Chủ nhật, 24/11/2024 08:16 (GMT+7)
Thứ ba, 27/12/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/12

Theo dõi KTMT trên

Động đất mạnh ở Nghệ An, người dân choáng váng; TP.HCM yêu cầu thu hồi 2 dự án xử lý rác 13.000 tỉ đồng nếu không triển khai; Băng giá khắc nghiệt phủ khắp các quốc gia... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Động đất mạnh ở Nghệ An, người dân choáng váng

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, vào 14 giờ 36 phút 45 giây chiều nay (giờ Hà Nội), một trận động đất mạnh 4.1 độ đã xảy ra ở tọa độ 19.072N - 104.594E, độ sâu 10 km.

Động đất xảy ra trên địa bàn huyện Tương Dương, Nghệ An. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Thời gian gần đây, ghi nhận một số trận động đất nhỏ xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước hoặc gần biên giới Việt Nam. Chiều qua, một trận động đất mạnh 3.9 xảy ra tại tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, cách huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai khoảng 42km.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/12 - Ảnh 1
Vào 14 giờ 36 phút 45 giây chiều nay, một trận động đất mạnh 4.1 độ đã xảy ra ở tọa độ 19.072N - 104.594E, độ sâu 10 km ở huyện Tương Dương, Nghệ An.

Ngoài ra, hôm qua tại huyện Kon Plông, Kon Tum cũng ghi nhận 4 trận động đất liên tiếp. Đây là những trận động đất tiếp theo, trong chuỗi hàng trăm trận động đất xảy ra ở điểm nóng Kon Plông gần hai năm qua.

Động đất tại Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định là động đất kích thích, xảy ra khi các hồ chứa thủy điện hoạt động, tác động đến các đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, Viện Địa vật lý ứng dụng, động đất sẽ còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Kon Plông theo chu kỳ của động đất kích thích, liên quan chặt chẽ đến việc nâng hạ mực nước hồ chứa. Tuy nhiên, ông cho rằng động đất kích thích cực đại ở khu vực này ít khả năng vượt quá 5.0 độ.

Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài.

Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.

Miền Trung sắp đón mưa lớn

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng đêm nay (27/12) và gần sáng ngày 28/12, một bộ phận không khí lạnh mạnh sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên độ cao 5000m, từ đêm 27/12 đến ngày 29/12, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa rào và có nơi có dông với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Từ đêm 28-29/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Sang ngày 30/12, khu vực Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 80mm. Từ đêm 30/12, mưa lớn trên khu vực Trung Trung Bộ giảm dần.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều và đêm 28 đến ngày 30/12, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi rét hại. Khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 10-13 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế phổ biến 13-16 độ.

TP.HCM yêu cầu thu hồi 2 dự án xử lý rác 13.000 tỉ đồng nếu không triển khai

Tại cuộc họp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu, 2 dự án xử lý rác bằng năng lượng sét nhân tạo và tái chế chất thải rắn do Công ty Trisun Green Energy Corporation (Úc) và Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư, nếu không thực hiện, thành phố sẽ thu hồi.

Theo Cổng Thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dự án nhà máy đốt rác bằng năng lượng sét nhân tạo của Trisun Green Energy Corporation được cấp phép năm 2017 rộng 13 héc-ta tại Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, có tổng vốn đầu tư 520 triệu đô la (hơn 12.000 tỉ đồng), công suất tiêu hủy 1.000 tấn rác thải rắn và 2.000 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/12 - Ảnh 2
TP.HCM yêu cầu thu hồi 2 dự án xử lý rác 13.000 tỉ đồng nếu không triển khai.

Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn do Công ty cổ phần Tasco thực hiện ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây bắc có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, công suất xử lý 500 tấn rác mỗi ngày. Công trình đã được khởi công cách đây 4 năm, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng quá trình triển khai chậm trễ do vướng thủ tục.

Ngoài 2 dự án này, trên địa bàn TP.HCM còn các công trình xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện của Công ty Vietstar, Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, thực hiện từ năm 2019, dự kiến hoàn thành sau 1 năm nhưng đến nay đều chưa xong.

Băng giá khắc nghiệt phủ khắp các quốc gia, nhiều người chết vì lạnh

Theo The Guardian, tuyết rơi dày ở nhiều nơi tại Nhật Bản đã khiến 17 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương, đồng thời khiến hàng trăm ngôi nhà mất điện. Hàng trăm phương tiện bị mắc kẹt trên đường cao tốc, các dịch vụ giao hàng bị trì hoãn và nhiều người thiệt mạng .

Nhiều vùng ở Đông Bắc Nhật Bản báo cáo lượng tuyết rơi gấp ba lần mức trung bình trong mùa. Ngoài ra, tuyết dày đánh sập một tháp truyền tải điện ở phía Bắc Nhật Bản, khiến khoảng 20.000 ngôi nhà không có điện vào sáng Giáng sinh.

