Châu Á nơi hứng chịu rủi ro môi trường cao nhất thế giới
Trong số 100 thành phố trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do các hiểm họa về môi trường, có tới 99 thành phố thuộc châu Á, trong đó 80% là ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
Ngày 12/5, công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Maplecroft (Anh) đã công bố báo cáo thường niên năm 2021 về rủi ro liên quan tới môi trường và khí hậu của 576 thành phố lớn nhất thế giới, theo hãng tin AFP.
Báo cáo cho thấy hơn 400 thành phố lớn với tổng dân số khoảng 1,5 tỉ người đang đối mặt với nguy cơ "cao" hoặc "rất nghiêm trọng" do các vấn đề môi trường như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt nóng gây chết người, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, 99 trong số 100 thành phố có nguy cơ về môi trường và khí hậu cao nhất thế giới nằm ở châu Á.
Trong đó, thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách trong bối cảnh đô thị này phải đối mặt với ô nhiễm, lũ lụt, các đợt nóng và những điều tồi tệ hơn có thể sắp xảy ra. Các vị trí tiếp theo của lần lượt là thủ đô New Delhi và thành phố Chennai (cùng ở Ấn Độ) và thành phố Surabaya (Indonesia).
Ấn Độ cũng được coi là quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong thời gian tới do có tới 13 trong tốp các thành phố bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới với thành phố Agra đứng thứ 6, Kanpur (thứ 10), Jaipur (thứ 22) và Lucknow (thứ 24). Ngoài ra, Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ với khoảng 12,5 triệu dân (xếp thứ 27).
Nếu chỉ xét riêng về chỉ số ô nhiễm không khí - nguyên nhân khiến khoảng 7 triệu người trên thế giới tử vong sớm mỗi năm trong đó Ấn Độ chiếm tới 1 triệu ca, toàn bộ 20 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới trong số các đô thị có ít nhất 1 triệu dân đều thuộc Ấn Độ. Thủ đô New Delhi ở vị trí đầu bảng trong danh sách này.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc khi quốc gia này có tới 35 trong số 50 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm nguồn nước.
Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy những mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu mới nổi đang ngày càng đòi hỏi chất lượng không khí và nước cao hơn.
Ông Will Nichols, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định cơ cấu quản lý từ trung ương xuống địa phương của Trung Quốc và tinh thần sẵn sàng thực hiện các biện pháp như đóng cửa các nhà máy để đáp ứng các mục tiêu phát thải giúp quốc gia này giảm thiểu nguy cơ về môi trường.
Tuy nhiên, cũng chính các quốc gia tại châu Á là một tác nhân gây ra vấn đề khí hậu. Riêng Trung Quốc đã chiếm 60% sự gia tăng khí nhà kính trên toàn cầu kể từ năm 1990.
Phá rừng là nguyên nhân góp phần tạo ra lượng khí thải lớn ở Đông Nam Á khi đô thị hóa gia tăng và đất đai được chuyển sang khai thác trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm phổ biến như dầu cọ.
Sản xuất năng lượng chiếm 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và than đá đang được sử dụng để tạo ra 61% điện năng của toàn châu Á. Theo như các kế hoạch trước đây, việc các quốc gia đang sử dụng than ngày càng nhiều thêm, bất chấp các lựa chọn tái tạo có chi phí thấp khác và 75% công suất phát điện mới ở các quốc gia ASEAN sẽ dựa trên than.
Cũng chính vì là lục địa đông dân nhất thế giới, châu Á có thể có tiềm năng dẫn dắt các nỗ lực ứng phó toàn cầu bằng cách đề cập tốt hơn những rủi ro biến đổi khí hậu vào trong quá trình đưa ra quyết định, đóng vai trò tiên phong trong áp dụng các công nghệ thích ứng và đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí phát thải để giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, là khu vực kinh tế tăng trưởng ngày một năng động, càng tránh được thiên tai bao nhiêu, châu Á sẽ ngày càng phát triển bấy nhiêu.
Châu Á nơi chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu
Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI), các quốc gia đang nổi lên ở châu Á như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng. Đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8% đến 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do các tác động của hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên.
Với Việt Nam, MGI cũng dự báo TP.HCM có thể thiệt hại từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD do một trận lụt lớn tác động trực tiếp tới cơ sở hạ tầng vào năm 2050, đi kèm với đó là thiệt hại dây chuyền từ 1,5 tỉ USD đến 8,5 tỉ USD.
MGI khuyến nghị, châu Á có thể dẫn dắt nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bằng cách tăng cường xem xét những rủi ro trong quá trình đưa ra quyết định, đồng thời tiên phong áp dụng các công nghệ thích ứng và đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí phát thải.
Hà Lan