Chủ nhật, 24/11/2024 06:41 (GMT+7)
Thứ hai, 01/03/2021 12:35 (GMT+7)

Chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc đang ở mức xấu

Theo dõi KTMT trên

Theo kết quả đo chỉ số chất lượng không khí (AQI), nhiều điểm quan trắc ở Đông Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa có chỉ số chất lượng không khí ở mức đỏ và cam, tác động xấu đến sức khỏe con người.

Theo ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir vốn sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí) ghi nhận, lúc 11h (giờ Việt Nam) ngày 28/2, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của TP.Hà Nội ở mức kém và TP.HCM có màu xanh (chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe).

Chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc đang ở mức xấu - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: Bụi mịn PM2.5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi mịn PM2.5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.

Ngoài ra, các chuyên gia của Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.

Ngày 1/3, theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ ứng dụng VN Air, website của UBND TP.Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, Air Visual nhiều điểm quan trắc ở Đông Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa có chỉ số chất lượng không khí ở mức đỏ và cam, tác động xấu đến sức khỏe con người.

Dự báo từ ngày 1 - 6/3, các tỉnh, thành phố phía Đông Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Hiện tượng thời tiết này được các chuyên gia môi trường lý giải sẽ khiến bụi mịn PM2.5 bị nén xuống tầng sát mặt đất, khó khuếch tán lên tầng cao hơn khiến không khí ở mức không tốt cho sức khỏe.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở mỗi nơi có mức độ khác nhau, tuy không kéo dài trong ngày ở nhiều điểm. Vì vậy, các chuyên gia môi trường khuyến cáo người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, gần đường giao thông, đóng cửa sổ vào buổi sáng, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Trong điều kiện thời tiết xấu, người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, tăng cường sức đề kháng, đặc biệt cho người già và trẻ em.

Để cải thiện chất lượng không khí, trong năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ra Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Đây là những nội dung, giải pháp chính để Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kiểm soát, bảo vệ môi trường không khí.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân tích, không khí ô nhiễm chủ yếu do các nguồn phát thải tăng như: Gia tăng các phương tiện ôtô, xe máy, tác động từ đốt rơm rạ, rác thải, than tổ ong... Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 - đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.

TS Tùng cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Phải kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy như đã làm với ôtô, ở ngưỡng đạt thì mới cho phép lưu hành, không đạt thì thải bỏ. Cùng với đó phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất thải các làng nghề, nhất là làng nghề tái chế, khói bụi từ các công trình xây dựng.

Theo ông Tùng, việc giải quyết ô nhiễm không khí là một cuộc chiến cam go, lâu dài và phức tạp bởi sẽ va chạm trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn việc hạn chế phương tiện cá nhân, loại bỏ bếp than tổ ong (như Hà Nội đang làm) buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc cải tiến công nghệ thân thiện môi trường. Do vậy, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân ủng hộ và thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí; đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường… trên địa bàn theo quy định...

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc đang ở mức xấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới