Chủ nhật, 24/11/2024 07:38 (GMT+7)
Thứ tư, 11/11/2020 05:58 (GMT+7)

Điện rác và bài toán xử lý rác thải của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.

Rác vẫn chưa được coi là tài nguyên

Chiều 6/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên) và nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc xử lý rác thải là một trong những thách thức hiện nay, đặc biệt là rác thải sinh hoạt.

“Hiện nay chúng ta có trung bình mỗi ngày 35.000 tấn chất thải rắn ở đô thị và khoảng 28.400 tấn chất thải ở nông thôn; có 381 lò đốt rác và 1.000 bãi chôn lấp rác. Trong thời gian vừa qua, chúng ta bắt đầu cải thiện mức thu gom rác thải, tăng 6% ở đô thị và tăng 15% ở nông thôn”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, thực trạng việc chôn lấp rác gây ô nhiễm cả tài nguyên nước, vừa gây cạn kiệt vừa lãng phí tài nguyên, vì rác vẫn chưa được coi là tài nguyên.

“Rác hiện nay chưa được tiến hành tái chế và cũng chưa có công nghệ đạt yêu cầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điện rác và bài toán xử lý rác thải của Việt Nam - Ảnh 1
Mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra nhưng chưa có giải pháp xử lý phù hợp. (Ảnh: Internet)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt, đốt kết hợp với thu hồi năng lượng.

Đã đến lúc thay đổi tư duy

Đồng tình với nhận định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên - môi trường Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy trong xử lý rác thải. Phải biến rác thải thành tiền, rác phải dùng được, bán được, rác không còn là rác thải bỏ đi.

Ông cho biết, rác thải hiện nay được chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất là rác thải hữu cơ, có thể phân hủy sinh học được để phục vụ cho công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi, làm phân bón như rau, củ, quả, thức ăn thừa.

Nhóm thứ hai là rác không phân hủy được gồm nhựa, giấy, vải, sắt, thép, thủy tính, gạch vỡ... những loại rác thải này vẫn có nhiều loại có thể phân loại, tái chế được như nhựa, giấy, sắt, chỉ một số ít không tái chế được mới phải tính tới giải pháp chôn lấp.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, việc đầu tiên là phải phân loại được rác thải từ nguồn, việc này chúng ta chưa làm được, vì thế, từ đô thị cho tới nông thôn đều chọn cách xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp.

Chôn lấp rác thải lại phát sinh nhiều vấn đề, dù chôn lấp có bảo đảm vệ sinh (như giải pháp hạn chế mùi, thu gom rác để đốt bỏ...) hay đổ đống thì cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, không hiệu quả, không kiểm soát triệt để được ô nhiễm môi trường do khối lượng rác thải quá lớn, rác lại phân tán, thành phần phức tạp, thậm chí còn gây nguy cơ ô nhiễm rất lớn tới nguồn nước, đất đai, môi trường.

Chính từ thực tế trên, Chính phủ đã ra quyết định quản lý tổng hợp chất thải rắn. Ông cho biết đây là một khái niệm, tư duy mới, trong đó nhấn mạnh tới việc phải tận dụng tối đa rác thải có thể tái sử dụng được và giảm tối thiểu lượng rác thải phải mang đi chôn lấp. Nói cách khác, đây là cách "biến rác thành tài nguyên".

Cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp điện rác

Để giải quyết vấn đề rác thải hiện nay, nhiều chuyên gia môi trường nhận định điện rác là công nghệ tiên tiến cần được ưu tiên số 1.

Tuy vậy, việc đốt rác phát điện cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức bởi chi phí đầu tư cho công nghệ đắt, hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự cao do rác không được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi về mức giá cũng như giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, địa phương và các nhà đầu tư

Ông Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT PECC1 – một đơn vị tiên phong thiết kế các nhà máy điện rác tại Việt Nam chia sẻ, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng. Ví dụ, tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành Điện.

“Theo Quyết định này, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.

Trong khi đó, doanh nghiệp khi muốn đầu tư xử lý rác tại Việt Nam cũng gặp thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Đối với việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt là loại hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất từ 1 - 2 năm, sau đó, còn thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…”, ông Hùng nói.

Vì thế, để khuyến khích phát triển các mô hình hiện đại này, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (pháp luật về PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi mở cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn, mới góp phần hình thành một ngành một nghiệp môi trường ở Việt Nam…

Theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, sẽ nâng tỉ lệ xử lý chất thải cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2030, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Điện rác và bài toán xử lý rác thải của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới