Chủ nhật, 24/11/2024 05:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/02/2021 06:15 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí khiến các thành phố đông dân thiệt hại nặng

Theo dõi KTMT trên

Theo tổ chức Greenpeace khu vực Đông Nam Á, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 160.000 người và gây thiệt hại kinh tế tổng cộng khoảng 85 tỉ USD tại 5 thành phố đông dân nhất thế giới trong năm 2020.

Đó là kết quả nghiên cứu của Greenpeace và công ty công nghệ theo dõi chất lượng không khí IQAir, công bố ngày 17/2, sau khi đo các mức ô nhiễm không khí tại 28 thành phố.

Ông Aidan Farrow, chuyên gia về ô nhiễm không khí tại phòng thí nghiệm của Greenpeace, thuộc Đại học Exeter (Anh) cho biết: “Vài tháng thực hiện các lệnh phong tỏa (vì dịch COVID-19) đã làm giảm không đáng kể mức ô nhiễm không khí trung bình mà con người phải đối mặt trong dài hạn”.

Theo ông, lệnh phong tỏa tại các thành phố cũng tạo ra những thay đổi đối với giao thông đường bộ và đường hàng không. Tuy nhiên, các nguồn chính gây ô nhiễm không khí vẫn duy trì như trước đây.

Ô nhiễm không khí khiến các thành phố đông dân thiệt hại nặng - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 160.000 người.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các thành phố ở châu Á chịu ảnh hưởng bởi vấn đề ô nhiễm không khí nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do khí thải từ các phương tiện giao thông, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, hoạt động xây dựng, lễ hội pháo hoa, hoạt động dọn dẹp rừng cũng như đốt rơm rạ, gỗ và rác thải.

Số người tử vong vì ô nhiễm không khí nói trên được ghi nhận tại 5 thành phố đông dân nhất, gồm Delhi (Ấn Độ), Mexico City (Mexico), Sao Paulo (Brazil), Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).

New Delhi (Ấn Độ) là nơi có số người tử vong cao nhất liên quan đến ô nhiễm không khí trong số các thành phố lớn nhất thế giới, với khoảng 54.000 trường hợp – tương đương tỉ lệ 1/500, do đây là khu vực có mức bụi mịn PM2.5 cao. Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản là nơi chịu thiệt hại tài chính nặng nề nhất lên tới 43 tỉ USD, với khoảng 40.000 người tử vong.

PM2.5 là nồng độ bụi siêu mịn trong không khí và được coi là hạt có hại nhất cho sức khỏe. Nó có thể thâm nhập qua thành phế nang và đi vào máu, ảnh hưởng đến những cơ quan thiết yếu như phổi, hệ miễn dịch, tim, não.

“Khi chính phủ các nước lựa chọn đốt than, dầu và gas thay vì chọn năng lượng sạch, cái giá phải trả là sức khỏe của người dân”, Avinash Chanchal, nhà vận động bảo vệ khí hậu của tổ chức Hòa bình Xanh tại Ấn Độ, nói.

Một số nghiên cứu cho thấy việc hít phải PM2.5 gây nguy cơ tử vong cao hơn phơi nhiễm Covid-19. Báo cáo sử dụng một công cụ trực tuyến ước tính tác động của PM2.5 bằng cách lấy dữ liệu chất lượng không khí từ các điểm giám sát IQAir và kết hợp với mô hình tính toán rủi ro, cũng như dữ liệu dân số và y tế.

Việc áp dụng lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 khắp thế giới khiến hoạt động giao thông giảm đáng kể, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm bị đóng cửa, có tác dụng tạm thời trong việc làm sạch bầu trời nhiều thành phố lớn.

Delhi đã thay đổi lớn trong thời gian phong tỏa năm ngoái và người dân được tận hưởng bầu không khí trong lành. Tuy nhiên, tổ chức Hòa bình Xanh kêu gọi chính phủ các nước đầu tư vào năng lượng tái tạo làm trọng tâm kế hoạch phục hồi kinh tế sau suy thoái vì đại dịch.

“Để thực sự làm sạch bầu không khí, chính phủ các nước cần chấm dứt xây mới nhà máy nhiệt điện, đóng cửa những nhà máy đang hoạt động và đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch như phong năng và quang năng”, Aidan Farrow, nhà khoa học về ô nhiễm không khí của Hòa bình Xanh nói.

Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, ô nhiễm không khí là rủi ro về môi trường lớn nhất đe dọa sức khỏe người dân trên toàn cầu, khiến hơn 7 triệu người tử vong mỗi năm. Cứ 10 người thì có 9 người sống trong bầu không khí bị ô nhiễm, dẫn tới việc mắc các bệnh như đột quỵ, ung thư phổi và tim mạch. tỉ lệ này tương đương với mức ảnh hưởng của thuốc lá.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí khiến các thành phố đông dân thiệt hại nặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới