Chủ nhật, 24/11/2024 08:15 (GMT+7)
Thứ tư, 10/05/2023 09:19 (GMT+7)

Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội và lợi nhuận ấn tượng của Công ty nước sạch Sông Đà

Theo dõi KTMT trên

Lợi nhuận sau thuế của VIWASUPCO đạt 201,41 tỷ đồng, tăng 115% so với kế hoạch đề ra. Có thể thấy, lợi nhuận sau thuế của VIWASUPCO so với doanh thu là con số ấn tượng (36,7%).

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 của UBND thành phố Hà Nội diễn ra mới đây, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng đã thông tin về lộ trình điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Theo đó, Hà Nội đề xuất về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn từ tháng 7/2023.

Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội và lợi nhuận ấn tượng của Công ty nước sạch Sông Đà - Ảnh 1
Giá nước sạch trên địa bàn dự kiến được điều chỉnh tăng từ tháng 7/2023.

Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

Khi đề cập đến câu chuyện giá nước chuẩn bị tăng, ông Nguyễn Văn Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhìn từ nhiều góc độ, thực tế cho thấy, mức lương hiện tại của người lao động vẫn còn thấp, nhiều người dân vẫn còn đang chật vật, khó khăn về kinh tế. Trong bối cảnh nhiều mặt hang thiết yếu cùng tăng giá như điện, nước, nhiên liệu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân.

Còn theo ý kiến của bà Lưu Gia (Cầu Giấy, Hà Nội) đề xuất nên giữ nguyên mức giá nước sạch như ban đầu. Bởi theo bà, đâu phải ai cũng làm ra đủ kinh tế để chống chọi nếu như giá nước sạch tăng lên đến gần như gấp đôi và vẫn theo chiều hướng tăng lên trong năm 2024.

Việc tăng giá nước trong thời gian tới đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, nhất là trong bối cảnh một số mặt thàng thiết yếu có thông tin dự kiến tăng giá trong thời gian tới. 

Ý kiến người dân là như vậy. Còn các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp nước sạch cho người dân đang hoạt động ra sao? Lãi lỗ trong những năm qua thế nào. Hãy cũng các chuyên gia về kinh tế môi trường của Tạp chí Kinh tế Môi trường điểm qua.

Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính, bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.

Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội và lợi nhuận ấn tượng của Công ty nước sạch Sông Đà - Ảnh 2
Toàn cảnh nhà máy Nước Sông Đà nhìn từ trên cao. Nguồn: VIWASUPCO.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ điểm qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ở bài viết này, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc về tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà - VIWASUPCO.

Theo thông tin từ Đại hội đồng cổ đông Thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà - VIWASUPCO (diễn ra vào ngày 25/4/2023), VIWASUPCO đang có lợi nhuận khá ổn định.

Cụ thể, tổng sản lượng nước năm 2022 đạt 106.661.044 m3, tăng 102% so với kế hoạch đề ra; Doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 548,915 tỷ đồng, tăng 102% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế của VIWASUPCO đạt 201,41 tỷ đồng, tăng 115% so với kế hoạch đề ra. Có thể thấy, lợi nhuận sau thuế của VIWASUPCO so với doanh thu là con số ấn tượng (36,7%).

Năm 2022, VIWASUPCO có hai mảng hoạt động chính là: Vận hành sản xuất kinh doanh và triển khai đầu tư Giai đoạn II của Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị “Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông” nâng công suất lên 600.000 m³/ngđ; đồng thời triển khai công tác đầu tư các dự án tuyến ống cấp II.

Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội và lợi nhuận ấn tượng của Công ty nước sạch Sông Đà - Ảnh 3
Ông Nguyễn Xuân Quý, Bí thư Đảng ủy, thanh viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty VIWASUPCO (bên trái) trong một sự kiện của đơn vị. Nguồn: VIWASUPCO

Trong năm 2022, tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến dòng chảy trên lưu vực Sông Đà và mực nước Hồ thủy điện xuống thấp, có một số thời điểm cực đoan làm cho mực nước đầu kênh lấy nước không đạt cao độ thiết kế để cấp đủ lượng nước cho Nhà máy sản xuất đạt theo công suất thiết kế của Dự án Nước sạch Sông Đà Giai đoạn I, gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất của Công ty. Tuy nhiên, VIWASUPCO vẫn thu được kết quả ấn tượng.

Được biết, nguồn nước sạch cung cấp cho một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của thành phố Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình. VIWASUPCO là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thành phố Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội, dự kiến lộ trình tăng giá nước sách trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được thực hiện trong 2 năm 2023-2024.

Mức giá sẽ áp dụng cho các đối tượng khách hàng cụ thể, như hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, trong đó phương án giá dự kiến 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10m3 trong 1 tháng sẽ tăng 15.270 đồng/tháng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%.

Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết, lộ trình tăng giá nước sách được căn cứ vào các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch tại Thông tư số 44 năm 2021 của Bộ Tài chính và Sở Tài chính đã chủ trì cùng các sở, ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thành phố.

Nhóm Phóng viên

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tăng giá nước sạch tại Hà Nội và lợi nhuận ấn tượng của Công ty nước sạch Sông Đà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới