Chủ nhật, 24/11/2024 07:37 (GMT+7)
Thứ hai, 18/01/2021 06:16 (GMT+7)

Di cư vì ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Mối liên hệ giữa di cư và suy thoái môi trường là rõ ràng. Khi tình trạng ấm lên toàn cầu khiến nhiều nơi không thể ở được, việc di cư hàng loạt sẽ trở nên phổ biến. Ô nhiễm không khí và nước không tôn trọng ranh giới quốc gia.

Trong tuần qua, một phiên tòa tại thành phố Bordeaux đã bác bỏ lệnh trục xuất đối với một người đàn ông 40 tuổi gốc Bangladesh do người này sẽ phải đối mặt với “tình trạng bệnh lý hô hấp ngày càng trầm trọng hơn do ô nhiễm không khí”.

Sailesh Mehta, một luật sư chuyên về các vụ việc liên quan tới môi trường, lập luận rằng người này có nguy cơ chết sớm do mức độ ô nhiễm nguy hiểm ở quê nhà.

Di cư vì ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí tại thành phố Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: Internet)

“Mối liên hệ giữa di cư và suy thoái môi trường là rõ ràng. Khi tình trạng ấm lên toàn cầu khiến nhiều nơi không thể ở được, việc di cư hàng loạt sẽ trở nên phổ biến. Ô nhiễm không khí và nước không tôn trọng ranh giới quốc gia. Chúng ta có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo trở thành một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Nhưng các nhà lãnh đạo của chúng ta phải hành động ngay bây giờ", vị luật sư nói.

“Chúng ta có quyền được hít thở không khí sạch. Các chính phủ và tòa án đang bắt đầu công nhận quyền cơ bản này của con người. Vấn đề không chỉ là của Bangladesh và thế giới đang phát triển", luật sư Mehta lập luận. "Ô nhiễm không khí góp phần gây ra khoảng 200.000 ca tử vong mỗi năm ở Anh. Một trong bốn trường hợp tử vong trên toàn thế giới có thể liên quan đến ô nhiễm”.

Các trường đại học Yale và Columbia xếp Bangladesh thứ 179 trên thế giới về chất lượng không khí vào năm 2020, trong khi nồng độ các bụi mịn trong không khí ở đây cao gấp 6 lần mức tối đa được khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo Tổ chức Công lý Môi trường, cứ 1,3 giây lại có một người buộc phải rời khỏi nhà cửa và cộng đồng do khủng hoảng khí hậu nhưng hàng triệu người đang thiếu sự bảo vệ của pháp luật. Tổ chức này đã kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện nhanh chóng và đầy đủ thỏa thuận khí hậu Paris.

Theo một báo cáo từ tổ chức Oxfam công bố hồi năm 2018, biến đổi khí hậu đã khiến 20 triệu dân phải chuyển tới nơi ở mới mỗi năm, tương đương cứ 2 giây lại có người di cư.

Oxfam chỉ rõ các trường hợp sơ tán chủ yếu là do bão lũ và cháy rừng xảy ra theo mùa. Số người phải sơ tán do nguyên nhân này cao gấp ba lần số người phải sơ tán do xung đột, cao gấp bảy lần so với núi lửa phun trào và động đất.

Báo cáo của Oxfam chỉ rõ trong số 10 quốc gia có tỉ lệ dân số phải đi sơ tán cao nhất, bảy quốc gia thuộc nhóm đảo quốc đang phát triển, phần lớn ở Thái Bình Dương và Caribbean. Người dân sống ở các quốc đảo đang phát triển này có tỉ lệ phải sơ tán gấp 150 lần so với những người sống ở châu Âu.

Khoảng 80% số người phải rời bỏ nhà cửa do thiên tai trong một thập kỷ qua là ở các nước châu Á, trong đó Philippines và Sri Lanka chiếm phần lớn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Theo báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu, do Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI), ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trong số tất cả các nguy cơ sức khỏe, chỉ xếp sau hút thuốc và béo phì và suy dinh dưỡng.

Báo cáo đã chỉ ra, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã cộng hưởng với các bệnh như: đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính…, góp phần gây ra hơn 6,7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới vào năm 2019. Đối với trẻ sơ sinh, hầu hết các ca tử vong đều liên quan đến các biến chứng do sinh con nhẹ cân và sinh non.

Các phân tích cho thấy, số ca tử vong ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu, tức khoảng 2,3 triệu ca trong năm 2019. Đặc biệt, ô nhiễm không khí các quốc gia ở Nam Á bao gồm Nepal, Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ đang ở mức rất cao.

Di cư vì ô nhiễm không khí - Ảnh 2
Ô nhiễm không khí đáng báo động ở nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ thách thức về không khí ô nhiễm trong nhà do đốt nhiên liệu rắn. Số liệu năm 2019 cho thấy, 49% dân số thế giới – tương đương 3,8 tỉ người hít thở không khí ô nhiễm trong nhà do nấu nướng, tập trung phần lớn ở 17 quốc gia.

Nhiều quốc gia đã đưa ra bằng chứng khoa học về việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thai kỳ ảnh hưởng đến đến việc sinh con nhẹ cân và sinh non. Phân tích mới được công bố tại Báo cáo Tình trạng Không khí năm nay ước tính rằng 20% ​​số ca tử vong ở trẻ sơ sinh là do ô nhiễm không khí môi trường xung quanh và trong nhà, chủ yếu gây ra do tác động của ô nhiễm với trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Di cư vì ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới