Chủ nhật, 24/11/2024 04:25 (GMT+7)
Thứ tư, 16/11/2022 06:55 (GMT+7)

Đến năm 2023, trình cấp thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tiền lương

Theo dõi KTMT trên

Trong năm 2023, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu Nghị quyết số 27. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non và tiểu học.

Chiều 15/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy, có 486 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 97,59%. 

Đáng chú ý, đối với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học.

Đến năm 2026, cả nước giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn.

Đến năm 2023, trình cấp thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tiền lương - Ảnh 1
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học.

Cùng với đó, có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc; tập trung xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm; xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm; tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm - Nghị quyết yêu cầu.

Ngoài ra, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị.

Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực có điều kiện; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý cấp phát ngân sách nhà nước theo dự toán sang thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Chính phủ, bộ ngành được giao tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2022 - 2026, Quốc hội yêu cầu chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, chủ trương này liên tục phải lùi. Tháng 11/2021, Quốc hội đồng ý lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương, đồng thời chưa nâng lương cho người thu nhập thấp, mới đi làm trong năm 2022; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn.

“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đến năm 2023, trình cấp thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tiền lương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới