Chủ nhật, 24/11/2024 07:40 (GMT+7)
Thứ ba, 30/08/2022 17:55 (GMT+7)

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/8

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM thu hút thêm 2,71 tỷ USD vốn FDI; KBC 'bốc hơi' 92% lợi nhuận sau kiểm toán, VN-Index tăng hơn 8 điểm... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 30/8.

KBC 'bốc hơi' 92% lợi nhuận sau kiểm toán, VN-Index tăng hơn 8 điểm

Phiên giao dịch ngày 30/8, VN-Index tăng 8,59 điểm (0,68%) lên 1.279,39 điểm, HNX-Index giảm 1,69 điểm (0,57%) về 293,86 điểm, UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (0,9%) lên 92,39 điểm. Thanh khoản sàn HOSE chỉ đạt hơn 13.800 tỷ đồng, mức thấp nhất trong hơn 2 tuần qua.

Ở nhóm dẫn dắt thị trường, bên tăng áp đảo hoàn toàn. 10 mã hoạt động tích cực nhất mang về cho VN-Index hơn 10 điểm. Ở chiều ngược lại, 10 mã tiêu cực nhất lấy đi chưa tới 2 điểm của chỉ số chính. Việc “kéo trụ” diễn ra khá rõ, riêng VCB đóng góp hơn 4 điểm cho VN-Index, đóng cửa tăng giá 4,2%. GVR tăng trần. BID, MSN, VNM, CTG, GAS, BCM, DGC, MBB giúp đà tăng vững chắc hơn.

Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng bật tăng nhiều khả năng là phản ứng tích cực trước thông tin sẽ được nới room tín dụng trong thời gian tới, theo tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/8 - Ảnh 1
VN-Index tăng hơn 8 điểm. (Ảnh minh họa)

Ngược lại, DIG, PLX, MWG, KBC, DXG,... là những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường. Trong đó, KBC (Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) đang gây chú ý, khi báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2022 của có sự chênh lệch lớn về lợi nhuận so với BCTC tự lập của công ty. Cụ thể, mức chênh lệch là 2.260 tỷ đồng, giảm gần 92% so với số tự lập.

Trước đó, KBC ghi nhận kết quả quý 2 đáng kinh ngạc, lãi ròng gấp 46 lần cùng kỳ, qua đó kéo lãi sau thuế bán niên lên hơn 2.400 tỷ đồng.

Tuần qua, cổ phiếu KBC gây chú ý với nhà đầu tư khi giảm giá mạnh và là mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên HOSE với 7,4 triệu cổ phiếu.

Hôm nay, trước việc lợi nhuận sụt giảm mạnh sau kiểm toán, KBC lập tức giảm giá, chịu lực bán khá mạnh. Đóng cửa, mã này giảm 2,6% xuống 34.650 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tăng vọt lên 450 tỷ đồng, cao thứ 2 trên thị trường, theo báo Tiền phong.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu như DIG, LDG, DXG, CII, SCR, ITA, NBB CEO cũng đồng loạt giảm giá trong phiên giao dịch hôm nay.

Một cổ phiếu đang gây chú ý hiện nay là ROS, sau 5 ngày bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ phiếu đã chính thức làm hồ sơ chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM.

Hôm nay (30/8), Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS từ HoSE sang UPCoM. Hơn 567,5 triệu cổ phiếu ROS đăng ký chuyển sàn, tương ứng với giá trị hơn 5.675 tỉ đồng theo mệnh giá.

TP.HCMthu hút thêm 2,71 tỷ USD vốn FDI

Trong 8 tháng, Tp Hồ Chí Minh thu hút 2,71 tỷ USD vốn FDI dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, qua góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp, tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Trong số đó, có 479 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 309,4 triệu USD, tăng 24,1% số dự án cấp mới, giảm 17,6% so với cùng kỳ.

Cùng đó có 96 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,47 tỷ USD, bao gồm các dự án tăng và giảm vốn, giảm 17,9% về số dự án nhưng tăng 127,3% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM cũng chấp thuận cho 1.632 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 925,68 triệu USD, tăng nhẹ về số trường hợp so với cùng kỳ (khoảng 0,4%) nhưng giảm 19,7% về vốn so với cùng kỳ.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/8 - Ảnh 2
TP.HCM thu hút thêm 2,71 tỷ USD vốn FDI.

Bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, tính từ đầu năm đến nay có 94 dự án đề nghị chấm dứt hoạt động.

Cụ thể về tỷ lệ vốn đầu tư theo lĩnh vực, ngành nghề, thống kê của UBND Thành phố cho thấy, thông tin và truyền thông có vốn đầu tư nhiều nhất chiếm 39,91%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 30,59%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm 9,85%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 7,14%. Về nhà đầu tư, Singapore có vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,68%, Nhật Bản 17,19% và Hàn Quốc 13,45%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm 2022, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại những thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội.

TP.HCM vẫn dẫn đầu về số dự án mới với 42,2%, số lượt mua cổ phần, góp vốn khoảng 67,3% và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn với 14,2% sau Hà Nội là 17,9%.

Liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài tại TP.HCM, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, vào ngày 2/9 tới, Công ty TNHH Lotte Propertes HCMC (Hàn Quốc) sẽ động thổ dự án khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City), tại khu chức năng số 2a Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô 5,5 ha, tổng số vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

Hàn Quốc đề xuất ngân sách 475 tỷ USD cho năm 2023

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, dự thảo ngân sách đã được thông qua tại cuộc họp Nội các. Đề xuất ngân sách đã được lên kế hoạch để trình Quốc hội vào ngày 2/9.

Đề xuất trên tăng 5,2% so với ngân sách năm nay là 607.700 tỷ won (452 tỷ USD) - mức tăng thấp nhất trong sáu năm kể từ năm 2017 tới nay. Nhưng đề xuất năm 2023 lại giảm 6% so với tổng chi tiêu tài chính của năm 2022 là 679.500 tỷ won (505,4 tỷ USD) bao gồm hai vòng ngân sách bổ sung.

Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol, người mới nhậm chức vào tháng 5/2022, đã tuyên bố sẽ áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng sau khi chính phủ tiền nhiệm duy trì mở rộng chi tiêu tài khóa để giải quyết tình trạng kinh tế suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.

Đối với chính sách thắt lưng buộc bụng, chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ cắt giảm chi tiêu tài chính phi chủ chốt xuống mức kỷ lục 24.000 tỷ won (17,8 tỷ USD) vào năm tới.

Thâm hụt tài khóa năm 2023 ước tính là 58.200 tỷ won (43,3 tỷ USD), hay tương đương 2,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số trên gần như giảm một nửa so với ước tính thâm hụt năm nay là 110.800 tỷ won (82,4 tỷ USD) hay tương đương 5,1% GDP.

Nợ quốc gia của nước này được dự báo sẽ tăng từ 1,068 triệu tỷ won (794,9 tỷ USD) trong năm 2022 lên 1,134 triệu tỷ won (844 tỷ USD) vào năm 2023.

Indonesia gia hạn miễn thuế xuất khẩu dầu cọ đến hết tháng 10

Mới đây, Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Kinh tế Indonesia - Airlangga Hartarto thông báo, nước này đã gia hạn miễn thuế xuất khẩu dầu cọ cho đến ngày 31/10.

"Việc gia hạn miễn thuế xuất khẩu dầu cọ sẽ giúp duy trì đà tăng hiện tại của giá dầu cọ, giá dầu ăn bắt đầu giảm và giá trái cây tươi tăng lên làm cho nông dân hoặc người trồng bắt đầu cảm thấy những lợi ích" - ông Airlangga cho biết.

Ngoài việc gia hạn thuế xuất khẩu, chính phủ nước này cũng đã quyết định tăng phân bổ dầu diesel sinh học trong năm nay. Đồng thời, xây dựng nhà máy dầu ăn, hỗ trợ đẩy nhanh việc gia tăng Chứng nhận Dầu cọ bền vững của Indonesia và thúc đẩy Chương trình Tái canh Dầu cọ toàn dân.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/8 - Ảnh 3
Indonesia gia hạn miễn thuế xuất khẩu dầu cọ đến hết tháng 10.

Trước đó, chính phủ nước này cũng đã gia hạn miễn thuế đối với các sản phẩm dầu cọ đến hết ngày 31/8 và thực hiện thuế xuất khẩu lũy tiến vào ngày 1/9. Điều này có nghĩa là nếu giá dầu cọ thấp thì mức thuế cũng rất thấp và ngược lại, nếu giá dầu cọ tăng thì thuế sẽ tăng theo.

Indonesia là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, tuy nhiên các nhà sản xuất dầu cọ của Indonesia đã phải nỗ lực giải quyết tình trạng tồn kho kể từ khi quốc gia này áp đặt lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 3 tuần trong thời gian từ 28/4 - 23/5 nhằm giảm giá dầu ăn trong nước.

Kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm này, Indonesia đã áp đặt những quy tắc buôn bán hàng hóa, được gọi là nghĩa vụ thị trường trong nước (DMO), nhằm duy trì hoạt động sản xuất dầu ăn nội địa. Đồng thời, quốc gia Đông Nam Á này cũng nỗ lực giảm bớt hàng tồn kho bằng cách cắt giảm thuế xuất khẩu và tăng tốc vận chuyển hàng hóa.

Vào tháng 7, Indonesia đã tạm thời cắt giảm thuế xuất khẩu dầu cọ từ 200 USD/tấn xuống mức 0 để thúc đẩy xuất khẩu và giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung ở thị trường nội địa.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới