Chuẩn bị khung pháp lý để thi hành Luật BVMT 2020: Giải quyết những vấn đề từ thực tiễn
Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua với nhiều đổi mới. Để sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả.
Phân cấp và làm rõ các nội dung quản lý Nhà nước về BVMT
Tại Quyết định số 2197/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tổ chức xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo) và trình Chính phủ trong tháng 9/2021. Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ tháng 1/2021, Bộ TN&MT đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Dự thảo Nghị định có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành; Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam; Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; các Hiệp hội và nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực BVMT…
Trong các cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân luôn nhấn mạnh, việc xây dựng các quy định phải phù hợp với Hiến pháp và Luật BVMT 2020; thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, thuế, phí… Bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi để triển khai thi hành Luật… Qua đó, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, Bộ TN&MT cùng với các chuyên gia đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; làm việc với từng Bộ, ngành về các quy định có liên quan trong Dự thảo; tham vấn ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước trên thế giới và khu vực đối với các quy định mới nhằm đưa ra các đề xuất phù hợp với công tác quản lý môi trường tại Việt Nam.
Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp từ các văn bản gửi đến cũng như các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Bộ TN&MT đã rà soát, chỉnh sửa và xây dựng những quy định mới, làm rõ các nội dung quản lý, xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất quản lý Nhà nước về BVMT, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, một việc chỉ giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT. Bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý Nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho địa phương; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với công tác BVMT.
Việc cụ thể hóa các vấn đề trong Luật thành những quy định phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, sau 6 tháng triển khai xây dựng, đến nay Dự thảo Nghị định đã được hoàn thiện và đăng tải trên Cổng thông tin điện của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Bản Dự thảo Nghị định gồm 13 chương, 197 điều. Trong đó, ngoài các quy định về đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng còn có các quy định về BVMT nước, không khí, đất, di sản thiên nhiên; Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.
Quy định cụ thể về Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; Quản lý chất thải; Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Quan trắc môi trường; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; Công cụ kinh tế và nguồn lực BVMT; Quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra và dịch vụ công trực tuyến về BVMT; và Điều khoản thi hành.
Điểm nhấn quan trọng nhất của Luật BVMT 2020 là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Dự kiến, khi Luật được thi hành sẽ cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 – 75 ngày. Lần đầu tiên, Luật chế định về thẩm quyền quản lý Nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương. Điều này thể hiện rõ trong việc tích hợp Giấy phép môi trường.
Luật BVMT 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong Giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Tháo gỡ được các chồng chéo xung đột thủ tục về môi trường
“Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là một quy định pháp luật rất quan trọng và đồ sộ. Đây có lẽ là một trong những nghị định lớn và quan trọng nhất mà tôi từng biết về nội dung cho đến số điều, số trang. Nghị định đã hướng dẫn chi tiết những nội dung quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường, nhiều chế định tác động đến tất cả các doanh nghiệp và người dân. Môi trường cũng là vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống hiện nay.
Nghị định này có nhiều chế định lớn và quan trọng như phân vùng môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, trách nhiệm tái chế, quan trắc môi trường, thông tin môi trường…
Một nội dung mà chúng tôi quan tâm từ Luật cho đến hướng dẫn tại Nghị định đã tháo gỡ được các chồng chéo xung đột về thủ tục về môi trường và các thủ tục khác có liên quan như đầu tư, đất đai, xây dựng. Trước đây, các nhóm thủ tục này rơi vào tình trạng “con gà quả trứng”, không biết thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, gây ra nhiều đình trệ và hệ lụy trên thực tế.
Phải nói rằng, chế định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một chế định quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định hướng dẫn lần này. Đây là một quy định quan trọng, theo hướng thân thiện môi trường, phát triển kinh tế bền vững. Do vậy, trực tiếp tác động đến hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm đến lộ trình thực hiện chế định này sao cho phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay và cần có cơ chế đảm bảo thực thi tốt, tránh tình trạng ban hành chính sách nhưng không thực thi được, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thiệt thòi cho doanh nghiệp tuân thủ tốt. Đồng thời, lưu ý đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, những quy định này nếu thiết kế không tốt có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và lớn lên của doanh nghiệp.”
Ông Mai Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Thái Bình: Tạo hành lang pháp lý, giải quyết khó khăn trong quản lý Nhà nước về BVMT
“Công tác quản lý nhà Nước về BVMT trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế (thu gom, phân loại rác, quy hoạch địa điểm và kêu gọi nhà đầu tư xử lý khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung); chưa có kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tập trung các cụm công nghiệp, khu đô thị còn thiếu, chưa đồng bộ.
Luật BVMT 2020 có hiệu lực cùng với việc ban hành Nghị định hướng dẫn Luật kịp thời tạo hành lang pháp lý giúp địa phương giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT hiện nay. Đơn cử như giúp xây dựng được cơ chế chính sách quản lý rác thải sinh hoạt, lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, quy định cụ thể mức phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và trách nhiệm của UBND các cấp.
Là cơ sở pháp lý để tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của tỉnh, trong đó có lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí; xây dựng lộ trình đầu tư và hoàn thành hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.”
Ông Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Cần chuyển mạnh quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm
“Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử. Theo đó, ở mọi cấp, mọi ngành, đều phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin. Tinh thần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính cũng đã được thể hiện rõ ràng trong Luật BVMT 2020.
Đến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, cần bám sát tinh thần của Chính phủ, giảm thủ tục hành chính, các dịch vụ công trong quản lý cần được giải quyết trên môi trường điện tử để tạo thuận lợi trong điều hành của cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân, ví dụ như có thể tiếp nhận hồ sơ online và cấp giấy phép online chẳng hạn… Về một số điểm trong Dự thảo Nghị định, tôi đặc biệt lưu ý đến các quy định về cấp Giấy phép môi trường. Việc cấp Giấy phép môi trường cần dựa trên tư duy quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.
Về nội dung kinh tế tuần hoàn, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải, tái sử dụng nước, khuyến khích người dân, doanh nghiệp phân loại rác tại nguồn. Trong xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, cần yêu cầu công khai kết quả quan trắc môi trường, đặc biệt là các chỉ số như furan, dioxin…
Trong quản lý chất lượng môi trường không khí, Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa các quy định trong Luật. Như việc lập Kế hoạch quản lý môi trường không khí là cần thiết, song nên chăng, chỉ nên áp dụng đối với các địa phương gặp phải những vấn đề về ô nhiễm môi trường không khí hoặc có nguy cơ đối diện với tình trạng này trong 5 năm tới. Bởi muốn lập được kế hoạch này, cần phải kiểm kê các nguồn thải, tính toán theo các mô hình, chỉ số, và không phải tỉnh nào cũng có đủ điều kiện để làm được, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa…”.
Theo đó, đối với các dự án đã được phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì chỉ thành lập Đoàn kiểm tra. Quy định trách nhiệm của cơ quan thường trực thẩm định cấp Giấy phép môi trường, việc tham vấn, lấy ý kiến trong quá trình cấp Giấy phép môi trường.
Về nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường, Dự thảo Nghị định quy định mức độ chi tiết của từng đối tượng, theo hướng đơn giản hoá nội dung báo cáo của dự án đầu tư đã được phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo ĐTM hoặc đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp huyện; riêng trường hợp dự án đầu tư được cấp Giấy phép môi trường ngay trong giai đoạn nghiên cứu khả thi (dự án này không phải ĐTM) thì quy định nội dung Báo cáo đề xuất cấp phép bảo đảm mức độ chi tiết tương đồng như nội dung Báo cáo ĐTM.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong việc thu hồi Giấy phép môi trường để đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ của cơ sở khi cơ quan cấp phép cấp sai thẩm quyền hoặc có nội dung trái quy định của pháp luật, đồng bộ với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Luật BVMT 2020 đã được cụ thể hóa, như thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; định chế nội dung sức khỏe môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; chế định cụ thể về kiểm toán môi trường; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên…
Mai Chi
(Theo Báo TN&MT)