Chính thức đưa vào hoạt động mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia
Hệ thống Vngeonet bao gồm 65 trạm được bố trí trên phạm vi toàn quốc, góp phần trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+) |
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành tài nguyên và môi trường, diễn ra sáng nay, 27/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức ra mắt Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (Vngeonet) thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS).
Giới thiệu qua mạng lưới, đại diện Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết hệ thống Vngeonet định vị bằng vệ tinh được Mỹ đưa vào sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1990, Việt Nam lần đầu tiên ứng dụng công nghệ này cho mục đích xây dựng các lưới khống chế đo đạc.
Công nghệ này được đưa vào sử dung sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ VN-2000 đã được Thủ tướng Chính phủ công bố và quyết định đưa vào sử dụng. Đây cũng là công nghệ chủ yếu để xây dựng hơn 13.000 điểm tọa độ quốc gia phủ trùm lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ định vị bằng vệ tinh trong những năm gần đây được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong tất cả các ngành kinh tế. Hầu hết các nước ở châu Âu, châu Á, Australia, Mỹ … đều đã xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh của quốc gia mình và xem đây như là một hạ tầng không thể thiếu trong việc phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian.
Để nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ nhanh, có độ chính xác cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh tại thổ Việt Nam với sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chủ trì thực hiện.
Đến nay, qua 4 năm xây dựng, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao công nghệ của các chuyên gia đến từ Thụy Sỹ, các đơn vị trong bộ và sự nỗ lực của các cán bộ kỹ thuật của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam mạng lưới Vngeonet đã được hoàn thành gồm 65 trạm phủ trùm cả nước và 1 Trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội.
Trong số đó có 24 trạm cơ bản phân bố đều trên cả nước, với khoảng cách trung bình giữa các trạm 150-200km được sử dụng làm khung tham chiếu quốc gia, nghiên cứu khoa học về trái đất, xác định dịch chuyển mảng được xác định với độ chính xác cỡ mm. 41 trạm định vị vệ tinh có khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50-80km, đặt tại các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Trung bộ và Nam Bộ.
Sơ đồ phân bố các trạm định vị vệ tinh quốc gia (Vngeonet) trên lãnh thổ Việt Nam. |
Để hoàn thiện các quy định kỹ thuật liên quan đến công nghệ này, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về sử dụng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đo đạc và bản đồ để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trong quý II/2020.
Hiện nay, người sử dụng đã có thể đăng ký miễn phí các dịch vụ định vị mà hệ thống cung cấp cho thiết bị của mình tại địa chỉ http://vngeonet.vn.
Tính đến nay, các tổ chức tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ chủ yếu là phục vụ đo đạc, bản đồ cũng như quản lý đất đai. Đến nay, đã có gần 600 tài khoản được đăng ký thành công. Các địa phương hiện đang ứng dụng dịch vụ của mạng lưới Vngeonet nhiều nhất như: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh…
“Với ưu điểm có độ chính xác cao, thời gian định vị nhanh, công nghệ trạm định vị vệ tinh quốc gia sẽ dần thay thế các công nghệ đo đạc truyền thống trong tương lai”, đại diện Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài lĩnh vực đo đạc và bản đồ, công nghệ này còn được ứng dụng hiệu quả trong công tác định vị, dẫn đường, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, quản lý phương tiện, thiết bị, du lịch và là một thành phần không thể thiếu trong việc xây dựng các thành phố thông minh, vận tải hàng hóa đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.