Chủ nhật, 24/11/2024 06:25 (GMT+7)
Thứ ba, 31/05/2022 11:50 (GMT+7)

Điệp khúc Hà Nội ‘cứ mưa là ngập’ vẫn tiếp diễn

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng ngập úng tại Hà Nội mỗi khi có mưa lớn đã tồn tại trong nhiều năm qua. Để khắc phục thực trạng này, cần cần đầu tư các dự án thoát nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía Tây Nam Hà Nội và khu vực Long Biên.

Cảnh báo 11 điểm đen ngập lụt

Trong những ngày vừa qua, ở các tỉnh Bắc Bộ đã xuất hiện mưa dông, thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm. Từ ngày 28/5, Trung tâm đã ban hành tin mưa dông và cảnh báo mưa lớn cục bộ, mưa đá, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của các vùng mây đối lưu, nên bắt đầu từ chiều ngày 29/5, trên địa bàn TP xảy ra mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa từ 70-180mm, thời gian mưa tập trung từ thời điểm 13 giờ 30 đến 15 giờ 30.

Tiếp đó, từ 19h ngày 30/5 đến 3h sáng 31/5, nhiều nơi ở Bắc Bộ xuất hiện mưa lớn, phổ biến 60-130 mm. Đáng lưu ý, Thái Nguyên có điểm mưa đến hơn 300 mm. Hà Nội cũng ghi nhận một số khu vực mưa trên 100 mm, tập trung ở các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Đông Anh…

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), kết thúc đợt mưa ngày 31/5, mưa dông còn duy trì và tập trung ở vùng núi Bắc Bộ sau ngày 1/6. Riêng tại Hà Nội, mưa dông vẫn kéo dài trong sáng nay nhưng cường độ không lớn, sau đó giảm dần về trưa và chiều. Đến chiều tối và đêm, mưa có thể quay trở lại thủ đô với xác suất 70-80%.

Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở ở vùng núi, đặc biệt các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Ngoài ra, một số khu vực trũng thấp ở đô thị có thể ngập úng.

Hiện nay, hệ thống thoát nước của Hà Nội chỉ đáp ứng được trong trường hợp mưa dưới 50 mm trong vòng 2 giờ và dưới 310 mm trong vòng 2 ngày. Nếu vượt ngưỡng này, nhiều nơi bị ngập.

Điệp khúc Hà Nội ‘cứ mưa là ngập’ vẫn tiếp diễn - Ảnh 1
Tình trạng ngập úng tại Hà Nội mỗi khi có mưa lớn đã tồn tại trong nhiều năm qua. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, thành phố còn tồn tại 11 điểm ngập chưa thể giải quyết. Trong đó, 3 điểm ngập đã giảm thiểu tình trạng úng ngập là Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến.

5 điểm đang triển khai các dự án cải tạo thoát nước là: ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; phố Thụy Khuê (dốc La Pho); phố Cao Bá Quát; phố Vũ Trọng Phụng.

3 điểm còn lại đang trong quá trình nghiên cứu các dự án chống ngập là Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm và đường Hoàng Như Tiếp. 

Với cường độ mưa 50-100 mm trong 2 giờ, các khu vực trên chắc chắn bị úng ngập. Thời gian nước rút phụ thuộc vào vũ lượng cũng như khả năng tiêu thoát tự nhiên, dao động 20 phút đến một giờ.

Vì sao Hà Nội "cứ mưa là ngập"?

Tình trạng ngập úng tại Hà Nội mỗi khi có mưa lớn không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại trong nhiều năm qua. Trao đổi với báo chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2, khu vực đã được triển khai các dự án thoát nước) có thể chịu được trận mưa trên 300mm/2 ngày. Song, khu vực phía Tây Hà Nội (lưu vực sông Nhuệ, diện tích khoảng 110km2), hệ thống thoát nước đô thị tại lưu vực này chỉ có thể chịu được mưa 50mm/ngày.

Ngoài việc hệ thống thoát nước bị quá tải, việc khu vực phía Tây rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài cũng xuất phát từ việc chậm triển khai xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch.

Đề cập đến những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn tại Hà Nội nói chung và khu vực phía Tây nói riêng, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết, thoát nước cho Hà Nội là bài toán khó. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng trên các đơn vị chức năng cần đầu tư các dự án thoát nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía Tây Nam Hà Nội và khu vực Long Biên - nơi việc tiêu thoát nước cũng chủ yếu dự vào việc tự tiêu.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, về công nghệ dự báo mưa hiện nay, theo ông Khiêm, dự báo mưa là bài toán khó nhất trong lĩnh vực dự báo khí tượng, do mưa là một yếu tố có mức độ biến động rất lớn, phân bố rất không đồng đều, đặc biệt là mưa dông.

Một cơn dông gây ra 1 trận mưa cả trăm mm, nhưng cũng có những cơn dông chỉ gây ra sấm chớp và không mưa giọt nào (thường được gọi là giông khan). Do đó việc dự báo có hay không có dông thì đã dự báo tốt, nhưng việc dự báo cụ thể dông gây ra mưa chính xác bao nhiêu mm, ở đâu và khi nào là một bài toán rất khó đối với khoa học hiện nay.

Hiện nay, công nghệ dự báo cực ngắn của Việt Nam và trên thế giới dựa vào radar cho phép dự báo trước sự hình thành, dịch chuyển và phát triển của các ổ mây giông từ 30 phút đến 3 tiếng.

Trao đổi bên lề Quốc hội sáng nay (30/5), Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu TP.Hà Nội) cho biết, trong quy hoạch đô thị hiện nay cần thực hiện theo hướng tích hợp, tức tất cả các loại quy hoạch được đặt trên cùng một hệ thống, như vậy sẽ tránh được tình trạng mâu thuẫn, hay quy hoạch này thực hiện đúng nhưng quy hoạch kia lại vướng. Thậm chí, nhiều dự án đầu tư hiện nay khi triển khai đến khi gần xong lại phát hiện vi phạm các quy hoạch khác dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu cũng đơn cử như tình trạng ngập lụt tại Hà Nội mới đây, bài toán đặt ra không chỉ là quy hoạch hệ thống thoát nước khi xây dựng đô thị, mà còn cần quy hoạch các công trình thủy lợi. Nếu các hệ thống này không tích hợp với nhau, thì các công trình có thể làm tốt quy hoạch xây dựng nhưng lại vi phạm quy hoạch về thoát nước, hoặc thủy lợi, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu chung. Khi chuyển sang phương thức quy hoạch tích hợp sẽ hạn chế được những chồng chéo, hạn chế nêu trên.

“Yêu cầu đặt ra của quy hoạch tích hợp là không được đặt các giải pháp quy hoạch riêng lẻ mà cần thực hiện đồng bộ. Ví dụ quy hoạch công trình đô thị đồng thời phải có các vấn đề về cấp thoát nước xảy ra, kèm theo đó là vấn đề giao thông, dịch vụ", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, PGS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Hà Nội cứ mưa lớn là ngập, một phần do quy hoạch hệ thống thoát nước bị chậm lại so với đô thị hóa. Mặt khác, vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa. Đồng thời, việc các hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp cũng là nguyên nhân gây ngập lụt".

Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bê tông, đường nhựa,… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Do đó, muốn thoát được nước phải có độ chênh mặt nước để có thể chuyển từ nơi này sang nơi khác theo nguyên tắc bình thông nhau.

Trong khi đó, xây dựng lấp dòng chảy tự nhiên, một số đường ống võng xuống giống yên ngựa, gây tích nước trong hệ thống ống thoát. Độ chênh mặt nước giữa hồ chứa và dòng kênh chính thoát ra ngoài không có, sẽ gây ngập lụt khi mưa lớn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điệp khúc Hà Nội ‘cứ mưa là ngập’ vẫn tiếp diễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới