Điểm tin Môi trường ngày 15/9: Đắk Nông tổ chức Ngày hội 'Đổi rác lấy quà'
Việt Nam - Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon; Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; Hà Nội triển khai Chương trình “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh”.
Việt Nam - Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon; Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; Hà Nội triển khai Chương trình “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh”; Việt Nam nỗ lực khôi phục tầng ozone;... đó là những thông tin về Môi trường trong ngày 15/9 Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tổng hợp lại trong ngày.
Việt Nam - Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon
Sáng 15/9, bên lề Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã có buổi tiếp xã giao với ông Lim Sang Jun, Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường Hàn Quốc. Tại buổi tiếp, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: TP.HCM là địa phương có nền kinh tế phát triển nhất của Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay có chủ đề là “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” đã thể hiện nhận thức của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân về tăng trưởng xanh.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Hàn Quốc có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao và định hướng tăng trưởng xanh từ nhiều năm trước. Chắc chắn Bộ Môi trường Hàn Quốc chính là người “lái” của quá trình phát triển xanh này. Bộ TN&MT cũng rất mong muốn học hỏi các kinh nghiệm và hợp tác với Bộ Môi trường Hàn Quốc.
Ông Lim Sang Jun, Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức trong việc hỗ trợ, hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon.
Trong thời gian qua, có một số dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư trên địa bàn TP.HCM, đáng chú ý là dự án xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2. Đây là dự án quan trọng của TP.HCM. Nếu dự án này thành công sẽ là mô hình hợp tác của 2 nước trong thời gian sắp tới.
Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Sáng 15/9, tại Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Báo Quân đội nhân dân đưa tin. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần 1 và đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan. Đến thời điểm hiện tại, bộ đã nhận được ý kiến góp ý của 15 bộ, ngành, 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 doanh nghiệp và 2 cá nhân.
Bộ cũng mong nhận được các ý kiến góp ý về thẩm quyền cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên biển; khai thác quy mô nhỏ (cần có tiêu chí) và phân cấp cho huyện cấp phép quy mô nhỏ; vấn đề khai thác vượt công suất; vấn đề về thế chấp Giấy phép khai thác khoáng sản; thủ tục hành chính: giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác; chế biến khoáng sản; công khai thông tin; vấn đề sử dụng đất đá dôi dư (dư thừa) sau khi đã sử dụng cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường; thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản.
Hà Nội triển khai Chương trình “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh”
Thông tin trên Hà Nội Mới, ngày 15-9, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị, địa phương về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023”. Theo đó, để chiến dịch đạt kết quả cao, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục phát động vệ sinh môi trường, trồng cây.
Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh”.
Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khu cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xả thải ra lưu vực sông Bắc Hưng Hải, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Đắk Nông tổ chức Ngày hội 'Đổi rác lấy quà'
Nguồn tin từ báo Pháp luật Việt Nam, ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Gen Xanh và các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức Ngày hội 'Đổi rác lấy quà' năm 2023. Mục đích của ngày hội nhằm tuyên truyền, vận động mọi người chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nguy hại.
Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: Triển lãm ảnh về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; “Đổi rác lấy quà” (quần áo cũ, pin, thiết bị điện tử, vỏ hộp sữa đã làm sạch, vỏ thủy tinh, bao nilon); Gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm “Xanh - Sạch - Lành”; Gian hàng “Cho - Nhận” (trao đổi các món đồ không còn nhu cầu sử dụng nhằm tăng vòng đời cho đồ cũ như sách, cặp, ba lô...); giới thiệu sự đa dạng của các sản phẩm xanh cũng như thương hiệu thân thiện môi trường (các sản phẩm làm từ tre, dương xỉ, xơ mướp, mo cau, sản phẩm tái chế, xà phòng thảo dược...); tặng sách và gian hàng đổi sách; đố vui có thưởng với các nội dung tìm hiểu về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông...
Việt Nam nỗ lực khôi phục tầng ozone
Với thông điệp "Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu biến đổi khí hậu", Bộ TN&MT phối hợp với các bên liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2023 nhằm phát huy những nỗ lực và kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.
Theo Bộ TN&MT, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính.
Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất làm suy giảm tầng ozone, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất này áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu vào năm 2040.
Việt Nam cũng triển khai lộ trình loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất này trong giai đoạn 2024-2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2029 cho đến năm 2035 và giảm dần, tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ vào năm 2045.
Sắp có mưa lớn trong khu vực nội thành Hà Nội
Trung tâm khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu gây mưa dông đang hoạt động trên khu vực tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Vùng mây đối lưu trên có xu hướng di chuyển từ đông sang tây, hướng về phía khu vực nội thành thành phố Hà Nội.
Trong 30 phút đến 1 giờ tới, vùng mây đối lưu này sẽ ảnh hưởng, gây ra mưa rào và có thể có dông cho khu vực các quận Long Biên, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, sau đó lan sang các quận nội thành khác. Trong mưa dông có khả năng xuất hiện lốc, sét và gió giật mạnh.
Phạm Huyền