Chủ nhật, 24/11/2024 07:47 (GMT+7)
Thứ ba, 05/07/2022 10:42 (GMT+7)

Để du lịch từng bước phục hồi và ‘bứt phá’

Theo dõi KTMT trên

Du lịch là một trong ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch bền vững là một trong những nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia trong phát triển dịch vụ.

3 đại diện lọt Top 10 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á

Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel & Leisure vừa công bố kết quả Giải thưởng du lịch Asia's Best Awards 2022 nhằm đưa ra các gợi ý du lịch về các điểm đến, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng... trong khu vực châu Á.

Kết quả danh sách điểm đến được đưa ra dựa trên bình chọn của độc giả khắp nơi trên thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. 

Ở hạng mục 10 thành phố tốt nhất Đông Nam Á (Best Citites In Southeast Asia), có đến 3 thành phố của Việt Nam gồm Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM góp mặt. Trong đó, Đà Nẵng xếp vị trí thứ 3, Hà Nội xếp thứ 5, TP.HCM vị trí số 8.

Cùng với Việt Nam, Thái Lan có 2 đại diện là Bangkok và Chiang Mai. Thủ đô Bangkok được bình chọn là thành phố tốt nhất Đông Nam Á năm nay. Theo tạp chí Travel & Leisure, đây là một trong những thành phố được các du khách ghé thăm nhiều nhất trên thế giới. Cây bút cho rằng đô thị này đang phát triển đúng với những gì trước thời điểm Covid-19 xuất hiện, những nụ cười ấm áp, món ăn đường phố cay nồng hay xe tuk-tuk đã quay trở lại nơi đây. 

Một số thành phố khác của Đông Nam Á cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng, gồm: Singapore - vị trí thứ 2, Kuala Lumpur (Malaysia) - vị trí thứ 4, Chiang Mai (Thái Lan) - vị trí thứ 5, Hồng Kông (Trung Quốc) - vị trí thứ 7, Phnom Penh (Campuchia) - vị trí thứ 9, Jakarta (Indonesia) - vị trí thứ 10. 

Để du lịch từng bước phục hồi và ‘bứt phá’ - Ảnh 1
3 thành phố của Việt Nam (Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM) góp mặt trong hạng mục 10 thành phố tốt nhất Đông Nam Á (Best Citites In Southeast Asia).

Ngoài ra, trong khuôn khổ giải thưởng Asia’s Best Awards còn vinh danh Côn Đảo và Phú Quốc trong top 10 hòn đảo hàng đầu Đông Nam Á (Best islands in Southeast Asia). Trong đó, Phú Quốc đứng thứ tư và Côn Đảo xếp hạng mười.

Bên cạnh đó, giải thưởng cũng bình chọn riêng những thương hiệu du lịch nổi bật ở mỗi quốc gia như tốp 10 nhà hàng, khách sạn, quán bar, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Theo nhận xét trên Travel & Leisure: "Việt Nam ngày càng phát triển. Ai có thể nghĩ rằng đất nước này có thể mở rộng cửa đón khách du lịch như hiện nay sau Covid-19. Du khách quốc tế nhập cảnh hiện giờ không cần kiểm dịch, không cần xét nghiệm hay cách ly. Hãy nghĩ đến món phở và cà phê sữa đá ở nơi này trong lúc xem các giải thưởng được công bố".

Được biết, Giải thưởng Asia’s Best Awards 2022 do tạp chí Travel & Leisure phiên bản Đông Nam Á giới thiệu lần đầu tiên với công chúng vào tháng 3/2022. Các hạng mục của giải thưởng rất đa dạng, từ ngành du lịch, khách sạn, truyền thông và ngành dịch vụ thực phẩm (F&B). Danh sách này được dựa trên bình chọn của độc giả khắp thế giới trong tháng 1-4 năm nay.

Mục tiêu đón 65 triệu khách du lịch có khả thi?

Du lịch hè đang hút lượng khách lớn trên toàn quốc. Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Du lịch, tháng 6 khách nội địa đạt 12,2 triệu lượt, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát. Tổng lượng khách nội địa 6 tháng đầu năm là 60,8 triệu, đạt gần 94% mục tiêu cả năm. 

Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch nội địa chứng kiến sự bùng nổ, thể hiện bởi lượng du khách tăng trưởng mạnh qua các tháng. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong tháng 5 và tháng 6/2022 lượng khách nội địa lần lượt đạt 12 triệu và 12,2 triệu lượt. Đây là lượng khách nội địa trong một tháng cao nhất tại Việt Nam những năm gần đây.

Kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa, các "thủ phủ" du lịch từ Bắc đến Nam như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Phú Quốc… đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng về lượng khách. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều điểm đến trên cả nước có sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch.

Trong đó, du lịch Hà Nội đã “bứt tốc” mạnh mẽ, đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, cũng tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm, tỉnh ước tính đón 5,5 triệu lượt khách, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu du lịch ước đạt 12.129 tỷ đồng, tăng 131,03% so với cùng kỳ, đạt 147,55% kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, địa phương đã đăng cai tổ chức chu đáo, thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31, lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh an toàn, ngày càng giàu đẹp-văn minh-hiện đại tới bạn bè quốc tế.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang ước đón 3,5 triệu lượt khách, tăng 51,2% so với cùng kỳ. Riêng khách đến thành phố Phú Quốc ước gần 2,4 triệu lượt, doanh thu ước đạt 2.840 tỷ đồng.

Còn tại Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách ước đạt 1,3 triệu lượt, tăng 33,7% so với cùng kỳ; đồng thời, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Du lịch từng bước phục hồi với việc du khách quốc tế đến Việt Nam được ghi nhận đang trên đà tăng mạnh trở lại. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 5, Việt Nam đón 172.900 lượt khách quốc tế, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cũng cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50 - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Nguồn khách quay lại ấn tượng hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp ngành du lịch phục hồi sau đại dịch. Mặc dù giá xăng dầu có ảnh hưởng tăng giá dịch vụ nhưng nhu cầu bật mạnh nên khách vẫn hấp thụ được trong mùa cao điểm. Xu hướng mới của năm nay là du khách chọn các tour tự túc, ít thông qua các đơn vị trung gian như công ty lữ hành, nhưng doanh thu từ các đơn vị cung ứng trực tiếp tăng rất rõ.

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu chung trên cả nước đón 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi Nhà nước nên có chính sách cởi mở, thông thoáng trong việc cấp Visa và có thêm phương án hỗ trợ doanh nghiệp. 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng thông tin, hiện thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách du lịch quốc tế nhất là khách Nga gặp khó khăn do thời gian chờ đợi quá lâu, du khách không chủ động được thời gian khiến họ buộc phải hủy vé tới Việt Nam.

“Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam bớt hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển khu vực Đông Nam Á” - ông Cao Trí Dũng nói.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cho rằng, để thu hút khách quốc tế, cần có chính sách visa đột phá để phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. 

“Chúng ta coi trọng kinh tế du lịch, khách du lịch nên trong tương lai cần miễn đơn phương tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam. Chính sách visa là đầu tiên và cụ thể nhất của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nếu Việt Nam muốn thành quốc gia du lịch”, ông Hà bày tỏ.

Đồng thời ông Phạm Hà cũng nhấn mạnh, bên cạnh các vấn đề thể chế chính sách mở cửa hút khách, hoàn thuế VAT cho khách du lịch, Việt Nam cũng cần chú trọng tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng sản phẩm, phát triển những sản phẩm đặc trưng như ngủ đêm trên du thuyền vịnh Hạ Long, du ngoạn sông Hồng, sông Mekong. Đặc biệt, cần tránh phụ thuộc vào nguồn khách như trước kia. Trong đó, chú trọng nhân lực du lịch có chất lượng và xúc tiến hiệu quả.

Theo các nhà quản lý, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của  từ Nhà nước, còn đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch.

Theo dự báo từ Công ty du lịch Vietravel, tháng 7 mới thực sự là cao điểm nghỉ hè. "Tháng 7 thường là thời gian cao điểm nhất, đặc biệt đối với khách gia đình. Nhiều nhà đã đặt dịch vụ sớm nhưng đến tháng 7 mới lên đường do đợi con cái hoàn thành các kỳ thi. Thậm chí tới tháng 8, các hoạt động du lịch hè vẫn sôi động", ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Công ty du lịch Vietravel - chi nhánh Hà Nội, cho hay.

Theo đại diện truyền thông Tập đoàn Vingroup, hệ thống khách sạn - khu nghỉ dưỡng Melia-Vinpearl tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Nam Hội An... đều đã gần kín phòng tới cả tháng 8. Các booking đều phải đặt trước 1-2 tháng, hiện chỉ còn một số phòng lẻ ở những nơi có lượng phòng lớn. Dự báo, tháng 7 vẫn tiếp tục là giai đoạn cao điểm của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng... 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Để du lịch từng bước phục hồi và ‘bứt phá’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới