là phải có hệ thống pháp lý đầy đủ. Nếu như giao dịch BĐS trực tiếp yêu cầu chủ đầu tư dự án phải có đầy đủ các quy định về nghĩa vụ tài chính, quy hoạch, giấy phép xây dựng, tiến độ thi công, đánh giá tác động môi trường... thì đối với BĐS online cần phải có yêu cầu cao hơn thế. Đồng thời, cần có thêm sự quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông, các quy định về thông tin trên nền tảng ứng dụng công nghệ...
Tất cả những cơ quan này cần phải tiến hành luật hóa cụ thể và buộc doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, thể hiện rõ trên các ứng dụng công nghệ. Nếu doanh nghiệp nào thiếu hoặc làm sai thì bị xử lý triệt để, tăng mức phạt thật nặng. Có như thế thì hình thức BĐS online mới có thể chuyên nghiệp và phát triển vững mạnh trong tương lai", ông Đính chia sẻ.
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cũng cho rằng, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Tài chính... cần phải phối hợp với nhau, đưa ra được một quy định cụ thể cho việc phát triển BĐS online để tránh những hệ lụy có thể xảy ra trong tương lai.
"Từ lâu, hệ thống pháp lý ở Việt Nam vốn bị phản ánh là chồng chéo, khó áp dụng thực tế nên dễ dẫn tới những hệ quả phát sinh. Nên, bây giờ cần phải có một sự nhìn nhận lại, phân công rõ ràng. Ngành nào quản lý hoạt động giao dịch BĐS online, các ngành liên quan còn lại cùng hỗ trợ giám sát để tăng tính hiệu quả của các quy định pháp luật? Tránh xảy ra tình trạng phát hiện ra sai phạm nhưng không rõ ngành nào xử lý sai phạm", ông Quý bày tỏ.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm cho biết, thực tế cho thấy có rất nhiều dự án bị khách hàng tố cáo là dự án "ma", chủ đầu tư chiếm dụng vốn, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt sản của người mua…, có những dự án bị truy tố trách nhiệm hình sự với số lượng người bị hại (khách hàng) lên tới hơn 4.000 người. Giao dịch BĐS online sẽ đưa các rủi ro này đến với các nhà đầu tư với tỉ lệ cao hơn.
Do đó về mặt quản lý nhà nước, cần xem xét và hoàn thiện một số quy định pháp luật liên quan để hạn chế rủi ro, cũng như tạo ra thị trường pháp lý rõ ràng cho kênh mua - bán BĐS online trong thời điểm hiện tại, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng trong tương lai cũng như giúp cho hoạt động quản lý nhà nước được tốt hơn.
Chuyên gia pháp lý BĐS Trần Đức Phượng chia sẻ, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Nghị định 130/2018/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Thông tư 47/2014/TT-BTC về quản lý trang thông tin thương mại điện tử, Thông tư 59/2015/TT-BCT về quản lý thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động…, đã quy định tương đối đầy đủ cho các giao dịch mua - bán online.
Điều cần thiết nhất lúc này là cần có thêm các quy định chi tiết trong việc bảo vệ các giao dịch, tăng cường việc xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong hoạt động BĐS online.
"Hiện nay, trên cơ sở các quy định pháp luật đã có, các hình thức giao dịch tương thích với giao dịch online cũng đủ thực hiện bằng giao dịch điện tử, ủy quyền cho bên thứ 3. Thậm chí, với giao dịch buộc phải công chứng thì bên mua và bên bán vẫn dễ dàng thực hiện bằng việc công chứng tại 2 địa điểm khác nhau…, nên rất linh hoạt để xác lập các giao dịch đúng theo quy định của pháp luật.
Các hình thức thực hiện không đúng quy định, để bán dự án "ma", lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, là những hiện tượng luôn có trong đời sống xã hội, trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật và các quy trình giao dịch rõ ràng, các dấu hiệu nhận biết được công bố sẽ giúp nhận thức của các khách hàng phân biệt và hoàn toàn có thể tránh được những kiểu vi phạm pháp luật, sự an toàn cho khách hàng", ông Phượng nói.
Đông Tẩu