Chuyên gia lý giải nguyên nhân TP.HCM xuất hiện sương mù dày đặc trong sáng nay
Sáng sớm thứ 2 đầu tuần, sương mù dày đặc, che phủ nhiều tòa cao ốc tại TP.HCM. Tại hầu hết điểm đo ở TP.HCM, chỉ số AQI đều ở ngưỡng kém.
Theo AirVisual, sáng nay, TP.HCM đứng thứ 2 trong bảng tổng hợp những thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) cao nhất. Hà Nội là thành phố đứng đầu bảng. Cụ thể, chỉ số AQI tại TP.HCM là 167, chỉ kém Hà Nội 2 đơn vị (169).
Tại hầu hết điểm đo ở TP.HCM, chỉ số AQI trong khoảng 150-175 đơn vị - ngưỡng kém - người dân cần hạn chế ra ngoài.
Một số nơi có chỉ số AQI cao như quận 7 (170-175 đơn vị); Thảo Điền - quận 2 (170 đơn vị); Nguyễn Đình Chính - quận Phú Nhuận (176 đơn vị)...
Ảnh minh họa. (Internet) |
Trao đổi với Zing về hiện tượng này, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết 2 ngày nay, TP.HCM hội tụ nhiều điều kiện để hình thành sương mù.
Cụ thể, ngày 20/9, TP.HCM mưa rải rác vào chiều tối nhưng trời nắng vào ban ngày. Nắng khiến hơi nước bốc lên nhiều hơn. Do đó, độ ẩm không khí tại TP.HCM hôm qua rất cao, thời điểm thấp nhất là hơn 70%, còn lại hầu hết trong khoảng 90-100%.
Thêm vào đó, bụi lơ lửng trong không khí là hạt nhân liên kết để hạt nước bám vào, trở thành sương mù ở tầng thấp. Gió không quá mạnh là điều kiện thứ ba khiến những hạt hơi nước duy trì ở tầng dưới tạo nên sương mù dày đặc.
"Những ngày gió to thì khả năng gây sương mù ít hơn những ngày gió yếu vì gió sẽ thổi hơi nước bay lên tầng cao", chuyên gia giải thích.
Trước đó, hôm 14/9, nhiều khu dân cư, toà nhà cao tầng tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM như quận 1, 2, 3, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức... bị che khuất bởi sương mù đặc quánh.
Cùng với Hà Nội, chất lượng không khí tại TP.HCM cũng đáng báo động trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2019, người dân TP.HCM phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).
Nhật Hạ