Chủ nhật, 24/11/2024 03:04 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/10/2024 06:35 (GMT+7)

Cần nhanh chóng để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường tín chỉ carbon

Theo dõi KTMT trên

Theo T.S, Luật sư Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, thị trường tín chỉ carbon rất rộng lớn. Cơ quan quản lý cần sớm tạo hành lang pháp lý vững chắc để doanh nghiệp có thể tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường này.

Tại phiên thảo luận trong Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững” tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp đã bàn kỹ về vấn đề làm sao để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam sớm đi vào hoạt động cũng như phát triển bền vững.

Theo T.S Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền), thị trường tín chỉ carbon rất quan trọng và rộng lớn. Theo ông, đây là nguồn vốn quan trọng, đóng góp tính minh bạch, cam kết hành động vì khí hậu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cách tham gia chiến lược vào thị trường carbon trong bối cảnh thực hiện NDC của Việt Nam. "Cơ quan quản lý cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế để doanh nghiệp trong nước sớm chiếm lĩnh thị trường này" - T.S Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.

Cần nhanh chóng để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 1
T.S Phạm Hồng Điệp

Chia sẻ thêm về lộ trình đẩy nhanh tiến độ triển khai giảm phát thải khí nhà kính, ông Phạm Hồng Điệp cho biết cần hướng dẫn, thúc đẩy việc kiểm kê doanh nghiệp. Lộ trình chia theo 02 giai đoạn, từ nay đến 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật 2 năm/lần.

Vị doanh nhân này cũng nhấn mạnh: "Tham gia vào thị trường carbon là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro môi trường mà còn tăng cường khả năng thích ứng với các quy định ngày càng nghiêm ngặt của thị trường toàn cầu”. 

Đóng góp ý kiến về lộ trình hình thành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, ông Vũ Giao Long, Chủ tịch Công ty cổ phần quốc tế LDN, một doanh nhân trong lĩnh vực tài chính xanh cho rằng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam ở thế "trong nguy có cơ". "Nguy" là bởi chúng ta đi sau các nước, nhưng đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Theo ông Long, cơ hội là rất mở, tuy nhiên cần có sự đồng hành, cam kết của cơ quan quản lý để những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này được phát huy hết khả năng.

Ở góc độ chính sách, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Vện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng giống như xây dựng sàn chứng khoán. Chúng ta cần có thời gian, lộ trình cụ thể.

Cần nhanh chóng để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Vện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Theo ông Thọ, cần xây dựng tiêu chuẩn, kết nối với thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Việt Nam đã quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng; đồng thời thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025.

Giai đoạn từ năm 2028, chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng có thể đẩy nhanh thời gian chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon để nắm bắt cơ hội.

Nói thêm về vấn đề thời gian vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon, T.S Tô Nguyễn Cẩm Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng đang phối hợp để sửa Nghị định 06 theo hướng giao cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đồng thời, bà Cẩm Anh thông tin với việc chỉ thí điểm trong 3 năm (từ 2025 đến hết 2027) như Nghị định 06/2022 là không đủ cơ sở pháp lý cũng như xây dựng hạ tầng. Do đó, cơ quan soạn thảo đang đề xuất chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2029.

T.S Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc, đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện, các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu.

Cần nhanh chóng để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 3
T.S Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương)

Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững. TS. Tú Anh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cũng như tận dụng tiềm năng thị trường cũng như thị trường carbon, cần cung cấp cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức mua bán tín chỉ cácbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy việc giảm phát thải và nghiên cứu, sản xuất năng lượng xanh, sạch.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã có Nghị định 06/2022/NĐ-CP, nhưng các quy định cụ thể về quy trình giao dịch, quản lý và giám sát tín chỉ carbon vẫn chưa được định hình rõ ràng. Lỗ hổng về cơ chế quản lý và giám sát tạo ra hạn chế về tính minh bạch, đồng bộ giữa các dự án và giao dịch tín chỉ carbon.

Các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường carbon cũng đang gặp khó khăn trong việc xác định các tiêu chuẩn cần tuân thủ và quy trình cần thực hiện. Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về đo lường, báo cáo và kiểm định lượng phát thải carbon đã tạo ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp và tổ chức.

Trong khi đó, các tiêu chuẩn quốc tế về tín chỉ carbon thường đòi hỏi các phương pháp đo lường và kiểm định phức tạp, cần sự tham gia của các tổ chức có chuyên môn cao, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được. 

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Cần nhanh chóng để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường tín chỉ carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới