Chủ nhật, 24/11/2024 09:59 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/05/2021 13:50 (GMT+7)

Đà Nẵng tăng cường phương án cấp bách để bảo vệ hệ thống đê, kè

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Hoàng Thanh Hòa, từ hơn 10 năm nay quá trình xói lở bờ biển, bờ sông ở TP.Đà Nẵng đã diễn ra với tốc độ và mức độ lớn, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Ngày 14/6, thông tin từ Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho biết, kết quả đánh giá cuối tháng 5/2021 của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) về hiện trạng công trình đê điều và phương án hộ đê năm 2021 cho thấy, các tuyến đê, kè hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường, cao trình đỉnh kè tại thời điểm kiểm tra không sai khác so với cao trình đỉnh kè thiết kế.

“Nhiệm vụ chính của hệ thống đê, kè này là bảo vệ chống sạt lở bờ sông, bờ biển trước những ảnh hưởng do tác động của thiên tai. Đồng thời tạo tuyến đường phục vụ công tác kiểm tra, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng an ninh, tạo điều kiện phát triển giao thông góp phần phát triển kinh tế xã hội. Các tuyến đê, kè biển đều quy định thiết kế với triều tần suất 5%, và chống được bão cấp 9, 10 tùy theo từng tuyến!”, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng thông tin.

Đà Nẵng tăng cường phương án cấp bách để bảo vệ hệ thống đê, kè - Ảnh 1
Sạt lở bờ biển làm lộ ra nhiều gốc cây dừa, tạo ra những hàm ếch lớn tại khu vực bờ biển Mỹ Khê. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Hiện nay, hệ thống đê, kè biển, kè sông trên địa bàn thành phố có tổng chiều dài gần 51 km, chống chịu được bão cấp 9-10. Trong đó, có các tuyến đê, kè biển như vịnh Đà Nẵng, biển Sơn Trà, kè hai bên cửa sông Hàn... đều là tuyến trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều, sóng gió trực tiếp từ biển khi có mưa bão, cần xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm.

Bên cạnh đó, do điều kiện bất lợi của khí hậu trong 10 năm gần đây, các tuyến kè biển, kè sông của thành phố thường xuyên không ổn định. Đáng chú ý, trong năm 2020 đã xảy ra sụt lún tại một số điểm cục bộ, nhỏ trên một số tuyến đê, kè của thành phố. Các vị trí này đã được lập hồ sơ xử lý đầu năm 2021. Cụ thể, tại các khu vực thuộc bãi biển Mân Thái, biển Mỹ Khê, khu nghỉ dưỡng The Song... bờ biển bị sóng khoét tạo bờ vực sâu gần 2 m. Nhiều đoạn, nước biển ăn sâu đánh sập cả bờ kè, lòi gốc cây dừa dọc bờ cát.

Hay trên đoạn bờ biển nằm ở phía phía Đông dọc theo tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa có chiều dài khoảng 16 km đã xuất hiện 6 khu vực bị xói lở. Bao gồm: khu vực đối diện ngã ba đường Hồ Thấu với Võ Nguyên Giáp; phía sau dãy nhà hàng Phước Mỹ 2 đến nhà hàng Mỹ Hạnh; từ ngã ba Võ Văn Kiệt đến trước Khách sạn Grand Tourane; từ Bãi tắm số 9 đến trước khách sạn Mường Thanh; Ngã ba Võ Nguyên Giáp – Hoàng Kế Viêm (trước khách sạn Holiday); bãi tắm Sơn Thủy.

Ở các khu vực này, vết sạt lở goặm sâu vào bờ kè, một số đoạn diện tích sạt lở lớn, tạo nên những hố sâu và bóc tróc nhiều gạch lát phía trên bờ kè đường đi bộ của người dân. Hơn nữa, tại các khu vực bị xói lở, nước biển có xu hướng xói sâu vào bãi biển, hình thành các vũng xoáy, ăn sâu vào bãi cát.

Do đó, để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè của thành phố, Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng cũng đã bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện sự cố để xử lý. Đồng thời, thành phố đang thực hiện các phương án cấp bách để bảo vệ công trình xung yếu này.

“Từ hơn 10 năm nay quá trình xói lở bờ biển, bờ sông ở Đà Nẵng đã diễn ra với tốc độ và mức độ lớn, gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, và đời sống sản xuất của nhân dân”, ông Hoàng Thanh Hòa nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, các giải pháp bảo vệ, chống xói lở bờ biển, bờ sông đã được triển khai xây dựng đê, kè cứng (đối với đô thị và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng), kè mềm kết hợp trồng cỏ Vetiver, tre để tạo cảnh quan, môi trường.

Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng các công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển chưa được đồng bộ. Tình trạng xói lở vẫn diễn ra tại các vị trí chưa xây dựng công trình. Bên cạnh đó các công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cần có sự duy tu, bảo dưỡng định kỳ nhằm tăng tuổi thọ công trình, đáp ứng yêu cầu chủ động phòng chống lụt bão.

Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai báo cáo Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí hàng năm (nguồn vốn thuộc chương trình Tu bổ đê điều thường xuyên hoặc từ các nguồn khác) để thành phố thực hiện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đê, kè chống sạt lở như các năm trước đây.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Khoa môi trường và công nghệ hóa (ĐH Duy Tân) đã chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bờ biển TP.Đà Nẵng mất dần trong những năm qua. Đó là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức ở ven biển mà “thủ phạm” chính là các công trình cao tầng.

“Nước ngầm ven biển mất đi làm sụt lún cát, từ đó xâm thực nhanh và nặng nề hơn. Khảo sát của chúng tôi cho thấy đoạn biển xói lở hiện nay trùng khớp với đoạn có nhiều công trình cao tầng nhất ở bên trong. Nếu cứ như vậy thì tương lai tuyến đường ven biển tại đây liệu có còn không?”, bà Phương cảnh báo.

Từ đó, bà Phương cho rằng TP.Đà Nẵng cần dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, trong đó có việc hạn chế tối đa bê tông hóa ven biển cho đến khi nguồn nước phục hồi. Thành phố cũng phải tính toán sự thâm nhập của nước mặn, tốc độ xói lở và quy mô xói lở để đưa ra giải pháp.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng tăng cường phương án cấp bách để bảo vệ hệ thống đê, kè. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới