Chủ nhật, 24/11/2024 04:20 (GMT+7)
Thứ hai, 05/12/2022 15:50 (GMT+7)

Đảm bảo cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.

Cạnh tranh giá điện với quốc tế, thu hút đầu tư

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ đã tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; làm việc với tỉnh Bạc Liêu, các nhà đầu tư về phát triển năng lượng tái tạo tại Bạc Liêu và Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, điện mặt trời vì đây là nguồn năng lượng sạch, không phải mua và không ai có thể lấy đi.

Trao đổi với Thủ tướng, đại diện các nhà đầu tư cho rằng, giá điện tại Việt Nam cần phải cạnh tranh được với các nước để thu hút các nhà đầu tư. Đồng tình với quan điểm này, song Thủ tướng cho rằng, phải xem xét tổng thể cả 5 yếu tố gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện phải ở mức người dân chịu được.

Những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng "đua nhau làm" điện gió, điện mặt trời, ảnh hưởng tới cân đối cung cầu; có tình trạng mua giá điện mặt trời, điện gió với giá cao, trong khi giảm mua thủy điện với giá thấp.

Đảm bảo cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời - Ảnh 1
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp điện gió, điện mặt trời. 

"Những năm trước, khi công nghệ chưa phát triển, giá điện gió, điện mặt trời ở thời điểm đó có thể là phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư, nhưng hiện nay giá điện gió ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và so với các nguồn điện khác. Trong khi công nghệ điện tiến bộ rất nhanh và đến nay chi phí sản xuất đã giảm nhiều. Mặt khác, các nhà đầu tư không đầu tư hệ thống truyền tải mà Nhà nước phải đầu tư với kinh phí lớn", Thủ tướng phân tích.

Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó Thủ tướng yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ Công Thương phải nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ vốn, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

"Phải tất cả cùng thắng hoặc hòa. Nếu Nhà nước, người dân có lợi mà nhà đầu tư chịu thiệt thì không ai làm. Nếu nhà đầu tư có lãi, Nhà nước bù lỗ, người dân chịu giá cao thì không tồn tại được. Chúng ta nhất quán quan điểm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giữ môi trường pháp lý ổn định nhất nhưng cái gì không hợp lý thì phải điều chỉnh, chúng ta làm vì lợi ích quốc gia, dân tộc", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, địa phương nghiên cứu tổ chức mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, "trên phát điện gió, kết hợp sản xuất hydrogen, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản...".

Tạo điều kiện tăng trưởng ổn định và bền vững điện gió

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt. Dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực (Quy hoạch điện VIII), đặt mục tiêu có 7 GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điện gió trên bờ vào năm 2030. Ngành điện gió đã sẵn sàng và có thể thực hiện các mục tiêu này và giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện cán cân thương mại, tăng tính bền vững của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước.

Theo Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng. Đứng trước các khó khăn về bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Nếu ngành điện gió ngoài khơi được tạo điều kiện phát triển một cách tự nhiên và thuận lợi từ một số dự án sơ bộ đã được chuẩn bị tốt, thì cách tiếp cận ‘theo giai đoạn’ với các biểu giá mua điện tương ứng cho điện gió ngoài khơi, và dần giảm các khoản này trong các cuộc đấu giá theo thời gian có thể cho phép điện gió ngoài khơi trở nên rẻ hơn hầu hết các hình thức sản xuất năng lượng khác, như kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và Đài Loan.

Đối với lĩnh vực điện gió trên bờ, biểu giá mua điện (FIT) đã hết hạn (tháng 11/2021). Trong khi 4 GW điện gió trên bờ đã hoàn thành trước khi giá FIT hết hạn, có 4 GW khác của các dự án đã ký PPA nhưng không kịp hoàn thành trước thời hạn. Nhiều dự án trong số này đã hoàn thành xây dựng kể từ khi FiT hết hạn. Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án này vẫn chưa được sản xuất điện.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố biểu giá đề xuất cho các dự án điện gió trễ thời hạn giá FIT. Quy trình thực hiện các mức biểu giá vẫn chưa rõ ràng và để tạo ra một hướng đi cho việc phát triển ngành, GWEC khuyến khích chính phủ làm rõ điều này càng sớm càng tốt. Giá điện cạnh tranh ở mức hợp lý đặc biệt có ý nghĩa trong thời gian hiện nay và các năm tới, khi nguồn than, dầu, khí có giá cao đẩy giá điện sản xuất ra cao hơn cả giá bán tại Việt Nam.

Để đảm bảo chính sách trong tương lai giúp điện gió ngoài khơi tăng trưởng ổn định và bền vững, ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng, cải thiện khả năng vay vốn cho hợp đồng mua bán điện (PPA) để thu hút tài chính quốc tế là việc cần thiết để thu hút lượng vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực này.

Điện gió ngoài khơi cần nguồn vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với điện gió trên bờ. Có nhiều phương án cấp vốn cho dự án điện gió trên bờ ở Việt Nam, bao gồm vốn của nhà thầu, vốn tự có của doanh nghiệp và bảo lãnh của ngân hàng địa phương, những phương án này chủ yếu do nhà đầu tư trong nước thực hiện. Các ngân hàng trong nước, chịu sự quản lý của các quy định về mức trần cho vay cho một lĩnh vực hoặc một dự án, sẽ không có đủ vốn để tài trợ cho các dự án điện gió ngoài khơi. Do đó, thị trường sẽ cần sự tham gia của các ngân hàng quốc tế vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Lam Anh

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới