Chất lượng không khí được cải thiện tại hơn 90 thành phố của Ấn Độ
Các biện pháp ứng phó với Covid-19 của Chính phủ Ấn Độ đã khiến nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 30% ở New Delhi và 15% ở Ahmedabad và Pune.
Biển báo điện tử yêu cầu mọi người hạn chế ra đường ở Ấn Độ. (Nguồn: news.abplive.com) |
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi ngày 30/3, trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp đặt trên toàn Ấn Độ nhằm tránh sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, hơn 90 thành phố kể cả thủ đô New Delhi đã ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí thấp trong vài ngày qua.
Ấn Độ, quốc gia có những thành phố bị đánh giá là ô nhiễm nhất thế giới, hiện đang áp dụng lệnh phong tỏa quy mô lớn chưa từng có với hơn 1,3 tỉ người được yêu cầu ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Chính phủ đã kêu gọi người dân tránh hoạt động đi lại không cần thiết, qua đó giảm đáng kể lưu lượng giao thông trên cả nước.
Theo Hệ thống Đo lường chất lượng không khí và nghiên cứu, dự báo thời tiết (SAFAR) của chính phủ, các biện pháp ứng phó với Covid-19 đã khiến nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 30% ở New Delhi và 15% ở Ahmedabad và Pune.
Mức độ ô nhiễm oxit nitơ (NOx), có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, cũng giảm. Ô nhiễm NOx chủ yếu do lưu lượng xe cơ giới cao gây ra. Tại Pune, mức độ ô nhiễm NOx đã giảm 43%, ở Mumbai giảm 38% và Ahmedabad giảm 50%.
Nhà khoa học Gufran Beig thuộc SAFAR cho biết thông thường trong tháng Ba, ô nhiễm được ghi nhận ở mức vừa phải (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 100-200), trong khi hiện tại đang ở mức “hài lòng” (AQI 50-100) hoặc tốt (AQI 0-50).
Kết quả này là do hiệu quả của lệnh phong tỏa. Các yếu tố như đóng cửa các ngành công nghiệp, công trường xây dựng và giao thông đã góp phần cải thiện chất lượng không khí. Các trận mưa cũng có tác dụng nhất định, nhưng việc hạn chế xả thải ở địa phương đang đóng một vai trò quan trọng.
Ngoài ra, 92 thành phố khác có các trung tâm giám sát của Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB) cũng ghi nhận các mức ô nhiễm không khí tối thiểu, với chất lượng không khí ở mức từ “hài lòng” đến “tốt.” Có tới 39 thành phố ghi nhận chất lượng không khí “tốt” và 51 thành phố ghi nhận chất lượng không khí “hài lòng” trong những ngày qua.
Huy Lê