Chênh lệch giữa các quỹ và nhu cầu thực tế dành cho thích ứng khí hậu còn quá lớn
Được công bố chính thức ngày 25/10, các nước phát triển với mục tiêu được đặt ra từ năm 2009 đóng góp 100 tỉ USD/năm trong vòng 5 năm và hoàn thành vào năm 2020 bị lùi thêm 3 năm có thể gây mất lòng tin về đóng góp tài chính cho chống biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất.
Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Bước sang năm 2021, một loạt hội nghị thúc đẩy thế giới hành động vì biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề luôn nằm trong chương trình nghị sự chính trị của các nước - đã được tổ chức trực tuyến. Tiếp nối dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của nhân loại nhân dịp kỉ niệm 5 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - Hội nghị thượng đỉnh thế giới “Tham vọng về khí hậu” (tháng 12/2020) - là các hội nghị trực tuyến, như Hội nghị thượng đỉnh Một hành tinh (tháng 1/2021), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (tháng 5/2021), Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (tháng 5/2021).
Trong số các hội nghị này, đáng chú ý là Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới do Mỹ tổ chức hồi tháng 4/2021. Hội nghị đánh dấu sự tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của nền kinh tế lớn nhất thế giới, tạo ra những xung lực mạnh mẽ cho quyết tâm của các nước phát triển trong cuộc chiến cắt giảm khí phát thải nhà kính trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các quốc gia tăng cường hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu. Tháng 1/2021, Pháp và Đức tuyên bố sẽ cùng Hãng đầu tư BlackRock thúc đẩy chương trình thu hút vốn đầu tư cho các dự án chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển. Theo đó, 2 nước này dự định mỗi bên sẽ đóng góp khoảng 30 triệu USD với tư cách là đối tác của chương trình. Tháng 4/2021, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí xây dựng “quan hệ đối tác về khí hậu”, thống nhất tăng cường hợp tác quốc tế.
Các bên tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn chưa thực hiện đầy đủ những cam kết tài chính hỗ trợ các quốc gia chịu nguy cơ cao nhất từ biến đổi khí hậu, dẫn tới sự thiếu hụt tài chính cho các hành động thích ứng. Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) ước tính, thế giới sẽ cần khoảng 50 tỉ USD mỗi năm trong thập niên tới để giúp khoảng 50 quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. IFRC nhấn mạnh, số tiền này đã bị thu hẹp do ngân sách dành để ứng phó với tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã vượt quá 10.000 tỉ USD.
Bên cạnh đó, phần lớn ngân sách dành cho ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đã không đến được các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất. Chưa kể, theo ước tính gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các khoản tiền thường được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính (66% kinh phí), hơn là giúp họ tự chuẩn bị càng nhanh, càng tốt trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu (25%).
Theo báo cáo gần đây của Trung tâm thích ứng toàn cầu, khoảng cách chênh lệch lớn đang tồn tại giữa các quỹ dành cho thích ứng khí hậu (khoảng 30 tỉ USD mỗi năm) và nhu cầu thực tế của các nước đang phát triển (300 tỉ USD mỗi năm).
Kế hoạch trên do Canada và Đức soạn thảo trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra ở Glasgow (Scotland) vào cuối tháng này. Kế hoạch cho rằng các nước phát triển cần nỗ lực hơn nữa, và nguồn đóng góp từ khu vực tư nhân không đáp ứng được kỳ vọng.
Theo mục tiêu được đặt ra từ năm 2009, các nước phát triển cam kết sẽ đóng góp 100 tỉ USD/năm trong vòng 5 năm và hoàn thành vào năm 2020. Việc mục tiêu này bị lùi thêm 3 năm có thể gây mất lòng tin và làm phức tạp thêm các nỗ lực xác lập mục tiêu mới về đóng góp tài chính cho chống biến đổi khí hậu.
Bản kế hoạch nêu rõ rằng các nước phát triển có thể tạo ra bước tiến đáng kể trong năm 2022 để hoàn thành mục tiêu đóng góp 100 tỉ USD trong năm 2023. Theo báo cáo, “qua các số liệu, chúng tôi tin rằng trong các năm tới có thể huy động được hơn 100 triệu USD mỗi năm”.
Theo các nhóm hoạt động vì môi trường, con số hoàn toàn là không đủ. Theo một nhà đàm phán khí hậu của châu Phi, các nước ở khu vực này cho rằng nguồn quỹ dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải tăng gấp 10 lần, lên đến 1.300 tỉ USD/năm cho đến năm 2030.
Trong khi đó, bà Teresa Anderson, điều phối viên về chính sách khí hậu của Tổ chức ActionAid, việc đáp ứng mục tiêu "là điều cần thiết tối thiểu để xây dựng lòng tin" trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Theo bà, các nhà lãnh đạo thế giới phải thừa nhận và giải quyết khoảng cách ngày càng tồi tệ giữa mục tiêu 100 tỉ USD/năm hiện nay với hàng tỉ USD cần thiết để đối phó với quy mô và mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng hiện nay".
Nguyễn Linh (T/h)