Chủ nhật, 24/11/2024 04:09 (GMT+7)
Thứ tư, 20/09/2023 06:50 (GMT+7)

Đầu tư năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hàng đầu

Theo dõi KTMT trên

Theo chuyên gia, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

3 động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam phải theo hướng chuyển đổi xanh

Tại chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, diễn ra ngày 19/9, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

Theo ông Thành ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn. Sau hai năm đầu tăng trưởng bình quân 5,26% và nếu năm 2023 này GDP được tăng 5,5%, thì ngay cả khi GDP hai năm 2024-2025 tăng được 7% thì tốc độ bình quân 5 năm cũng chỉ là 6%.

Đầu tư năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hàng đầu - Ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam.

Ông Thành chỉ ra cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thông này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.

Ngược lại, việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.

Về chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nếu hoạch định theo hướng phân mảnh về thế chế sẽ khó tạo động khuyến khích thực thi tự nguyên và nếu áp đặt một cách cứng nhắc sẽ làm giảm đang kể năng lượng cạnh tranh của các nền kinh tế.

Hướng tiếp cận tốt hơn là hoạch định chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn theo hệ sinh thái dẫn dắt bởi các cụm ngành. Chính sách cần hướng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái để chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thu được lợi ích từ việc tham gia một cách chủ động vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn.

Trên phương diện hoạch định chính sách ở cấp độ Quốc hội, các cụm ngành cần được xác định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bao gồm: Các ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và bao bì (với trọng tâm chính sách là tái chế); Dịch vụ vận tải và logistics (với trọng tâm chính sách là công nghệ thông minh); Xử lý chất thải (với trọng tâm chính sách là chuyển đổi từ xử lý rác thải sáng tạo năng lượng từ rác); Kinh tế nước (với trọng tâm chính sách à định giá đúng đối với nước từ các nguồn khác nhau và việc khai thác sử dụng nước phải tuân thủ đúng mức giá đã tính đầy đủ các chi phí kinh tế - xã hội chứ không chỉ chi phí tài chính).

Ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho năng lượng tái tạo

Về đầu tư năng lượng tái tạo, ông Thành cho rằng, trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Thứ nhất về ưu tiên chính sách là củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng “thông minh” để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu. Chi phí cân bằng và ổn định lưới điện sử dụng pin lưu trữ đang giảm đi. Khác với quá trình lưu chuyển năng lượng tái tạo vốn mất nhiều thời gian, giải pháp cân bằng lưới điện dùng pin lưu trữ là xu hướng tất yếu đang được các công ty điện lực toàn cầu sử dụng ngày một phổ biến. Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và có giá cả phải chăng.

Đầu tư năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hàng đầu - Ảnh 2
Đầu tư năng lượng tái tạo cần ưu tiên hàng đầu.

Ưu tiên chính sách thứ 2 là cần xây dựng một hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Vì điện mặt trời và gió (cũng như hydro) có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt (vốn không thể trả giá thấp hơn chi phí nhiên liệu nếu không muốn bù lỗ).

Dù các nhà sản xuất điện tái tạo luôn muốn có hợp đồng bao tiêu, nhưng họ cũng sẽ hài lòng với cơ chế đấu thầu giá điện công khai, minh bạch do trung tâm điều độ độc lập quản lý. Giải pháp thay thế cho cơ chế đấu thầu là hợp đồng bao tiêu dài hạn ở một mức giá xác định với các điều khoản giống các dự án năng lượng hóa thạch.

Giải pháp này sẽ giúp các dự án năng lượng tái tạo dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như các khoản vay quốc tế có chi phí thấp và dài hạn hơn. Tuy nhiên, loại hợp đồng này sẽ tăng gánh nặng cho Nhà nước bởi khi đó rủi ro sa thải công suất điện sẽ được chuyển từ các dự án năng lượng gió và mặt trời sang đơn vị mua điện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có lộ trình phê duyệt rõ ràng đối với bất kỳ dự án điện mới nào, đặc biệt là dự án dùng nhiên liệu hóa thạch. Nếu các dự án này thường xuyên phát sinh chi phí cao hơn năng lượng gió hoặc mặt trời, thì những rủi ro này cần được nhìn nhận và đưa vào tính toán tài chính. Nó có nghĩa là công suất huy động sẽ thấp thông qua đấu thầu giá điện.

Trong những trường hợp này, theo ông Thành hợp đồng bao tiêu là không phù hợp, đặc biệt khi chi phí lưu trữ điện giảm đi. Nếu năng lượng tái tạo được đầu tư mạnh trong thập kỷ này, thì sẽ không cần phát triển thêm các dự án điện hóa thạch do nguồn điện này hiện đang dư công suất. Tuy nhiên, ngành điện cũng cần dự trù khả năng tiếp tục xảy ra hạn hán dẫn đến giảm sản lượng thủy điện. Tất cả hệ thống điện quốc gia đều cần hỗn hợp phát điện từ nhiều nguồn khác nhau.

Về xuất khẩu, ông Thành nhận định vẫn sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam. Ngay trong trung hạn, áp lực đặt lên nhiều nhà xuất khẩu là phải sử dụng năng lượng sạch, trước mắt là một yêu cầu quan trọng ở các thị trường kinh tế tiên tiến nhưng cũng sẽ xuất hiện ở các thị trường khác.

Vì vậy, việc thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành kinh tế theo hướng xuất khẩu không chỉ là khai thác các hiệp định thương mại tự do mà còn là đầu tư để có đủ năng lượng tái tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các khu kinh tế và khu công nghiệp của Việt Nam đứng trước thách thức là phải có khả năng cung cấp đủ năng lượng tái tạo theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Việc khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái ngay trong khu công nghiệp để cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp tại đó cần phải được thể chế hóa một cách rõ ràng.

Đối với đầu tư các cơ sở hạ tầng khác theo hướng chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, ngoài đầu tư năng lượng tái tạo, thì các cơ sở hạ tầng kinh tế khác cũng cần được khuyến khích đầu tư theo hướng chuyển đổi xanh, hay cụ thể hơn là theo hướng trung tính về carbon. Các cơ sở hạ tầng hiện tại cũng cần được khuyến khích triển khai các biện pháp phi carbon hóa.

Trong những cơ sở hạ tầng kinh tế cảng biển là quan trọng nhất. Đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam, cảng biển đóng vai trò quan trọng. Các cảng biển hiện hữu, đặc biệt là các cảng đóng vai trò cửa ngõ quốc tế (Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu) phải duy trì lợi thế cạnh tranh.

Nhà nước (đặc biệt là Nhà nước ở cấp địa phương) cũng muốn phát triển nhiều cảng biển mới. Cảng biển, cả hiện hữu và quy hoạch mới, thường được phát triển trong các khu kinh tế, khu công nghiệp với sự tập trung của nhiều hoạt động kinh tế thâm dụng năng lượng như nhà máy điện, thép và hóa chất. Do đó, phát thải CO2 từ các khu vực cảng biển thường chiếm một tỷ trọng đáng kể.

Trọng tâm tạo chuyển đổi xanh về cơ sở hạ tầng tiếp theo là các cơ sở hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Chuyển đổi xanh đã được xác định là một nội hàm của mô hình đô thị thông minh. Quốc hội cần tiếp tục tạo cơ chế đặc thù, nhưng là theo hướng “sandbox” về đổi mới công nghệ để các chính quyền địa phương có thể chủ động xây dựng thành phố mình thành đô thị thông minh – bền vững với sự tham gia chủ động của người dân và doanh nghiệp.

H. An

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hàng đầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới