Chủ nhật, 24/11/2024 09:27 (GMT+7)
Thứ tư, 15/09/2021 13:35 (GMT+7)

Cần cơ cấu hợp lý nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VIII

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia góp ý cần xem xét lại việc tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.

Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) vừa có kiến nghị, góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện VIII - lần IV. Trong bản kiến nghị, VSEA cho biết, dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này có những điểm mới so với bản trình tháng 3/2021 như: Cắt giảm tổng công suất nguồn điện trong cả 2 giai đoạn của thời kỳ quy hoạch; Tăng cường kiểm soát và giám sát thực hiện Quy hoạch; Thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phân tán; Tập trung cân bằng phụ tải nội vùng để hạn chế truyền tải từ xa...

Cần cơ cấu hợp lý nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VIII - Ảnh 1
Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế của nhiều nước trên thế giới nhằm hướng tới phát triển năng lượng bền vững. (ảnh minh họa)

Trong bản dự thảo mới đây còn đề cập vấn đề  tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Theo các chuyên gia, việc tập trung các nguồn điện truyền thống này cho lưới điện hiện tại chỉ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện mà làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.

Theo các chuyên gia của Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam kiến nghị, Dự thảo Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển NLTT. Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ NLTT, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển NLTT bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.

Ngoài ra, những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.

Các phương án thay thế được đề xuất bao gồm: Điện mặt trời nổi kết hợp với các nhà máy thủy điện hiện có, đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời phân tán, phát triển mô hình kết hợp “lợi ích kép - dual use” điện mặt trời, điện gió với nông nghiệp, thủy sản kết hợp thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn NLTT, Quy hoạch điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường. Công nghệ lưu trữ ngày càng rẻ, cần có chính sách tạo điều kiện kết hợp với nắm bắt công nghệ tiên tiến của thế giới để bộ đôi năng lượng tái tạo và lưu trữ ở quy mô lớn, trung bình, nhỏ tham gia vận hành ngành điện trong tương lai.

Từ góc nhìn môi trường, GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cảnh báo, nhà máy nhiệt điện than có rất nhiều mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân. Ngay cả khi áp dụng công nghệ với hiệu suất cao thì các dự án điện than theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, với công suất khoảng 37GW, vẫn phát thải 247 tấn bụi/h, và lượng tro xỉ là khoảng 44 triệu tấn vào năm 2030. Với những tác động như vậy, việc hạn chế phát triển điện than và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là cần thiết.

Tại Việt Nam, dựa trên thông tin của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, nếu tính luôn hai nhà máy Sông Hậu 1 và Hải Dương BOT vừa đưa vào vận hành thì tổng công suất nhiệt điện than cả nước hiện là 22.130 MW với 30 nhà máy. Nhiệt điện than của Việt Nam rất lạc hậu so với thế giới khi chiếm đa số là công nghệ cận tới hạn với dải hiệu suất thấp nhất và cũng phát thải ô nhiễm cao nhất. Tại nhà nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương, dù mới đi vào hoạt động nhưng bị người dân phản ánh gây ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi. Chính quyền tỉnh Hải Dương đã vào cuộc xác minh làm rõ vấn đề người dân phản ánh.

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần cơ cấu hợp lý nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VIII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới