Chủ nhật, 24/11/2024 10:25 (GMT+7)
Thứ ba, 06/06/2023 10:53 (GMT+7)

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Vì sao những góp ý về SGK không được Bộ GD&ĐT trả lời?

Theo dõi KTMT trên

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi, vì sao hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các Nhà xuất bản và Bộ GD&ĐT trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế?

Sáng 6/6, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP.Đà Nẵng) đã có văn bản phản hồi về Công văn số 2706 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về ý kiến phát biểu của bà liên quan đến lĩnh vực giáo dục tại phiên họp thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

ĐBQH Kim Thúy nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề này luôn được các cử tri và ĐBQH quan tâm. “Từ trước đến nay, tôi luôn tâm niệm, ĐBQH không chỉ khơi ra vấn đề mà còn có trách nhiệm theo dõi, kiến nghị và đôn đốc để thực hiện cho được những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đáp ứng yêu cầu của công việc và nguyện vọng chính đáng của cử tri”, bà Thúy thẳng thắn.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Vì sao những góp ý về SGK không được Bộ GD&ĐT trả lời? - Ảnh 1
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP.Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Hội.

Giải đáp chưa thỏa đáng

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định, một số vấn đề mà bà chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng chưa được giải đáp thoả đáng.

Cụ thể, bà Thúy đề cập đến trách nhiệm của Bộ đối với những sai phạm phải xử lý hình sự ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN). Theo bà, Công văn số 2706 của Bộ GD&ĐT dành tới 18 dòng để giải trình nhưng tuyệt nhiên không có câu nào cho biết cơ quan chủ quản có trách nhiệm như thế nào trong việc “Bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát”.

Về vấn đề sai sót trong một số quyển SGK và khả năng thiếu SGK trong năm học sắp tới, ĐBQH Kim Thúy cho rằng: “Thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay, hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các Nhà xuất bản và Bộ GD&ĐT trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế”.

Liên quan đến số lượng sách các lớp 4, 8, 11 đã in, Công văn số 2076 của Bộ GD&ĐT cho rằng thông tin mà Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đưa ra ngày 1/6/2023 không có trong văn bản chuẩn bị cho cuộc họp cũng như trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 10/5/2023.

Tuy nhiên, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ tường thuật như sau: “Tính đến ngày 30/4/2023, tỉ lệ in sách của theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đạt 81%; lớp 4, 8, 11 đạt 79%”. Tới nay, Bộ GD&ĐT khẳng định đó chỉ là dự kiến kế hoạch và “Dự kiến việc in sách giáo khoa sẽ hoàn tất trước ngày 30/6/2023”. Tuy nhiên, ĐBQH Kim Thúy cho rằng Công văn của Bộ GD&ĐT cũng như thư trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi bà đều không nêu căn cứ để ĐBQH và cử tri yên tâm về lời khẳng định này.

Vị này dẫn chứng, Thông báo số 612 ngày 12/4/2023 về kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với NXBGDVN có đoạn: “Cân nhắc thời điểm đăng tải sách giáo khoa PDF trong trường hợp sách giấy chậm tiến độ, công bố rộng rãi để xã hội biết và đảm bảo người dùng dễ tiếp cận và dễ sử dụng”. Bên cạnh đó, trước cuộc họp báo cáo Phó Thủ tướng 5 ngày, tức là ngày 5/5/2023, NXBGDVN mới có công văn mời thầu in SGK các lớp 4, 8, 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ; ngày mở thầu là 21/5/2023. Nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu thì việc kịp in sách trước năm học mới còn khó, chứ không nói là in kịp trước ngày 30/6/2023.

Cần sửa đổi Thông tư hướng dẫn chọn SGK

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích về Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn lựa chọn SGK theo quy định của Luật Giáo dục, trong ý kiến phát biểu ngày 1/6/2023, bà đã nêu bất cập của Thông tư này, Cụ thể là trao quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không hề có quy định là khi một quyển SGK được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm lựa chọn quyển sách ấy”.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Vì sao những góp ý về SGK không được Bộ GD&ĐT trả lời? - Ảnh 2
Cử tri đề nghị làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn SGK hiện nay. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Trong Công văn số 2706, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nêu một số việc làm của Bộ như gửi công văn nhắc nhở các địa phương thực hiện nghiêm túc Thông tư số 25 và cử 08 Đoàn thanh tra về một số địa phương. Tuy nhiên, vị ĐBQH đoàn TP.Đà Nẵng cho rằng Công văn vẫn chưa giải thích tính hợp lý của quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Thông tư nói trên: “Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học”.

Điều này dẫn đến hệ quả rất lớn. Theo một số ý kiến của công luận, hiện nay, do có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành SGK nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; cạnh tranh về tỉ lệ chiết khấu phát hành; vận động không lành mạnh một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua SGK... Điều này lẽ ra Bộ GDĐT cần lường trước vì không hề khó đoán.

“Quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho HĐ lựa chọn SGK đã tạo điều kiện cho thành viên HĐ chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế  bỏ phiếu kín. Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh. Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 nhằm thực hiện lợi ích nhóm tiêu cực và ngăn chặn tình trạng đi ngược lại chủ trương “Một chương trình - nhiều SGK”, ĐBQH Kim Thúy phản hồi Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần bổ sung vào Thông tư 25 các quy định về yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK; cách xử lý ý kiến khác nhau giữa đề xuất của cơ sở GDPT và hội đồng lựa chọn SGK địa phương.

Ngoài các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, Đại biểu Kim Thúy còn tỏ ra băn khoăn về chi phí của Công ty Phương Nam thuộc NXBGDVN để “phát triển thị trường và tập huấn”, Công văn số 2706 giải thích: Chi phí phát triển thị trường của công ty này “năm 2020 là 29,7 tỉ đồng”, “năm 2021 là 24, 2 tỉ đồng”. Tuy nhiên, tại bản Thuyết minh Báo cáo tài chính của Công ty Phương Nam khẳng định: Trong 9 tháng đầu năm 2020, công ty đã chi 42.065.529.829 đồng, và 9 tháng đầu năm 2021, công ty đã chi 53.799.841.027 đồng để “phát triển thị trường và tập huấn”. Như vậy, có thể hiểu là Công ty Phương Nam đã báo cáo sai hoặc chính Công ty không nắm chắc chi phí của mình bằng Bộ GD&ĐT?

Anh Minh

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Vì sao những góp ý về SGK không được Bộ GD&ĐT trả lời?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới