Cơ chế quyền lực thị trường cầu tại EU và một số lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Việc nghiên cứu các cơ chế điều chỉnh thị trường của EU sẽ là một trong số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thương mại của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.
- Đặt vấn đề
Quan hệ cung – cầu là vấn đề của nền kinh tế thị trường và có tính cốt lõi, từ đó điều chỉnh mọi mối quan hệ khác có liên quan. Ngày nay, quan hệ cung cầu không chỉ là sự tự điều chỉnh đơn thuần của nền kinh tế mà còn có bàn tay can thiệp của Nhà nước để chèo lái theo các mục tiêu quản lý của mình. Việc Chính phủ các Quốc Gia sử dụng các công cụ vỹ mô (như Chính sách, pháp luật, chính sách tài khóa) để định hướng và điều chuyển các nguồn lực, thúc đẩy các mục tiêu phát triển (hoặc hạn chế sự phát triển) đã trở nên phổ biến.
Thế kỷ 21 chứng kiến sự vận động mạnh mẽ của những nỗ lực về bảo vệ môi trường, mà sáng kiến quan trọng nhất của nhân loại là đề xuất và triển khai thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, thay thế dần cho mô hình kinh tế tuyến tính đã tồn tại hàng nghìn năm. Để hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn, Chính phủ các Quốc gia đã và đang sử dụng bàn tay của mình can thiệp vào nền kinh tế, điều chỉnh các hành vi sản xuất – tiêu dùng thông qua các công cụ về chính sách và pháp luật. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu hướng chủ đạo hiện nay trên toàn cầu; và đang được thể chế hóa thành các nghĩa vụ cụ thể mà mọi cá nhân, tổ chức phải thực hiện.
Thị trường EU là một thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thương mại 2 chiều Việt Nam - EU 9 tháng 2023 đạt 44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 47,1 tỷ USD), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 32,8 tỷ USD[1]. Châu Âu cũng là thị trường đi đầu thế giới trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế phát thải carbon thấp. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh nào của Thị trường EU cũng có khả năng tác động tới Việt nam, mà cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Việc nghiên cứu các cơ chế điều chỉnh thị trường của EU sẽ là một trong số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thương mại của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.
Cơ chế quyền lực thị trường cầu được hiểu là việc tận dụng các lợi thế và ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ để buộc bên cung cấp phải đáp ứng các điều kiện nhất định để có thể bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ở thị trường cầu đó. Quyền lực này có thể thực hiện được khi thị trường cầu có ý nghĩa quan trọng và lớn đối với bên cung cấp, đủ sức mạnh về lợi ích kinh tế để bên cung phải chấp nhận đánh đổi các lợi ích khác để tiếp tục duy trì khả năng cấp cấp của mình tại thị trường cầu. Tận dụng lợi thế là một thị trường tiêu thụ lớn, uy tín và có chất lượng, EU đang áp dụng triệt để cơ chế quyền lực thị trường cầu của mình nhằm điều chỉnh hành vi của các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngoài lãnh thổ, buộc tuân thủ và đáp ứng các mục tiêu quản lý của mình.
Xét dưới góc độ chủ quyền Quốc Gia, quyền tài phán của mỗi Quốc gia được áp dụng đối với vùng lãnh thổ của Quốc gia đó nên hệ thống pháp luật của một Quốc Gia này không thể áp dụng và không có giá trị bắt buộc đối với các chủ thể ở một Quốc gia khác. Ví dụ: Quy định của EU không thể áp dụng và buộc các doanh nghiệp của Việt nam phải tuân thủ. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp của Quốc gia này có hiện diện thương mại và có các hoạt động kinh doanh tại một Quốc gia khác thì phải tuân thủ quyền tài phán của Quốc gia sở tại.
Thông thường, đối với các vấn đề có tính quốc tế, toàn cầu hoặc yêu cầu có sự áp dụng chung và thống nhất ở lãnh thổ của hai hoặc nhiều Quốc gia thì cơ quan có thẩm quyền của mỗi Quốc gia sẽ tham gia kí kết, thừa nhận và thực hiện các công ước quốc tế. Trên cơ sở ký kết, thừa nhận, mỗi Quốc Gia sẽ có cơ chế riêng để áp dụng trực tiếp nội dung của công ước quốc tế đó hoặc nội luật hóa. Tuy nhiên, mặc dù các Quốc gia tham gia công ước quốc tế cam kết và nỗ lực thực hiện các cam kết chung, chung trình độ của mỗi Quốc gia, ý thức tuân thủ và năng lực triển khai ở mỗi Quốc gia cũng khác nhau, nên sự khác biệt đó tạo tính thiếu hiệu quả, đặc biệt là đối với các nội dung đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Do đó, mỗi Quốc Gia sẽ tìm những giải pháp khác nhau để khắc phục các hạn chế này.
- Cơ chế quyền lực thị trường cầu tại EU
Châu Âu là khu vực đi đầu thế giới hiện nay trong các vấn đề về bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường ở Châu Âu luôn ở mức độ cao nhất và các đòi hỏi với doanh nghiệp cũng trở nên nghiêm ngặt nhất.
Vấn đề bảo vệ môi trường không phải là nghĩa vụ riêng của Châu Âu, và nỗ lực của riêng Châu Âu cũng không thể thay đổi tình hình ô nhiễm và không tách biệt Châu Âu ra khỏi bầu không khí ô nhiễm chung. Do đó, Châu Âu cần có sự đồng hành và cam kết của các Quốc Gia khác. Hiệp định EVFTA giữa Việt nam và EU là một trong số các ví dụ rõ nét nhất về việc Châu Âu cố gắng áp đặt các tiêu chuẩn của mình lên Quốc gia khác để cùng thực hiện các nỗ lực về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do các nỗ lực kí kết và triển khai các công ước quốc tế như vậy vẫn chưa đủ để hiện thực hóa các mục tiêu của mình, EU thực hiện một loại các giải pháp, trong đó có áp dụng các quy định theo cơ chế quyền lực thị trường cầu để buộc các Quốc gia khác phải có giải pháp thay đổi, gián tiếp thông qua áp đặt các nghĩa vụ cho các doanh nghiệp của Quốc gia đó khi muốn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại thị trường Châu Âu.
Từ năm 2007 Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Ngày 24/6/2008, văn bản đã đạt được sự đồng thuận trong Liên minh châu Âu (EU), sau đó được EC chính thức thông qua bằng Quyết định số 1005/2008, ngày 29/9/2008. Quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, qua đó chính thức thiết lập một hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm hải sản bị khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vào thị trường châu Âu. Rõ ràng hiện nay, Chính Phủ Việt Nam đang phải ra sức “gỡ thẻ vàng” để hàng hóa thủy sản Việt nam được tiếp tục nhập khẩu vào và bán tại thị trường EU.
Ngày 19-4, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) thông qua luật Chống phá rừng (Deforestation). Theo đó, nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31-12-2020. Cũng theo quy định của Luật chống phá rừng này, nếu các doanh nghiệp của bất kỳ Quốc gia nào vi phạm quy định, thì các Quốc gia đó sẽ bị xếp và các danh sách phân loại rủi ro, từ đó chịu các chế tài về xử phạt hoặc bị cấm nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường này. Luật Chống phá rừng này cũng đặt ra các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về đất không thuộc diện bị coi là phá rừng …., dẫn đến việc các Quốc gia liên quan phải tự mình điều chỉnh các quy định của pháp luật nội địa nếu muốn doanh nghiệp tiếp tục bán hàng tại thị trường EU.
Ngày 16 tháng 5 năm 2023 Ủy ban Châu Âu ban hành quy định (EU) 2023/956 Về Thiết lập cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) tại EU. CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1 tháng 10 năm 2023, với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31 tháng 1 năm 2024. Trong thời gian trước mắt, các nhóm sản phẩm gồm sản xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của CBAM. Theo Quy định có hiệu lực vào 16/5/2023, CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1 tháng 10 năm 2023. Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào trong thời gian này. Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra. Nhà nhập khẩu EU phải khai báo trước ngày 31 tháng 5 hàng năm số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu vào EU trong năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm. Nếu các nhà nhập khẩu EU có thể chứng minh, dựa trên thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất ở nước thứ ba, rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, thì số tiền tương ứng có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng của họ.
Qua nghiên cứu các quy định của IUU, Luật chống phá rừng và CBAM như nêu trên, tác giả nhận thấy rằng, mặc dù Liên minh Châu Âu không có bất kỳ quy định nào áp dụng sang lãnh thổ của Quốc Gia khác hoặc điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp ở Quốc gia khác; nhưng rõ ràng là những văn bản này gián tiếp buộc các Quốc gia phải điều chỉnh pháp luật quốc nội để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng tới thị trường Châu Âu và bán tại đây. Sở dĩ Liên minh Châu Âu có thể làm được như vậy, là bởi tổ chức này tự nhận thức và đánh giá đúng vai trò và vị trí của mình trong nền kinh tế, nỗ lực sử dụng quyền lực của thị trường cầu để chi phối hành vi của các chủ thể bên ngoài. Các doanh nghiệp, Quốc gia muốn đạt được lợi ích từ thị trường EU thì buộc phải chấp nhận và tuân thủ quy định của EU.
- Một số thử thách và khuyến nghị với doanh nghiệp Việt Nam
3.1. Một số thử thách
Thị trường EU là một trong số thị trường tiềm năng và quan trọng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, EU cũng là thị trường khó tính và có nhiều yêu cầu cao; nên nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường này, thì sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng hóa không chỉ tới thị trường EU mà còn nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, để có thể tiêu thụ hàng hóa tại thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt nam đứng trước nhiều thử thách, cụ thể gồm:
- Thử thách về sự khác biệt thể chế
Thử thách lớn nhất của các doanh nghiệp Việt nam hiện nay là sự không tương thích, không đồng bộ giữa khuôn khổ thể chế Việt Nam và EU. Các nội dung về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của Việt nam thấp hơn so với các quy định của Châu Âu. Thực tế này đặt ra vấn đề, hàng hóa sản xuất tại Việt nam được coi là đáp ứng theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng vẫn có thể bị coi là vi phạm quy định của Châu Âu. Để có thể xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt nam buộc phải sản xuất theo tiêu chuẩn của EU, nhưng việc này có thể gặp những khó khăn trên thực tế, như các tiêu chuẩn EU chưa được công nhận tại Việt Nam, sự thiếu đồng bộ về chính sách, quy chuẩn tiêu chuẩn, nguyên liệu đầu vào …., tại Việt Nam không phù hợp. Tác giả có thể dẫn chứng thêm rằng, để có thể đáp ứng quy định của Luật chống phá rừng của EU, nhà sản xuất cần phải chứng minh rằng, nguyên liệu gỗ không được trồng trên đất bị coi là rừng bị phá; nhưng trên thực tế, việc này rất khó khăn bởi doanh nghiệp sản xuất không phải là đơn vị trực tiếp trồng rừng, sơ chế cây gỗ mà những nội dung này được thực hiện bởi các đơn vị khác.
Tại Việt Nam hiện nay, chưa có hàng lang pháp lý về thị trường tín chỉ carbon và các vấn để có liên quan (như đánh giá trữ lượng carbon, cấp tín chỉ carbon, quy định về lưu trữ carbon ….), dẫn tới doanh nghiệp không có cơ hội để mua tín chỉ carbon.
- Thử thách về nhận thức
Nhận thức chưa phù hợp là một vấn đề tồn tại trong cộng đồng nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng tại Việt nam. Việc thiếu những hiểu biết cần thiết về quy định của EU, về các nghiệp vụ xử lý và ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường là những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm quy định của EU, dẫn tới hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU và tiêu thụ tại đây chịu các chế tài của thị trường này.
Trong bối cảnh mới, khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, và đặc biệt là áp dụng các cam kết về bảo vệ môi trường trong EVFTA, việc thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường đỏi hỏi có tính tự nguyện cao, trên cơ sở cân nhắc sự hài hòa giữa thương mại và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua các kết quả khảo sát, tác giả nhận thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp, thậm chí cơ quan quản lý Nhà nước vẫn thờ ơ, coi việc tuân thủ chỉ để nhằm mục đích đối phó, không nhìn thấy các lợi ích kinh tế và cơ hội phát triển bền vững từ việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không coi bảo vệ môi trường là một hành vi có tính thương mại để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
- Thử thách về vốn và tiềm lực tài chính
Để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, các cơ sở phát thải cao có sản phẩm xuất khẩu như sắt, thép, ximăng, nhôm... phải thay đổi nếu muốn duy trì thị trường xuất khẩu trong tương lai. Do đó, các doanh nghiệp cần xác định việc giảm phát thải là bắt buộc trong tương lai, phải thay đổi công nghệ, phương thức quản lý, cách tiếp cận... Việc giảm phát thải tạo ra cơ hội mới cho một số doanh nghiệp nếu thay đổi để tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế, doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, có nguồn thu mới từ tài chính carbon cùng các nguồn tài chính xanh.
Tuy nhiên, để thực hiện được nội dung này, đỏi hỏi doanh nghiệp cần có sự đầu tư lớn về kinh phí; trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính éo hẹp, nguồn vốn nhỏ và khó huy động, lãi suất huy động vốn cao
3.2. Một số khuyến nghị
Trong thời gian trước mắt và tương lai, để vượt qua được những thử thách nêu trên, tác giả cho rằng, cần thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, về phía Nhà nước, cần tăng cường và đẩy nhanh việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường trong EVFTA để tiệm cận các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường mà EU đã đặt ra.
Việc sửa đổi các đạo luật như Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đa dạng sinh học, Luật tài nguyên khoáng sản ….. là những đạo luật đang có sự lạc hậu và khác biệt với các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường hiện nay, là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần xem xét ban hành các văn bản mới về tiếp cận thông tin, về thị trường carbon và giao dịch tín chỉ carbon.
Đặc biệt, Nhà nhà nước cần đẩy mạnh các giải pháp về nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới tạo sự chuyển biến về nhận thức và tư duy trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong cả khối cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ về tài chính hiệu quả và thực tế hơn cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; tạo những cơ chế đặc thù cho tài chính xanh, với sự ưu đãi về lãi suất và điều kiện vay vốn.
Thứ ba, Nhà nước và các Hiệp hội ngành nghề cần có các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tập huấn về pháp luật bảo vệ môi trường, về các chiến lược và giải pháp cân bằng giữa chính sách thương mại với bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp, về các công cụ kinh tế tuần hoàn và các vấn đề liên quan đến tuân thủ quy định của EU khi xuất khẩu và bán hàng hóa tại thị trường này.
Các chương trình đào tạo cần gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp, đúng đối tượng, đúng nội dung và đề cao tính hiệu quả thực tế.
Thứ tư, doanh nghiệp cần chủ động huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia tư vấn, chuyên gia pháp lý có hiểu biết trong lĩnh vực tương ứng, có kinh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập hồ sơ báo cáo, hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục theo quy định của EU; tìm kiếm các giải pháp cân bằng giữa quy định của EU và quy định của pháp luật Việt nam.
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào việc tìm hiểu, chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của EU thay vì trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự chủ động này còn nằm ở việc thiết lập các kế hoạch chiến lược và xây dựng tầm nhìn đủ để có thể tận dụng được các lợi ích thương mại từ việc bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thứ năm, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nên chủ động hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác từ các tổ chức quốc tế, các tập đoàn và doanh nghiệp ở nước ngoài để huy động nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và cơ hội cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình.
Các tập đoàn về công nghệ trong lĩnh vực môi trường, các tổ chức phi Chính phủ có khả năng hỗ trợ về việc đào tạo, chuyển giao công nghệ, tập huấn, kết nối mua bán tín chỉ carbon ….. tạo ra những điều kiện thuận lợi mà doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng, khai thác./.
Luật sư Hà Huy Phong,
Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco,
Trưởng Ban pháp chế - Hội Kinh Tế Môi Trường Việt Nam