Chủ nhật, 24/11/2024 05:29 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/11/2020 10:40 (GMT+7)

Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm qua, việc thuỷ điện vừa và nhỏ phát triển ồ ạt, tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá huỷ môi trường, mất rừng và xảy ra lũ lụt.

Dù mang lại những lợi ích kinh tế nhất định, nhưng các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam đang được đánh giá xem xét và hạn chế để giảm thiểu những nguy hại nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống con người.

Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững? - Ảnh 1
Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững? - Ảnh 2

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, thủy điện có thể phân loại theo công suất như sau: Thủy điện lớn (từ 200 MW trở lên), thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) và thủy điện vừa có công suất trong khoảng 30 – 200 MW.

Trong những năm qua, thực tế ở Việt Nam đã cho thấy rằng, thuỷ điện vừa và nhỏ giữ vai trò đáng kể trong nguồn điện nói chung và nguồn thuỷ điện nói riêng.

Do vị trí địa lý của Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều, nước ta có nguồn tài nguyên thủy năng tương đối lớn. Trong đó, trữ năng kinh tế ước đạt 80 - 100 tỉ kWh/năm. Riêng tổng công suất thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước khoảng trên 4.500 MW, hàng năm đóng góp trên 5 tỉ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng góp phần xây dựng đất nước, là nguồn năng lượng xanh, sạch.

Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững? - Ảnh 3

Ngoài ra, theo PGS. Lưu Đức Hải thủy điện còn có chức năng điều hòa dòng chảy, điều hòa chế độ thủy văn trên các dòng sông, chẳng hạn như Hà Nội gần như hết lũ lụt kể từ khi có thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, những công trình thủy điện lớn thì cần đầu tư rất nhiều diện tích đất, vì cần lòng hồ để chứa dung tích phòng lũ, có thể chiếm 10-15% dung tích hồ chứa.

Thủy điện loại vừa cũng có những chức năng phòng lũ nhưng không nhiều. Đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung thì chức năng, khả năng phòng lũ của những thủy điện loại này là rất kém. Xét về mặt địa hình, hầu hết lưu vực sông miền Trung đều nông, nhỏ nên lòng sông rất dốc. Khi xây dựng, dung tích nước lòng sông được tận dụng hết mức bằng cách xây đập ngăn sát ngay với bề mặt nên hầu như thủy điện vừa không còn dung tích để phòng lũ. Thêm vào đó, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung thường bỏ qua khâu quan trọng là không có cửa xả đáy nên dung tích ngày càng bé lại – Phó Chủ tịch Lưu Đức Hải giải thích.

Các chuyên gia đã cảnh báo rất nhiều vấn đề môi trường đối với thủy điện, trong đó phải kể đến ảnh hưởng từ các dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Theo PGS. Lưu Đức Hải, trước hết, việc xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ gây mất đất làm hồ chứa, kèm theo đó là đánh mất tài nguyên rừng bởi hầu hết thủy điện nằm ở miền núi cao – nơi có rất nhiều tài nguyên rừng tự nhiên quý giá. Chính phủ đã có quy định các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác phải có trách nhiệm trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế, nhưng rừng trồng lại không có giá trị đáng kể về mặt đa dạng sinh học, hầu như không thể so sánh với giá trị của rừng tự nhiên.

Thủy điện lớn và vừa hình thành cũng sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn ở các dòng sông, độ sâu của mực nước tăng lên, dẫn đến khối nước bị phân tầng, đặc biệt, chế độ thủy văn dưới hạ lưu – vấn đề chưa được nhà đầu tư quan tâm nhiều khi đánh giá tác động môi trường của thủy điện.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra quy định để kiểm soát bằng các dòng chảy môi trường, nghĩa là yêu cầu các nhà máy thủy điện mở nước qua đập xuống hạ lưu bằng dòng chảy thấp nhất kể cả trong mùa cạn, nhưng hầu như có rất ít đơn vị nghiêm túc thực hiện. Về mùa mưa, dung tích chứa của thủy điện miền Trung nhỏ nên thủy điện phải xả nước ra, lúc này dưới hạ lưu đang bị lụt thì thành ra lũ chồng lũ” – PGS.Lưu Đức Hải cảnh báo.

Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững? - Ảnh 4
Sau cơn bão số 9, Trung Bộ mưa lớn, một số thủy điện đã phải xả lũ. (Ảnh: Vnexpress)

Tuy nhiên, nếu cho rằng thủy điện là nguyên nhân chính gây ra đỉnh lũ lịch sử vừa qua tại miền Trung thì chưa chính xác. Đây là hậu quả tổng hòa của nhiều yếu tố như: Elnino – Ladina, gia tăng tác động của biến đổi khí hậu, PGS. Lưu Đức Hải chỉ rõ, thủy điện chỉ là một trong những nguyên nhân góp phần làm lũ ngày càng trầm trọng hơn. 

Ngoài ra, thủy điện có thể làm thay đổi môi trường sống, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các sinh vật trên các dòng sông; làm lắng phù sa lòng hồ, dẫn đến cát, trầm tích dưới hạ lưu bị thiếu. Chẳng hạn như gần đây, khu đô thị mới ven biển Cửa Đại  - TP Hội An bị xói lở nhiều vì thiếu trầm tích (theo một chuyên gia nước ngoài là do hồ thủy điện ở thượng nguồn giữ lại trầm tích) – Phó Chủ tịch Lưu Đức Hải nêu quan điểm.

Như vậy, tác động của thủy điện vừa và nhỏ có nhiều khía cạnh. PGS Lưu Đức Hải đánh giá, do quản lý thủy điện ở Việt Nam chưa tốt, Nhà nước hiện nay đang ưu đãi quá nhiều đối với các dự án thủy điện như: Chưa tính đầy đủ các chi phí môi trường, chi phí tài nguyên vào giá trị công trình, nên giá điện sản xuất từ thủy điện dường như “rẻ” hơn bình thường.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, chỉ những công trình thủy điện siêu nhỏ, được xây dựng trên các sông suối nhỏ ở vùng núi, chỉ có các đập chắn nhỏ, không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng, tức là thân thiện với môi trường thì mới được xem là sản sinh ra năng lượng sạch.

Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững? - Ảnh 5

Không thể phủ định những tác động tích cực của thủy điện vừa và nhỏ, nhưng cần những giải pháp giúp phát triển thủy điện vừa và nhỏ thực sự là nguồn “năng lượng sạch” như đánh giá của thế giới.

Theo PGS. Lưu Đức Hải, nên ủng hộ phát triển hợp lý các thủy điện “siêu nhỏ”, công suất từ 1 – 2 kW. Hầu hết những nhà máy thủy điện này được lắp đặt ở vùng núi, dân cư thưa thớt, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng về điện của bà con. Thủy điện này sẽ tận dụng được nguồn nước, hầu như không gây ra tác động môi trường vì không gây mất rừng, chỉ cần tận dụng một đập nhỏ, đáp ứng yêu cầu dân cư địa phương.

Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững? - Ảnh 6
Hình ảnh thủy điện Rào Trăng 3 trên thượng nguồn sông Bồ nhìn từ máy bay trực thăng quân sự Mi-171, triền đồi cạnh nhà máy bị đốn cây và đốt rụi. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Hiện nay, chỉ tính riêng quy hoạch, thủy điện nhỏ đóng góp hơn 26% nguồn thủy điện của Việt Nam. Như vậy, thủy điện nhỏ vẫn có vai trò nhất định trong bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt cho những vùng sâu vùng xa miền núi chưa có lưới điện quốc gia.

Còn đối với thủy điện công suất từ vài chục đến vài trăm MW thì cần tính toán chi phí bao gồm cả phí tài nguyên môi trường (đất đai, thuế sử dụng đất, mất rừng…) để đưa vào giá thành sản xuất điện, thay vì những chế độ bao cấp hiện có cho các nhà đầu tư. Khi đó, để phát triển được các dự án thủy điện này, cần “sòng phẳng” các loại chi phí trên, nhà đầu tư cần thực hiện đúng đánh giá tác động môi trường, như duy trì dòng chảy môi trường về mùa cạn, kế hoạch xả lũ như thế nào, phối hợp với địa phương để quản lý tốt nhà máy thủy điện…- Chuyên gia môi trường Lưu Đức Hải đưa nhận định.

Nói về việc bổ sung quy hoạch thủy điện là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Việt Nam có thuận lợi về thủy điện, với giá thành thấp nhất. Tuy nhiên, hiện nay các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết. Các dự án thủy  điện nhỏ, có chi phí, giá thành cao đang được từng bước đầu tư và khai thác.

Nghị quyết 55/ NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về Định hướng Chiến lược quốc gia về năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 bên cạnh yếu cầu xóa bỏ mọi sự bao cấp, trợ giá về năng lượng; cũng nêu: “Đối với thủy điện, huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có và phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng”.

Một số giải pháp khác để phát triển thủy điện bền vững được các chuyên gia môi trường đưa ra, đó là làm nhà máy thủy điện theo kiểu thủy điện không hồ chứa hoặc theo nguyên lý “run-of-the-river” (nguyên lý đập tràn) tại vùng cao và trung du nước ta với lợi thế thay đổi dòng chảy không lớn, diện tích rừng nhỏ…  Hiện nay, trên thế giới có nhiều phát minh sáng kiến làm các trạm thủy điện không đập nước, thủy điện thủy triều... Các tiến bộ khoa học có thể áp dụng ở nước ta, cần được khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội khoá XIII, hơn 400 dự án hồ thủy điện nhỏ đã được cắt giảm. Thời gian sắp tới, Bộ trưởng cho rằng cần hết sức thận trọng khi xây dựng các thủy điện nhỏ và khi phát triển thủy điện thì phải rất chú ý đến giải pháp công nghệ, tránh xây dựng các đập dâng, mà tận dụng năng lượng thế năng tự nhiên của nước. Chi phí đầu tư sẽ tăng, nhưng đảm bảo phát triển bền vững.

Song Anh

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ: Giải pháp nào để phát triển bền vững?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới