Chủ nhật, 24/11/2024 09:39 (GMT+7)
Thứ ba, 07/12/2021 15:00 (GMT+7)

Đất khỏe là cơ sở quan trọng để hướng tới một tương lai bền vững

Theo dõi KTMT trên

Tương tự như sự sống phụ thuộc vào nước và oxy, sự bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu không thể bỏ qua tầm quan trọng của đất khỏe. Nói cách khác, giữ cho đất khỏe chính là cơ sở để hướng tới một tương lai bền vững.

Mỗi năm ngành nông nghiệp thế giới thiệt hại 31 tỉ USD

“Đất là nền tảng của nông nghiệp và nông dân trên khắp thế giới đều phải phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đất để sản xuất, ước tính tạo ra khoảng 95% khối lượng lương thực cho nhân loại ăn”, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc cho biết.

Dựa trên việc thu thập dữ liệu đất trồng của 118 quốc gia, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) công bố Bản đồ toàn cầu về các loại đất nhiễm mặn. Theo nghiên cứu của FAO, hơn 833 triệu ha đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu, tương đương 8,7% diện tích hành tinh. Mỗi năm, 1,5 triệu ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Thiệt hại năng suất nông nghiệp do đất nhiễm mặn ước tính 31 triệu USD/năm. 

Một thế giới thiếu đất canh tác là một thế giới có rất ít sự phát triển. Thế nhưng khoảng 20-50% đất trồng trọt ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn, tạo ra thách thức đáng kể cho hơn 1,5 tỷ người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đất khỏe là cơ sở quan trọng để hướng tới một tương lai bền vững - Ảnh 1
Sự bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu không thể bỏ qua tầm quan trọng của đất khỏe.

Theo FAO, đất bị nhiễm mặn là một trong những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với các vùng khô hạn và bán khô hạn, bởi đất tốt là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Đất bị nhiễm mặn làm giảm năng suất nông nghiệp, chất lượng nước, đa dạng sinh học đất và xói mòn đất; làm giảm cả khả năng cây trồng lấy nước và vi chất dinh dưỡng.

Đất có thể bị nhiễm mặn vì nhiều lý do như quản lý kém, sử dụng phân bón quá mức hoặc không phù hợp, phá rừng, nước biển dâng, mực nước ngầm ảnh hưởng đến tầng sinh môn hoặc nước biển xâm nhập vào nguồn nước ngầm sau đó được sử dụng để tưới.

Tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang làm tăng vấn đề này, với các mô hình cho thấy vào cuối thế kỷ này, các vùng đất khô hạn trên toàn cầu có thể tăng tới 23% - chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu vừa qua ở Scotland, các nhà khoa học cũng đã nêu bật vai trò quan trọng của sức khỏe đất trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như xây dựng khả năng chống chịu. Tại sự kiện này, FAO đã kêu gọi tất cả các quốc gia cần khẩn trương cải thiện năng lực và thông tin về đất của họ bằng cách đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc quản lý đất bền vững.

Điều này không chỉ vì đất có khả năng lưu giữ đáng kể khí thải carbon mà còn giúp giảm thiểu các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như hạn hán, suy thoái và sa mạc hóa. Ngoài ra, đất khoẻ và phì nhiêu còn là trọng tâm trong việc xây dựng hệ thống lương thực bền vững cho tương lai.

Việt Nam liệu có rơi vào cảnh hạn hán nghiêm trọng?

Theo các kịch bản dự báo, độ dài các đợt hạn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Nam Bộ chắc chắn sẽ dài hơn vào giữa thế kỉ, còn vào cuối thế kỉ thì lượng mưa sẽ giảm nhiều hơn ở Nam Bộ. Điều đó cho thấy rủi ro hạn hán có thể gia tăng ở các vùng vốn là những vựa lúa của Việt Nam.

Trong số hơn 60 tỉnh thành của Việt Nam chỉ có Ninh Thuận và Bình Thuận luôn có nóng quanh năm và đặc biệt là lượng mưa thấp nhất cả nước. Đó là vùng khô hạn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên trong tương lai, liệu sẽ có nhiều nơi khác lâm vào hoàn cảnh tương tự? 

Đất khỏe là cơ sở quan trọng để hướng tới một tương lai bền vững - Ảnh 2
Nguy cơ hạn hán được dự báo có thể xuất hiện ở khắp các vùng ở Việt Nam.

Theo GS Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng và Thủy văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), “Nói đến biến đổi khí hậu là nói đến sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác của hệ thống khí hậu, làm ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố liên quan. Trong số đó, nhìn chung, người ta thường hay quan tâm đến nhiệt độ và lượng mưa bởi khi thay đổi, nó sẽ kéo theo những thay đổi khác, chẳng hạn như mưa tăng hay giảm có thể tác động đến đời sống tự nhiên và xã hội”. 

Theo đó, Việt Nam, vốn đã khắc nghiệt hơn vào mùa hè ở vài năm gần đây, sẽ ngày một nóng lên với mức nhiệt độ tăng 1,5 đến 2 độc C trong một số kịch bản giữa thế kỷ và tăng 3 đến 4 độ C vào cuối thế kỷ. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm khoảng 10–20% vào giữa thế kỷ và giảm đến 30% vào cuối thế kỷ. Việc kết hợp giữa nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm tất yếu dẫn đến sự thiếu nước ở các lớp đất mặt. Đây là lý do khiến gia tăng mức độ và cường độ hạn hán, đặc biệt vào những tháng cuối mùa khô và những tháng đầu mùa mưa. 

Biến đổi khí hậu không chỉ khiến cho mưa trong tương lai không phù hợp với xu thế cũ mà còn có thể khiến tháng nào trong năm cũng có nguy cơ hạn hán, nếu như lượng mưa rơi xuống ít hơn mức trung bình. 

Do đó, nguy cơ hạn hán được dự báo có thể xuất hiện ở khắp các vùng ở Việt Nam, đáng chú ý là Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ trong mùa đông từ tháng 11 đến tháng hai vào giữa thế kỷ, theo kịch bản phát thải trung bình. Còn theo kịch bản phát thải cao, “vào giữa thế kỷ, hạn hán tăng lên trong những tháng mùa thu, mùa hè, mùa đông giảm đi và vào cuối thế kỷ, hạn hán tăng lên vào những tháng mùa xuân và mùa đông”, giáo sư Phan Văn Tân nhận định.

Cần 200 tỉ USD mỗi năm cho mục tiêu phục hồi đất đến năm 2030

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính rằng, để đạt được mục tiêu phục hồi hệ sinh thái đất cần đầu tư ít nhất 200 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030.

“Những nơi cần được quan tâm khẩn cấp nhất bao gồm đất nông nghiệp và rừng, đồng cỏ và thảo nguyên, núi, đất than bùn, khu vực đô thị, nước ngọt và đại dương”, FAO và UNEP nhấn mạnh.

Chính vì vậy, FAO và UNEP đã kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết thực hiện “nỗ lực phục hồi toàn cầu” nhằm mục tiêu khôi phục ít nhất một tỉ ha đất bị thoái hóa vào năm 2030 và phải phù hợp với cam kết tương tự đối với các đại dương, nếu không sẽ gây nguy cơ ngày càng cao đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đất khỏe là cơ sở quan trọng để hướng tới một tương lai bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới