Đất sử dụng ổn định gần 50 năm của người dân “bỗng nhiên” bị biến thành đất rừng phòng hộ?
Theo phản ánh, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản của người dân sử dụng ổn định từ năm 1976 và đóng thuế đầy đủ nhưng gần 50 năm sau “bỗng nhiên” bị đưa vào dự án rừng phòng hộ ven biển Long Hương - Mỹ Xuân mà không có quyết định thu hồi nào.
Thông tin về khu đất được gia đình mình khai khẩn bị đưa vào dự án rừng phòng hộ ven biển Long Hương - Mỹ Xuân tại phường Phú Hà, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà không hề có quyết định thu hồi, bồi thường nào, chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết, khoảng năm 1973 cha mẹ của chị là ông Nguyễn Viết Tường và Nguyễn Thị Răm đến ấp Phú Hà lập nghiệp. Năm 1976-1977, ông Tường và bà Răm khai hoang đất để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản (thửa đất 228, tờ bản đồ số 11-nay là thửa số 35 và một phần thửa đất số 27, tờ bản đồ số 62) tại phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ. Gia đình ông Tường bà Răm đã đi làm thủ tục kê khai trong sổ Bộ kê khai nộp thuế. Năm 1987, ông Tường và bà Răm già yếu thì cho chị Tuyết tiếp tục canh tác, sử dụng ổn định đến nay.
Năm 2018 bà Tuyết tiến hành làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tại TX. Phú Mỹ thì không được chấp thuận, lý do đưa ra là toàn bộ diện tích đất xin cấp giấy chứng nhận đã bị đưa vào ranh giới rừng phòng hộ.
Ông Phạm Trị, (Sinh năm 1932, nguyên trưởng ấp Phú Hà, phường Mỹ Xuân) cho biết, năm 1976 gia đình ông về khu vực rừng sác Bà Lễ thuộc ấp Phú Hà khai hoang làm nông nghiệp thì gia đình ông Tường đã khai hoang tại đây và có đóng thuế và sử dụng ổn định. “Năm 1976 chúng tôi khai phá làm nông nghiệp như trồng ngô, khoai lang, lúa... và có đóng thuế đất nông nghiệp đầy đủ. Đến năm 1995, Ban quản lý rừng phòng hộ xuống yêu cầu tôi ký vào lâm trường và chỉ ký trên giấy, trên xã Mỹ Xuân mà không xuống thực địa, không cắm ranh mốc rừng phòng hộ. Chính điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của nhiều bà con tại đây”, ông Phạm Tri bức xúc cho biết.
Còn theo ông Huỳnh Ký (Sinh năm 1937, ngụ tại ấp Phú Hà, phường Mỹ Xuân) cho hay, năm 1980 gia đình ông về khai hoang tại khu vực rừng sác Bà Lễ, ấp Phú Hà đã thấy gia đình ông Tường canh tác tại đây. “Kể từ khi khai hoang cho đến nay không có bất cứ ai xuống thu hồi đất để làm lâm trường gì cả. Năm 1995, ban Quản lý rừng phòng hộ cũng không hề xuống thực địa, họp nhân dân hay cắm ranh mốc gì. Thực tế là người dân chúng tôi vẫn canh tác ổn định cho đến nay”, ông Huỳnh Ký cho biết.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Huỳnh Ký mong muốn chính quyền TX. Phú Mỹ sớm cấp sổ đất cho các hộ dân đã khai hoang tại khu rừng sác Bà Lễ, ấp Phú Hà, phường Mỹ Xuân để người dân có thể ổn định canh tác, ổn định cuộc sống. Vì người dân đã khẩn hoang và canh tác ở đây suốt gần 50 năm nay.
Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, năm 2019 bà Nguyễn Thị Tuyết đã tiến hành khởi kiện Ban Quản lý rừng phòng hộ lên TAND TX. Phú Mỹ yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất.
Tại bản án số 37/2020/DS-ST ngày 10/12/2020, TAND TX. Phú Mỹ đã tuyên xử: Chấp thuận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Tuyết. Công nhận diện tích đất 124.791,7 m2 thuộc thửa đất số 228 tờ bản đố số 11 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Tuyết. Ghi nhận sự tự nguyện việc bà Tuyết chuyển giao quyền sử dụng diện tích đất này cho bà Kim, bà Thắng, bà Huệ và ông Hùng.
Đồng thời, TAND TX. Phú Mỹ tuyên xử, bà Kim, bà Thắng bà Huệ và ông Hùng-là người được bà Tuyết ủy quyền, toàn quyền) được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xin được trực tiếp đứng tên trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Tòa án các cấp sau đó cũng đã yêu cầu UBND TX. Phú Mỹ thực hiện nhiệm vụ, cấp GCNQSDĐ cho bốn hộ dân nêu trên. Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua UBND TX. Phú Mỹ vẫn không thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân như phán quyết của tòa.
Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, cũng như bảo vệ việc thượng tôn pháp luật đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật, bà Kim, bà Thắng bà Huệ và ông Hùng đã nhiều lần nộp hồ sơ cấp GCNQSDĐ, được UBND phường Mỹ Xuân tiếp nhận hồ sơ, niêm yết công khai và lấy ý kiến nhiều hộ dân sinh sống tại ấp Phú Hà. Ngày 21/5/2021, UBND phường Mỹ Xuân đã hoàn tất hồ sơ ở cấp phường và chuyển hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX. Phú Mỹ nhưng hồ sơ của người dân tiếp tục bị từ chối cấp GCN QSDĐ.
Chính điều này đã khiến khu đất người dân đã bỏ bao công sức khai hoang, cải tạo chăm sóc bị hoang hóa, gây lãnh phí tài nguyên đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, nhiều nơi bị đổ trộm chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Trước vấn đề này, ngày 17/5 Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND TX. Phú Mỹ để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa đơn vị nào có phản hồi thông tin liên quan.
Liên quan đến việc UBND TX. Phú Mỹ có dấu hiệu cố tình không thực thi bản án đã có hiệu lực pháp luật, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin trong các bài tiếp theo!
Nhận định về việc UBND TX. Phú Mỹ không thi hành Bản án số 37/2020/DS-ST, không cấp GCN QSDĐ cho người dân, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. HCM cho biết, việc UBND TX. Phú Mỹ cố tình không thi hành án và giải quyết cấp GCNQSDĐ cho người dân là vi hiến. Thậm chí, dưới luật Điều 26 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án: Buộc thôi việc đối với công chức, viên chức “sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Thạch Anh