Chủ nhật, 24/11/2024 03:19 (GMT+7)
Thứ ba, 09/11/2021 07:00 (GMT+7)

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26

Theo dõi KTMT trên

Những phát ngôn ấn tượng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 1

COP26 là hội nghị quốc tế hằng năm, được tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1995 đến nay, nhằm đánh giá quá trình ứng phó biến đổi khí hậu của các bên tham gia.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh yêu cầu về việc các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỉ này chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây cũng là lúc kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 2

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, luôn chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26 cũng là dịp để cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương và nỗ lực, cũng như khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 3

Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới. Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc các điều ước và thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu.

Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Luật, Nghị quyết, quy định lồng ghép các chính sách, cơ chế, thông qua ngân sách, thực hiện các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu; Thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu.

Năm 2020, Việt Nam nộp Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật cho Ban Thư ký UNFCCC. Trong số 186 nước tham gia UNFCCC, Việt Nam là một trong 20 nước đầu tiên nộp và là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật. Các nỗ lực của Việt Nam thực hiện UNFCCC đã được ghi nhận tại các diễn đàn quốc tế và Việt Nam được coi là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Thủ tướng cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho rằng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã đưa ra, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỉ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 6
Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 7

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 là hết sức quan trọng và ấn tượng. Như Chủ tịch COP26 đã nói: “Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam cam kết hết sức mạnh mẽ nhưng cũng rất thực tiễn”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, Việt Nam đã nhấn mạnh đến trách nhiệm, đạo đức trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sử dụng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” để khẳng định với thế giới rằng, việc giải quyết vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu không một quốc gia, dân tộc nào có thể đi một mình và làm một mình mà cần có sự “chung lưng đấu cật” của toàn thế giới.

Trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhấn mạnh, những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho thực hiện lại cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải "Carbon thấp", "kinh tế xanh" và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang "kinh tế tuần hoàn". Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, đó là phát triển nhanh, bền vững.

Từ cam kết của Thủ tướng là cơ hội để Việt Nam có những đầu tư công nghệ sạch, thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích đầu tư công nghệ tốt nhất "BAT", phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn như đã quy định trong Luật BVMT2020. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc chất lượng môi trường sẽ được nâng lên "năm sau tốt hơn năm trước", điều mong muốn của mọi người dân trong xã hội.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 8

Cùng quan điểm, trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII cho rằng, những phát biểu của Thủ tướng tại COP26 cũng chính là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong nhiều năm qua. Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

“Phát biểu của Thủ tướng cho thấy trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới. Thời gian qua chúng ta đã dần loại bỏ nhiệt điện than, phát biểu các năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… Các chế tài xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại thiên nhiên cũng đã mạnh hơn, răn đe hơn”, ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm bày tỏ.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Việt Nam là nước luôn tiên phong trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế cũng đã có những ghi nhận, đánh giá cao đối với các hành động thiết thực mà Việt Nam đã, đang thực hiện.

“Các doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam ngày một nhiều cho thấy môi trường đầu tư của chúng ta hấp dẫn. Ngoài ra, khi đến đây, họ cũng rất ấn tượng, cam kết bảo vệ môi trường và xác định đây là môi trường đầu tư ổn định, lâu dài”, TS Trần Khắc Tâm nói.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 9
Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 10

Những cam kết mạnh mẽ Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị đã nhận được những đánh giá tích cực của dư luận quốc tế. Theo Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam - Anh, ông Paul Smith, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 có ý nghĩa tích cực. Mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Ông Smith cho rằng cam kết này hài hòa và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng. Thêm vào đó, Việt Nam là nước mới thực hiện công nghiệp hóa trong 3 thập kỉ qua, vì vậy có lợi thế khi chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp vì không phải gánh những hậu quả từ công nghiệp hóa như các nước phát triển lâu năm.

Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam - Anh cho biết, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra kế hoạch khả thi nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, nhấn mạnh đây là cam kết của một nước được dự báo sẽ trở thành 1 trong 20 nền kinh tế hàng đầu vào năm 2050. Nếu không hành động ngay thì Việt Nam có thể trở thành nước phát thải lớn khi trở thành nền kinh tế lớn vào năm 2050.

Ông Smith đánh giá cao những những giá trị quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài phát biểu, đó là “cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng” và “đoàn kết”. Ông cho rằng thông điệp mà Việt Nam kêu gọi tại COP26 là thế giới phải đoàn kết để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 11

Ông William Young, chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh, cho rằng cam kết của Việt Nam tại COP26 đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Cam kết này đồng thời chỉ ra những cơ hội phát triển kinh tế, cơ hội tạo ra những ngành công nghiệp mới và các cơ hội đầu tư khác tại Việt Nam.

Ông Young đánh giá Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đúng khi chỉ ra rằng tài chính và công nghệ mang tính quyết định để hiện thực hóa các cam kết chống biến đổi khí hậu. Các cam kết của mỗi quốc gia không chỉ được thực hiện bằng nội lực của quốc gia đó mà còn cần tới sự hỗ trợ quốc tế. Chương trình tài trợ cho Nam Phi để loại bỏ than đá là một ví dụ. Tin mới nhất là Indonesia đã có tên trong danh sách được nhận tài trợ từ chương trình này và theo ông Young, sẽ không ngạc nhiên nếu Việt Nam trở thành một phần của chương trình này.

Chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh nêu rõ phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam đã nhận rõ sự thay đổi trên trường quốc tế trong chuyển sang thực hiện các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, nghĩa là các nước khác nhau cùng làm việc không chỉ ở cấp quốc tế mà ở cấp quốc gia. Đó có thể là hợp tác giữa Anh và Việt Nam, hay giữa Đức và Nam Phi..., các nước muốn hợp tác với nhau sẽ cùng làm việc để cùng đạt được mục tiêu chung trong chống biến đổi khí hậu.

Ông Young đánh giá quá trình chuyển đổi xanh sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội hợp tác về thương mại, kinh doanh, xuất khẩu và các cơ hội khác cho các nước, trong đó có Việt Nam. Ông cho rằng để chống biến đổi khí hậu, Việt Nam cần trở nên giàu có thông qua phát triển kinh tế xanh, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có khả năng và sẽ làm được điều này bằng cách xây dựng các ngành công nghiệp mới, phát triển xuất khẩu, xây dựng năng lực chống chịu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Đây sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ đất nước trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm nước biển dâng và các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Khẳng định tại Hội nghị cấp cao về khí hậu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: Là một nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó có giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện và đang triển khai chương trình trồng một tỉ cây xanh đến năm 2025.

Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 - Ảnh 12
Ảnh đồ họa. (Nguồn: TTXVN)

Bài viết: Phạm Giang
Thiết kế: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới