Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ năm, 09/12/2021 14:36 (GMT+7)

ĐBSCL: Tìm giải pháp xử lý sản phẩm nhựa tại các khu di tích

Theo dõi KTMT trên

Trường Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Chưa giải quyết được vấn đề rác thải nhựa

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo diễn ra ngày 8/12, TS Mai Hà Phương, Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chia sẻ, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đang là vấn đề mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và các hoạt động kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực.

Ở Việt Nam, sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các di tích và lễ hội trên khắp cả nước.

Trong những năm gần đây, du lịch ở vùng ĐBSCL đã và đang phát triển khá nhanh, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với các di tích và lễ hội, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa trên địa bàn. Thực tiễn cho thấy, hoạt động tiêu dùng du lịch là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng ô nhiễm nhựa tại hầu hết các điểm di tích và lễ hội ở nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

ĐBSCL: Tìm giải pháp xử lý sản phẩm nhựa tại các khu di tích - Ảnh 1
Quang cảnh buổi hội thảo diễn ra tại Đại học Văn hóa TP.HCM.

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho biết, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc. Hưởng ứng phong trào này, các cơ quan, tổ chức quản lý khu vực ĐBSCL đã thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chống chất thải nhựa bằng nhiều hình thức, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền vận động giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa ở các điểm du lịch, khu di tích và lễ hội cũng được các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa sử dụng một lần ở các khu di tích sau khi các lễ hội diễn ra vẫn đang là một thực tế cần quan tâm. Các hoạt động tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL chưa thật sự mạnh mẽ và thu hút…

Giải pháp giảm thiểu rác thải ra môi trường

Theo các đại biểu, thực tế cho thấy trong quá trình tham gia lễ hội tại chùa hay các điểm tổ chức lễ hội, người dân đã để lại cho địa phương nhiều hệ lụy về môi trường, đặc biệt là cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Sự thiếu ý thức của người dân đã biến nơi diễn ra lễ hội thành “đống rác” khổng lồ với nhiều chủng loại và đặt biệt là các sản phẩm dùng một lần để gói, đựng thức ăn, nước uống… điều này gây mất vệ sinh, mất mỹ quan và tạo ra bầu không khí bị ô nhiễm cho địa phương mà phải qua một thời gian dài sau đó mới có thể khôi phục lại hiện trạng vốn có.

Cho đến nay, chưa có một số liệu thống kê nào về lượng rác thải nhựa tại các di tích, lễ hội hay điểm/khu du lịch cụ thể. Tại một số khu vực tổ chức lễ hội, sau khi kết thúc lễ hội thường để lại lượng rác thải nhựa sử dụng một lần rất lớn. Mặc dù chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực hạn chế hành động xả thải bừa bãi; ban hành các quyết định, chỉ thị và kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn này…

ĐBSCL: Tìm giải pháp xử lý sản phẩm nhựa tại các khu di tích - Ảnh 2
Thu gom rác tại khu vực ĐBSCL.

Để giải quyết cho tình trạng trên, tai hội thảo, các chuyên gia đã đề ra nội dung trọng tâm mà địa phương cần hướng đến như: Nhìn nhận thực tế và đưa ra giải pháp nhằm hạn việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL; Yêu cầu các cơ quan chức năng, đội ngũ quản lý tại các khu du lịch tăng cường giám sát các hoạt động sử dụng rác thải nhựa; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL.

Theo các chuyên gia, cần thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền đối với tất cả đối tượng có liên quan đến các di tích, khu vực diễn ra lễ hội bằng nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất để xử lý rác thải cần được đầu tư và có thể sử dụng thuận lợi cho tất cả mọi người; cCn chủ động yêu cầu và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Nghiên cứu của Th.S Phan Đình Dũng và Th.S Lương Như Ý, Khoa Kiến thức cơ bản, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã đưa ra nhận định, việc bảo vệ môi trường tự nhiên ở ĐBSCL nói chung, giảm thiểu ô nhiễm rác thải từ sản phẩm nhựa nói riêng tại các khu di tích, du lịch, địa điểm diễn ra lễ hội là việc làm cấp thiết, có ý nghĩa trong đời sống con người, bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên và hướng đến tương lai là nguồn tài nguyên trong chiến lược phát triển du lịch xanh. Các địa phương, các cơ quan chức năng, các cơ sở liên quan trong quản lý, điều hành đều có những quan tâm cụ thể.

Tuy nhiên, để đạt được được hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và người dân, từ những hình thức đa dạng phù hợp với đặc điểm tại chỗ cũng như các đánh giá cụ thể và tuyên truyền cho tất cả thành phần trong xã hội, cho du khách và được duy trì thường xuyên để trở thành tập quán trong đời sống, sinh hoạt.

Bên cạnh đó, việc huy động từ các nguồn lực xã hội với sự trân trọng, tạo những điều kiện hỗ trợ, ưu đãi trong phát huy sáng kiến sáng tạo sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ đưa đến những thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường trước tình trạng ô nhiễm đáng báo động hiện nay ở ĐBSCL.

Huỳnh Mai (t/h)

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Tìm giải pháp xử lý sản phẩm nhựa tại các khu di tích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới