Chủ nhật, 24/11/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/06/2022 06:55 (GMT+7)

Cổ phần hóa doanh nghiệp cần minh bạch về đất

Theo dõi KTMT trên

Vấn đề sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất đang là "nút thắt" trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân trục lợi.

Theo thông tin được biết, điển hình như vụ việc tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Tân Thuận. Vì vậy, nên tách giá trị đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ quản lý hơn 1.200 hecta đất, diện tích lớn nhưng đến nay đã đảm bảo các điều kiện để tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn theo lộ trình. Đại diện doanh nghiệp cho biết, chính vì việc áp dụng thuê đất hàng năm nên không ảnh hưởng đến xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa.

Ông Khổng Mạnh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ cho biết: "Tất cả diện tích đất doanh nghiệp đang thuê làm gì thì phải trả tiền đất hàng năm, theo giá đất, theo lộ trình 5 năm phê duyệt 1 lần, như vậy sẽ hài hòa".

Cổ phần hóa doanh nghiệp cần minh bạch về đất - Ảnh 1
Xác định không đúng giá trị quyền sử dụng đất là những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: Internet)

Ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Đối với các doanh nghiệp ở Thái nguyên, đa phần là doanh nghiệp thuê đất. Khi doanh nghiệp thuê đất hàng năm, giá trị đất sẽ không được xác định vào việc cổ phần hóa".

Đã có thời kỳ giá trị đất được tách khỏi giá trị doanh nghiệp, tuy nhiên do không hấp dẫn các nhà đầu tư nên lại gộp vào giá trị doanh nghiệp. Vấn đề sẽ không có những thất thoát, nếu như cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện đúng các phương án sử dụng đất theo quy hoạch.

Ông Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, nói: "Vấn đề quản lý đất trước khi thực hiện cổ phần hóa cho đến khi doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa, vậy cơ quan nào, trung ương hay địa phương thực hiện việc quản lý đất đai và có thẩm quyền về việc cho thuê hay trao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa".

Năm 2021 vừa qua, cả nước chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp và cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp. Việc phê duyệt phương án cổ phần hóa vẫn rất chậm. Điểm nghẽn vẫn liên quan đến đất đai.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, nhận định: "Mặc dù điểm nghẽn liên quan đến đất đai có một phần từ thể chế, nhưng việc tổ chức thực hiện không thường xuyên, liên tục và có sự né tránh trách nhiệm nên không có phản ánh chính xác để hoàn thiện thể chế".

Về tiến trình cổ phần hóa vẫn tiếp tục, vẫn còn nhiều tập đoàn, tổng công ty với quỹ đất rất lớn chưa được cổ phần hóa. Những lỗ hổng đã được nhìn nhận ở thời điểm trước. Đó là những kinh nghiệm trong thời gian tới, đặc biệt hướng tới tiêu chí đất cho sản xuất kinh doanh, không sử dụng theo phương án cổ phần hóa, phải trả lại cho Nhà nước; tránh trường hợp, cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, thải hồi công nhân, bán máy móc, thiết bị và mục đích chính là lấy khu đất, lấy địa tô chênh lệch gây méo mó chủ trương đúng đắn khi cổ phần hóa.

Theo quy định tại Nghị định 126, công ty cổ phần sau cổ phần hóa phải sử dụng đúng mục đích và phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Sau 60 ngày, kể từ ngày chuyển sang công ty cổ phần phải thực hiện thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định. Giá đất thuê trả tiền hàng năm doanh nghiệp phải ký với địa phương tại thời điểm CPH sát với thị trường theo quy định của Luật Đất đai.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước thu hồi và doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác kinh doanh hiệu quả hơn. Giá trị đất được giao, giá trị đất thuê trả tiền một lần của doanh nghiệpNN khi CPH đều được tính vào giá trị doanh nghiệp và các doanh nghiệp phải chuyển sang thuế đất trả tiền hàng năm theo đúng quy định. Đối với trường hợp thoái vốn Nhà nước thì giá trị quyền sử dụng đất thuê phải được tính vào giá khởi điểm trước khi đấu giá theo Nghị định 32 năm 2018 của Chính phủ.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa doanh nghiệp cần minh bạch về đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới