Chủ nhật, 24/11/2024 05:46 (GMT+7)
Thứ năm, 26/10/2023 19:00 (GMT+7)

Điểm danh những doanh nghiệp Việt đang kinh doanh, khai thác, chế biến đất hiếm

Theo dõi KTMT trên

Là một nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, đất hiếm được ví như “dầu mỏ” của ngành khoa học, công nghệ thế giới. Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu trữ lượng đất hiếm nhiều thứ 2 thế giới, khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn thèm muốn.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, tổng trữ lượng đất hiếm trên thế giới là 130 triệu tấn, chỉ riêng Việt Nam đã chiếm tới 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc với 44 triệu tấn.

Với lợi thế trên, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt đã tham gia vào hoạt động kinh doanh, khai thác, chế biến loại khoáng sản quý này.

Công ty quản lý mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam – Lavreco

Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam hiện nay là mỏ Đông Pao (Tam Đường, Lai Châu). Mỏ này có diện tích hơn 11 km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn oxit và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. Trữ lượng được cấp phép là đất hiếm (TR2O3) khoảng 1,1 triệu tấn, Barit (BaSO4) khoảng 4,2 triệu tấn và Fluorit (CaF2) khoảng 6 triệu tấn.

Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) được giao quản lý toàn bộ mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, Lai Châu từ năm 2014. Diện tích khai thác gần 133ha với thời hạn 30 năm.

Điểm danh những doanh nghiệp Việt đang kinh doanh, khai thác, chế biến đất hiếm - Ảnh 1
Mỏ đất hiếm Đông Pao.

Lavreco  được thành lập vào 2008 với sự tham gia của 6 cổ đông, với số vốn điều lệ là 350 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị thành viên Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 55% vốn (192,5 tỷ đồng).

Để cùng khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao, năm 2012, Lavreco cùng đối tác là Công ty Phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm thân quặng F3 ở mỏ Đông Pao. Tuy nhiên sau đó, việc hợp tác không thành.

Chính vì thế, dù được thành lập từ 2008 nhưng Lavreco vẫn chưa thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận ổn định. Theo số liệu KSV công bố, đến năm 2020, Lavreco mới bắt đầu có doanh thu 16,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,35 triệu đồng. Sang năm 2021, doanh thu tăng lên 56,8 tỷ đồng và lợi nhuận 11,6 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2022 doanh thu giảm về 240 triệu đồng và không ghi nhận lợi nhuận.

Đồng thời, mặc dù vốn điều lệ đăng ký 350 tỷ đồng, riêng Tổng công ty Khoáng sản góp 192,5 tỷ đồng, song tính đến cuối 2022, tổng công ty mới góp hơn 148 tỷ đồng.

Lãnh đạo Lavreco từng phát biểu sẽ lập dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác, chế biến đất hiếm với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, sử dụng gần 400 công nhân địa phương, dự kiến doanh thu hằng năm đạt 1.050 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ mỏ Đông Pao được cấp phép khai thác (2014), đến nay đã gần chục năm, doanh nghiệp vẫn chưa có các hoạt động khai thác đáng kể, chỉ dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ mỏ.

Lãnh đạo Vinacomin cho biết, Trong năm 2022 và 2023, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách liên quan đến việc khai thác đất hiếm. Trong đó Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiệu lực ngày 18/7/2023 xác định đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đất hiếm triển khai công tác đầu tư khai thác mỏ.

Do vậy, Lavreco, trong nhiệm kỳ 2022 - 2025, đặt mục tiêu nhanh chóng hoàn thành việc tìm kiếm đối tác hợp tác khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao, đồng thời phấn đấu là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp khác thác chế biến đất hiếm của Việt Nam.

Công ty duy nhất ở Việt Nam có nhà máy tuyển đất hiếm - VTRE

Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam vận hành nhà máy tuyển đất hiếm. Công ty này cũng đang thực hiện dự án mở rộng phân xưởng phân chia đất hiếm nặng từ tổng đất hiếm Yên Phú với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN và sự phối hợp của Viện Công nghệ xạ hiếm.

VTRE thành lập năm 2007, trụ sở chính tại thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ông Lưu Anh Tuấn, sinh năm 1974, là Chủ tịch HĐQT; ông Lưu Hải Ngọc, sinh năm 1964, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại khác chưa được phân vào đâu.

Điểm danh những doanh nghiệp Việt đang kinh doanh, khai thác, chế biến đất hiếm - Ảnh 2
Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE).

Trả lời truyền thông, ông Lưu Anh Tuấn cho hay, mỗi năm, VTRE nhập khoảng 1.000 tấn đất hiếm đã tinh chế (lên đến 99%) từ Úc, Nga để tiếp tục chiết tách nguyên tố phục vụ cho đối tác trong, ngoài nước. Doanh nghiệp có thể sản xuất được đất hiếm nhưng quặng nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu 100% ở nước ngoài vì không có mỏ đất hiếm để khai thác.

Mới đây, ông này đã bị đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an bắt tạm giam vì có liên quan đến vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thái Dương.

Trở lại với VTRE, dữ liệu Nhadautu.vn có được cho thấy quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2022 đạt 255 tỷ đồng, tăng thêm 22,5% so với 2021. Tập trung ở hàng tồn kho 75 tỷ đồng, tài sản dở dang 72 tỷ và tài sản cố định 52 tỷ đồng.

Về mặt nguồn vốn, doanh nghiệp vay nợ thấp chỉ 16 tỷ đồng nhưng phải trả người bán lớn 130 tỷ và khách hàng trả trước 88 tỷ đồng.

Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, được duy trì từ 2015 đến nay. Cho đến 2020, doanh nghiệp còn lỗ lũy kế gần 100 tỷ đồng nhưng đến cuối 2022 chỉ còn 31,1 tỷ đồng nhờ năm 2021 lãi lớn. Vốn chủ sở hữu từ âm 47,9 tỷ năm 2020 chuyển dương 18,7 tỷ năm 2022.

Cụ thể, năm 2021, doanh nghiệp đạt doanh thu 203 tỷ đồng, gấp 4,7 lần 2020. Biên lãi gộp 26,7%, cải thiện mạnh so với con số 16% năm trước. Nhờ vậy, lãi ròng đạt 52,2 tỷ đồng, gấp 20 lần. Bước sang 2022, doanh thu giảm nhẹ xuống 198 tỷ đồng. Song, biên lãi gộp giảm xuống 17,8% cùng hoạt động khác lỗ 17,7 tỷ đồng. Do vậy, lãi ròng còn 8,6 tỷ đồng, giảm sâu so với 2021.

Công ty Xây dựng Hưng Hải

Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải được biết tới là đơn vị quản lý, khai thác mỏ đất hiếm Nam và Bắc Nậm Xe (Lai Châu).

Trong đó, mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có tổng trữ lượng tài nguyên cả quặng gốc và quặng phong hóa trên 7,5 triệu tấn đất hiếm, trữ lượng, tài nguyên đất hiếm phong hóa của mỏ được phê duyệt là 1,16 triệu tấn. Khoáng sản đi kèm là barit, trữ lượng gần 3 triệu tấn.

Ngoài ra 2 mỏ trên, Xây dựng Hưng Hải còn được cho là đang sở hữu 20% cổ phần tại Lavreco. Như vậy, cả 3 mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước vừa được đề cập đến đều ít nhiều có sự góp mặt của Xây dựng Hưng Hải.

Điểm danh những doanh nghiệp Việt đang kinh doanh, khai thác, chế biến đất hiếm - Ảnh 3

Các mẫu quặng đất hiếm ở mỏ Bắc Nậm Xe. Ảnh: NVN.

Bên cạnh đó, Xây dựng Hưng Hải cũng tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đất hiếm trên cả nước, trong đó có Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nhật (hoạt động tại phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2017, Xây dựng Hưng Hải nắm giữ 10% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của Đất hiếm Việt Nhật là ông Nguyễn Thế Lực (31%) và ông Lưu Anh Tuấn (19%).

Vào tháng 9/2018, xây dựng Hưng Hải và ông Lưu Anh Tuấn cùng tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đất hiếm Tây Bắc (hoạt động tại phường Đông Phong, Lai Châu), với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 55% và 10%.

Xây dựng Hưng Hải được thành lập vào tháng 4/2003, do ông Trần Đình Hải – Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group nắm giữ cổ phần chi phối trong nhiều năm.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Tạp chí Viettimes, vào hạ tuần tháng 9/2023, ông Hải đã giảm tỉ lệ sở hữu tại Xây dựng Hưng Hải xuống chỉ còn 25% vốn điều lệ. Trong khi đó, nắm cổ phần chi phối tại Xây dựng Hưng Hải là CTCP Big Energy, với tỷ lệ sở hữu 55% vốn điều lệ.

Thành lập vào tháng 8/2022, CTCP Big Energy có nhiều mối liên hệ với Bitexco của doanh nhân Vũ Quang Hội.

Thái Dương Group – chủ mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái)

Vào ngày 17/10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thái Dương (Thái Dương Group).

Cùng với việc khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Dương Group, ông Nguyễn Văn Chính – Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Thái Dương Group.

Điểm danh những doanh nghiệp Việt đang kinh doanh, khai thác, chế biến đất hiếm - Ảnh 4

Mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái).

Các ông Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính bị cáo buộc đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.200 tấn quặng đất hiếm có giá trị khoảng 440 tỉ đồng và 152,8 tấn quặng sắt có giá trị khoảng 192 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Huấn và ông Chính còn còn thỏa thuận với VTRE và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế, giúp Thái Dương Group để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỉ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước là trên 7,5 tỉ đồng.

Theo dữ liệu từ Nhadautu.vn, Thái Dương Group được thành lập vào tháng 9/2002, doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư Dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng đất hiếm tại mỏ đất hiếm Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, với quy mô 6,24ha.

Dự án nhận giấy phép khai thác khoáng sản vào ngày 13/6/2013 và quyết định chủ trương đầu tư ngày 7/9/2017. Được biết, dự án sau đó hoàn thành và hoạt động vào tháng 6/2018.

Đến tháng 10/2021, công ty tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù là Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, đồng thời là Người đại diện theo pháp luật duy nhất, song ông Đoàn Văn Huấn lại chỉ sở hữu 3% cổ phần Thái Dương Group. Một cá nhân cùng địa chỉ thường trú với ông, bà Nguyễn Thị Thu Hằng có 2% cổ phần. Trong khi đó, 95% cổ phần còn lại trong Thái Dương Group không được công khai.

Bên cạnh Thái Dương Group, ông Huấn còn là Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật của CTCP Đất hiếm Yên Phú. Theo tìm hiểu, Đất Hiếm Yên Phú thành lập vào tháng 3/2017, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kim loại màu và kim loại quý, chi tiết là chế biến khai thác quặng đất hiếm.

Ở thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ công ty đạt 80 tỷ đồng với các cổ đông gồm Tập đoàn Thái Dương (53%), ông Đoàn Văn Huấn (26%), ông Đào Duy Tùng (11%) và ông Lưu Anh Tuấn (10%). Ông Lưu Anh Tuấn cũng là Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của công ty. Doanh nghiệp này cũng được cấp giấy phép khai thác và chế biến đất hiểm mỏ Yên Phú (Yên Bái).

Ông Huấn còn đứng tên và là Giám đốc tại CTCP Chế biến đất hiếm. Đây là doanh nghiệp mới thành lập từ tháng 2/2023 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông còn là đại diện theo pháp luật của CTCP Khai thác và chế biến vật liệu Tiên Tiến. Công ty mới thành lập tháng 8/2023 với ngành nghề bán buôn kim loại và quặng, khai thác quặng, khí đốt tự nhiên... Vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Nguyên nhân mấu chốt của việc chưa khai thác được đất hiếm là gì?

Đánh giá về việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam trong 1 bài phỏng vấn với Vnexpress, ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bày tỏ sự tiếc nuối khi Việt Nam chưa khai thác được đất hiếm sau hơn 10 năm phát hiện đất hiếm dạng hấp phụ ion. “Càng nuối tiếc hơn khi trữ lượng đất hiếm ở nước ta thuộc nhóm lớn nhất thế giới mà những lợi ích từ nó mang lại gần như là con số 0”, ông Nguyên nói.

Nói về nguyên nhân mấu chốt của việc chưa khai thác được đất hiếm ở Việt Nam, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản cho rằng có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, doanh nghiệp đã có giấy phép thăm dò khai thác nhưng lại không có công nghệ chế biến sâu. Điều này khiến họ loay hoay tìm công nghệ chế biến trong suốt thời gian qua. Đây cũng là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ hai, không khó để thấy doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa đặt ra chiến lược nghiên cứu và tiếp cận công nghệ chế biến quặng đất hiếm một cách thực sự quyết liệt.

Thứ ba là cơ chế, chính sách. Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về chiến lược địa chất, khoáng sản ngày 2/10/2021 có nhắc đến việc duy trì hoạt động khai thác đất hiếm, nhưng mới dừng lại ở tính định hướng mà thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là việc đầu tư cho nghiên cứu, hợp tác quốc tế phục vụ riêng cho loại khoáng sản đặc biệt này.

Lấy ví dụ, lãnh đạo Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao (tỉnh Lai Châu) chỉ chế biến đạt tỷ lệ 40%, trong khi quy định xuất khẩu tối thiểu là 95% và chủ trương của Chính phủ là không được bán đất hiếm dạng thô. Doanh nghiệp đã làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác, khai thác và chế biến sâu đất hiếm, tuy nhiên đều thất bại vì đối tác không chứng minh được năng lực công nghệ, hoặc không chuyển giao công nghệ vì đó là bí mật, tài sản riêng của họ, mất rất nhiều công sức, tiền của nghiên cứu.

Xét trong bối cảnh như vậy, theo ông Nguyên nên để các tổ chức, cá nhân trong nước chủ động đầu tư nghiên cứu. Nếu chỉ hợp tác khai thác mà không chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm thì khác gì bán khoáng sản thô.

Hiện nước ta có một số đơn vị trong và ngoài nhà nước đã nghiên cứu thành công chế biến sâu ở quy mô phòng thí nghiệm. Để có thể triển khai ở quy mô công nghiệp buộc phải thử nghiệm ở thực địa. Nếu muốn thử nghiệm ở thực địa thì cần có sự cho phép của công ty được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm (chủ mỏ), cơ quan chức năng tỉnh có mỏ rồi mới cấp đất, cấp khoáng sản phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, quá trình này tương đối tốn kém và cần nhiều thủ tục hành chính.

Vậy nên viên gạch đầu tiên trong quá trình nghiên cứu phải do cơ quan quản lý đặt bằng cách tạo cơ chế thuận lợi nhất trong việc phối hợp giữa chủ mỏ và cơ quan nghiên cứu, hoặc cho phép cơ quan nghiên cứu được tiến hành những mẫu thử nghiệm trong các kiểu mỏ đất hiếm ở khu vực mà đã có kết quả điều tra bằng nguồn vốn ngân sách.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Điểm danh những doanh nghiệp Việt đang kinh doanh, khai thác, chế biến đất hiếm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
Mới đây, 2 trang trại lớn của Mavin đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Mavin trong việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi hiện đại, bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Tin mới