"Đây là thời điểm khốc liệt chưa từng có trong lịch sử của doanh nghiệp vận tải"
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội, đây là thời điểm khốc liệt nhất chưa từng có trong lịch sử ngành doanh nghiệp vận tải. Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do giá xăng phi mã.
Những ngày qua, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng giá và đạt đỉnh mới. Nguyên nhân chính khiến giá dầu liên tục tăng giá được cho là xuất phát từ căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, mùa đông khắc nghiệt tại nước Mỹ càng khiến việc khai thác dầu của các công ty nước này không thể diễn ra thuận lợi khiến giá năng lượng càng bị đẩy lên cao.
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu thế giới liên tục tăng và ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có trao đổi với ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội.
Theo ông Bằng, vận tải giao thông đường bộ và khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ là hai ngành sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mỗi khi giá năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng tăng giá.
“Hiện nay giá xăng dầu chiếm đến 45 -50% doanh thu của doanh nghiệp vận tải. Việc giá xăng dầu lên ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải. Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải đã khó khăn lại muôn vàn khó khăn. Việc giá xăng tăng liên tục như những ngày qua, khiến doanh nghiệp không thể nào cầm cự được nữa”, ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, đây là thời điểm khốc liệt nhất đối với doanh nghiệp vận tải. Bởi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải khách mới được hoạt động trở lại tuy nhiên lượng khách vẫn ở mức thấp do e ngại dịch bệnh. Các nhà xe mới chỉ “nhoi” lên được sau đợt cao điểm vận tải hành khách trước trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Để ứng phó với những khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, theo ông Bằng, các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tiết kiệm chi phí tối đa có thể. Đối với các xe khách chạy đường dài, bộ phận vận hành buộc phải tính toán tiết kiệm tối đa các chi phí phát sinh trong chuyến đi. Đối với những chuyến đi do lượng khách quá ít, không đủ chi phí cho chuyến đi nếu cần thiết doanh nghiệp có thể hủy bỏ chuyến đi, ghép chuyến để cắt lỗ.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã có đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ Công Thương xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu nhất là các loại thuế phí như thuế môi trường để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu giúp doanh nghiệp vận tải và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa sử dụng nhiều nguyên liệu xăng dầu ổn định sản xuất, vượt qua thời điểm khó khăn này.
Vị này nói thêm, các cơ quan chức năng cũng cần tính toán xem xét xem việc tiếp tục thu thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong thời điểm này có phù hợp hay không. Bởi gián xăng dầu tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vận tải đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Ông Bằng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo liên Bộ Tài chính, Công Thương sớm tìm ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn như hiện nay.
Hà Nam