ĐBSCL: Tập trung quy hoạch, đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tài nguyên nước
Trước những tác động của BĐKH, nhiều tỉnh thành tại khu vực ĐBSCL luôn chú trọng trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước nhằm đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, tình hình địa lý của ĐBSCL cho thấy khu vực này rất dễ bị tổn thương trước các tác động của BĐKH, bao gồm mực nước biển dâng, lũ lụt trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô.
Cụ thể, trong những năm gần đây, mùa khô hàng năm nhiều tỉnh thành tại khu vực ĐBSCL luôn phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài tác động trực tiếp, gây thiệt hại nặng nề đối với tình hình sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, cộng thêm yếu tố gia tăng dân số, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã làm cho chất lượng nguồn nước ở vùng ĐBSCL ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng.
Để quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước trước thách thức từ BĐKH, phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp,… thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn nước và tập trung hoàn thiện các chính sách pháp lý để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước phát huy hiệu quả.
Điển hình, tại TP. Cần Thơ công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường nước luôn được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Cần Thơ tăng cường thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quan trắc môi trường được thực hiện định kỳ theo kế hoạch, thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc môi trường nước, xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố.
Cần Thơ cũng chú trọng, tập trung thực hiện kế hoạch lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo Nghị định số 43/2015/NÐ-CP ngày 6-5-2015 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện Dự án “Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP. Cần Thơ”; tăng cường thực hiện kế hoạch phối hợp tuyên truyền bảo vệ môi trường với các tổ chức chính trị, xã hội của thành phố; tập trung thực hiện công tác hậu kiểm việc thực hiện quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: "Nhằm bảo vệ nguồn nước, công tác cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố được quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Trường hợp, nơi nào đã có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp,... thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước để phù hợp với tình hình của địa phương nhằm bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoàn cảnh BĐKH".
Tại Kiên Giang, nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước, ngành chức năng tỉnh này đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đáng chú ý Sở TN&MT tỉnh này đã thông qua hội đồng thẩm định dự án thực hiện trám lấp giếng khai thác nước dưới đất không sử dụng trên các địa bàn: TP. Rạch Giá, Gò Quao, Giềng Riềng, Hòn đất nhằm đánh giá và từng bước thực hiện trám lấp hết các giếng không sử dụng. Phương án này cũng được tích hợp vào cơ sở thông tin dữ liệu tài nguyên nước để thực thi hiệu quả sự quán lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác nguồn tài nguyên nước. Qua đó, ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ nước thải theo miệng giếng xâm nhập và các tầng chứa nước gây ô nhiễm các tầng nước ngầm.
Còn tại An Giang, là vùng đầu nguồn của sông Mekong chảy vào Việt Nam, nên việc chú trọng bảo vệ tài nguyên nước cũng được địa phương này rất quan tâm. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Tô Hoàng Môn cho biết, để hạn chế các tác động của BĐKH , tỉnh An Giang đã xây dựng nhiều đề án, dự án, kế hoạch thực hiện các giải pháp thích ứng BĐKH toàn cầu. Trong đó, chú trọng thực hiện công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trao đổi kinh nghiệm quản lý đến các cơ quan chuyên môn các cấp. Chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn vốn FDI về quản lý tài nguyên nước thích ứng với BĐKH, nhất là quản lý nước xuyên biên giới, quản lý liên kết vùng và cảnh báo sớm về khí tượng thủy văn, môi trường, chất lượng nước.
Nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, theo tiến độ sẽ hoàn thành phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm về tài nguyên nước để sớm đưa vào vận hành.
Dự kiến đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ triển khai thi công xây dựng Dự án hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, huyện Ba Tri; phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín và hoàn thành hệ thống dẫn nước ngọt từ tỉnh Tiền Giang để kết nối các mạng cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống người dân.
Nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại ĐBSCL, giữa tháng 5/2022 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo "Ðịnh hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước ÐBSCL".
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan Trung ương cần sớm triển khai dự án Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh để đảm bảo thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long.
Việc ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động và giải pháp cụ thể về quản lý tài nguyên nước theo hướng hợp tác liên vùng, xuyên biên giới; phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển tài nguyên nước; xây dựng bộ chỉ số tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương…
Bên cạnh đó, trước mắt ĐBSCL cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch dài hạn cho các vấn đề liên quan đến tài nguyền nước. Trong đó, chú trọng việc đảm bảo an ninh nguồn nước; quy hoạch sử dụng đất hợp lý, chủ động thích ứng với thay đổi xâm nhập mặn, giảm phụ thuộc vào nước ngọt, kết hợp kiểm soát ngập. Bên cạnh đó, quy hoạch chỉnh trị bảo vệ bờ sông, ven biển, bảo vệ giảm thiểu về sạt lở bờ sông và tăng cường hệ sinh thái ngập mặn ven biển.
Thanh Tùng