Tại Mỹ, trận bão tuyết "có một không hai" đã giết chết ít nhất 57 người, trong đó có 27 người ở hạt Erie phía tây New York. Quan chức hạt Mark Poloncarz cho biết số người chết vì cơn bão khủng khiếp dự kiến sẽ tăng lên khi tuyết tiếp tục bao phủ khu vực này, khiến các con đường ở nhiều khu vực không thể đi lại được.

Trên toàn quốc, nhiệt độ giảm mạnh và những trận tuyết lớn đã cản trở việc đi lại và khiến mọi người mắc kẹt trong nhà.

Trải dài từ khu vực gần Canada đến Rio Grande dọc theo biên giới Mexico, cơn bão đã giết chết ít nhất 57 người tính ở 12 bang. Nhiều người chết vì đau tim khi xúc hoặc thổi tuyết. Những người khác được tìm thấy đã chết trong ô tô. Ít nhất một người ở hạt Niagara chết vì ngộ độc khí carbon monoxide (CO).

Mức độ dữ dội của cơn bão mùa đông năm nay tại Mỹ không giống bất kỳ cơn bão nào trước đây. Ở khu vực Buffalo, lượng tuyết rơi dày thêm từ 5-8 cm mỗi giờ, tích tụ đạt tới 12-30 cm và cao nhất là 60 cm ở các hạt Jefferson và phía bắc Lewis.

“Hiệu ứng hồ nước” xảy ra khi không khí lạnh đi qua mặt nước hồ không đóng băng và ấm hơn, truyền hơi ẩm và ấm xuống các phần thấp hơn của bầu khí quyển. Không khí sau đó tích tụ tăng lên để tạo thành mây, dẫn đến tuyết dày.

Tại Anh, các nhà dự báo thời tiết cho biết những cơn gió với vận tốc gần 70 dặm/giờ (112 km/h) sẽ tấn công nước này vào giữa tuần. Sau cảnh báo về tuyết và băng, những cơn mưa lên tới 5mm một giờ cũng sẽ tràn đến khu vực. Đêm giao thừa, sức gió được dự báo đạt cực đại 109km/h.

Hàn Quốc cũng đang chứng kiến những ngày lạnh nhất trong mùa, nhiệt độ buổi sáng giảm mạnh xuống âm 13,6 độ C ở Seoul.

Hàn Quốc: Giảm thiểu tác động kế hoạch đánh thuế carbon của châu Âu

Hàn Quốc ngày 26/12 cam kết sẽ mở rộng hỗ trợ để đạt được cơ cấu sản xuất phát thải carbon thấp trong nỗ lực giảm thiểu tác động của các quy định nhập khẩu carbon của Liên minh châu Âu (EU) và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành.

EU gần đây đã quyết định thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), kêu gọi đánh thuế nhập khẩu đối với thép, xi măng, điện, phân bón, nhôm và các mặt hàng liên quan khác, những mặt hàng có lượng phát thải carbon lớn trong quá trình sản xuất.

Kế hoạch trên sẽ được triển khai đầy đủ bắt đầu từ năm 2026 sau giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu vào tháng 10/2023. Biện pháp này được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu thép của Hàn Quốc, đặc biệt là các lò cao đốt than, gây ra lượng khí thải carbon lớn hơn, chiếm gần 70% tổng sản lượng thép của nước này trong năm 2021.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/12 - Ảnh 3
Hàn Quốc cam kết sẽ mở rộng hỗ trợ để đạt được cơ cấu sản xuất phát thải carbon thấp trong nỗ lực giảm thiểu tác động của các quy định nhập khẩu carbon của Liên minh châu Âu.

Các sản phẩm thép là mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc sang châu Âu và nước này là nước xuất khẩu thép lớn thứ năm sang thị trường EU trong năm 2021 sau Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ và Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp các bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn về chủ nghĩa bảo hộ trong quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang rơi vào tình trạng suy giảm toàn diện.

Ông Choo cho biết thêm Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các ngành thép, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Âu, cùng với ngành nhôm, phát thải carbon cao, để đối phó với chính sách mới của EU.

Trong cuộc họp trên, chính quyền Seoul đã quyết định mở rộng hỗ trợ phát triển các công nghệ giúp quá trình sản xuất phát thải carbon thấp hơn, chẳng hạn như thu hồi và lưu trữ carbon và quy trình sử dụng hydro. Hàn Quốc cũng quyết định mở rộng phạm vi đo lường, báo cáo và xác minh lượng khí thải carbon, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh.

Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết chi 935,2 tỷ won bắt đầu từ năm 2023 cho đến năm 2030 để phát triển các công nghệ trung hòa carbon quan trọng trong sản xuất thép, hóa chất, xi măng và các lĩnh vực công nghiệp khác.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tham vấn với phía châu Âu để yêu cầu khối này xem xét đầy đủ các biện pháp chính sách khí hậu của Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu EU tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm ngăn chặn kế hoạch trên của khối trở thành một rào cản thương mại.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 27/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới