Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ hai, 17/04/2023 15:30 (GMT+7)

Các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại

Theo dõi KTMT trên

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu

Các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,8%, đứng thứ hai khu vực cùng với Campuchia, và chỉ xếp sau Philippines (6%). Theo đó, IMF dự báo quy mô GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 449,09 tỷ USD.

Trong Báo cáo Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam mới công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay giảm nhẹ. Cụ thể, Báo cáo của ADB đánh giá, sau kết quả ấn tượng trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Lý giải về nguyên nhân của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết: "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu".

Theo đó, GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 435,59 tỷ USD với mức dự báo tăng trưởng 6,5% của ADB (GDP năm 2022 đạt 409 tỷ USD theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê).

Theo báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 13/3, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo đạt 6,3% trong năm 2023. Đáng chú ý, WB cho rằng không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB phân tích, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8%. Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu.

Do tác động trong nước và bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Như vậy, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 434,77 tỷ USD với mức dự báo tăng trưởng 6,3% của WB.

Bên cạnh IMF, ADB, WB, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng có dự báo cho tăng trưởng GDP của Việt Nam. Theo dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (ARMO), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 6,2%, trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của khối ASEAN+3 chỉ là 4,6%.

Với dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,2% của ARMO, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 434,36 tỷ USD.

Ngày 31/3, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB đã công bố báo cáo tăng trưởng quý 1/2023 của Việt Nam. Trong đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam xuống mức 6,0% so với trước đó là 6,6%.

Theo UOB, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý 1/2023 giảm xuống mức tăng 3,32% so với cùng kỳ, từ mức 5,92% trong quý 4/2022, thấp hơn mức dự báo chung của UOB. Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng thấp là do lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng âm với mức giảm 0,4%, lần đầu tiên kể từ quý 3 năm 2021.

Nguyên nhân chính khiến lĩnh vực sản xuất hoạt động kém hiệu quả chủ yếu đến từ nhu cầu bên ngoài sụt giảm, vốn đã được dự báo trước. Xuất khẩu trong quý 1 giảm 11,9% so với cùng kỳ và xuống còn 79,2 tỷ USD, so với mức tăng 12,9% của cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 14,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại 4,1 tỷ USD trong quý và là quý thứ ba liên tiếp thặng dư.

Với mức dự báo tăng trưởng 6% của UOB, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 433,54 tỷ USD.

Minh Hà

Bạn đang đọc bài viết Các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới