Chủ nhật, 24/11/2024 04:50 (GMT+7)
Thứ năm, 09/09/2021 07:30 (GMT+7)

Cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội đầu tư thêm 15 trạm quan trắc từ nay đến 2024

Theo dõi KTMT trên

Để cải thiện chất lượng không khí, trong thời gian tới Sở TN&MT sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn thành phố. Sở sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định trong giai đoạn 2021-2024.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, nhằm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, Sở sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định trong giai đoạn 2021-2024.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước; 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định, 6 trạm quan trắc nước dưới đất để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hiện tại thành phố có hơn 770.000 xe ô tô, gần 5,8 triệu xe máy lưu thông hằng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.Hà Nội.

Cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội đầu tư thêm 15 trạm quan trắc từ nay đến 2024 - Ảnh 1
Trong giai đoạn 2021-2024, Sở TN&MT Hà Nội sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Thống kê từ một nghiên cứu mới đây cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trên toàn thành phố vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 µg/m³ đến 39,4 µg/m³. Các quận nội thành gồm Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất. Đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành có nồng độ bụi PM2.5 thấp hơn.

Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, TP.Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách, triển khai các chương trình nhằm cải thiện chất lượng không khí. Nhờ vậy, Hà Nội đang là một trong những thành phố đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng bộ, hiện đại, công bố công khai dữ liệu quan trắc môi trường… Với những số liệu được tổng hợp từ hệ thống quan trắc tự động liên tục, Sở TN&MT đã xác định nguyên nhân, truy tìm cụ thể từng nguồn thải gây ô nhiễm không khí, từ đó, tham mưu, đề xuất UBND thành phố đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ liên tục cập nhật chỉ số chất lượng không khí AQI và chất lượng nước WQI trên địa bàn Thành phố trên website https://moitruongthudo.vn và https://chisoquantracnuoc.vn đề toàn bộ người dân, du khách nước ngoài theo dõi.

Đồng thời, thông tin chất lượng không khí hàng ngày cũng sẽ được gửi tới các cơ quan báo chí, truyền hình để thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kịp thời khuyến cáo tới người dân các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trong điều kiện chỉ số chất lượng không khí AQI có ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, ứng dụng phần mềm mô hình hóa dự báo ô nhiễm, kịp thời cung cấp số liệu ô nhiễm môi trường tới đông đảo người dân.

Theo Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu do Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI) – chuyên nghiên cứu về ô nhiễm không khí và sức khỏe toàn cầu, ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trong số tất cả các nguy cơ sức khỏe, chỉ xếp sau hút thuốc lá, béo phì và suy dinh dưỡng. 

“Cần tiếp tục đầu tư các trạm quan trắc không khí, từ đó, sớm xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Giải quyết ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là TP.Hà Nội và TP.HCM, để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân", Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội đầu tư thêm 15 trạm quan trắc từ nay đến 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới