Chu du khắp thế giới trên bức tường cũ kĩ
Trên tất cả, chúng ta đều có thể thấy tình yêu thiên nhiên mà chàng trai Nga gửi gắm vào tác phẩm độc đáo của mình.
Một chàng trai người Nga tên là Sergey Matveev đã biến bức tường trong chỗ để xe thành thế giới thu nhỏ. Với mục đích ban đầu làm một tấm bản đồ Trái Đất 3D để trang trí cho nhà để xe của mình thêm sinh động nhưng anh không ngờ nó lại là nguồn truyền cảm hứng yêu Mẹ Thiên nhiên đến rất nhiều người.
Nhìn tưởng chừng đơn giản chỉ là dùng màu và vẽ lên, nhưng không phải chỉ có vậy, đó còn là công sức, sự sáng tạo và tận tụy của những đôi bàn tay nghệ thuật.
Sergey Matveev quyết định bắt tay vào làm một tấm bản đồ Trái Đất 3D dù biết có nhiều khó khăn. Vật liệu mà anh sử dụng trong bức tranh này cả dụng cụ xây dựng và dụng cụ hội họa (đó là bả cao su và dao bay).
Bề mặt vẽ nhẵn mịn là điều kiện rất tốt để vẽ, tuy nhiên trong trường hợp bề mặt vẽ quá thô và ráp sẽ dẫn đến tình trạng hút nước nhanh và gây khó khăn cho người thợ vẽ. Để khắc phục tình trạng đó người họa sĩ phải lót nền nhiều hơn và đợi khô lâu hơn bình thường.
Ban đầu, anh vẽ những hình ô vuông ngang dọc như bàn cờ lên tường để làm mốc sao chép tấm bản đồ giấy lên đó.
Sau đó anh chợt nhận ra rằng có thể sử dụng máy chiếu để chiếu hình lên tường. Và quả thật, cách này khiến việc vẽ hình trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn và cũng chính xác hơn rất nhiều so với việc nhìn và ước lượng.
Tác giả cho biết, vì New Zealand bị nhô ra ở góc dưới bên phải bức tường nên anh đã phải dịch chuyển bản đồ sang bên trái một chút, và cũng do New Zealand mà vùng Aleut và Chukotka đã bị đẩy ra xa Alaska hơn thực tế.
Một mảnh nhỏ của Yamal và Taimyr bị rơi vào chỗ có tấm sắt chữ U nên lồi ra khỏi bức tường tới 1,5 cm. Vậy là phải kéo toàn bộ phần đại lục Âu - Á còn lại xuống ngang mức Yamal và Taimyr.
Từng lớp từng lớp bả cao su được đắp lên bức tường thành hình các châu lục. Sergey phải cố gắng rất nhiều để giữ được tỉ lệ độ cao của các ngọn núi – nhất là dãy núi Ural - ranh giới tự nhiên phân chia châu Á và châu Âu, trải dài 2.500 km từ thảo nguyên Kazak, chạy dọc theo biên giới phía bắc của Kazakhstan đến vùng bờ biển Bắc Băng Dương.
Tất nhiên chúng ta cũng hiểu rằng tấm bản đồ được sinh ra không phải dùng cho mục đích tra cứu nên sai sót đôi chút về địa lý có lẽ là điều chấp nhận được.
Khi dùng sơn acrylic trên nền nước để mang màu sắc tới cho thế giới này và khiến nó trở nên sống động hơn.
Những lớp sơn đầu tiên có tông màu tối hơn so với kết quả cuối cùng bởi sơn bị bả cao su hấp thụ và sẽ cho màu sáng dần.
Sergey Matveev đã mất tổng cộng 2 tuần làm việc chăm chỉ, 18 kg bả cao su, 5 lọ sơn acrylic mờ, 2 túi zip tinh thể luminophore (mỗi túi 10 g), 2 bộ đồ nghề sơn acrylic dành cho trẻ em và khá nhiều bia (để uống giải khát).
Nhưng trên tất cả, chúng ta đều có thể thấy tình yêu thiên nhiên mà anh ấy gửi gắm vào tác phẩm của mình.
Nguyễn Linh (T/h)