Chủ nhật, 24/11/2024 07:45 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/04/2021 09:09 (GMT+7)

Điều gì tạo nên kỷ lục xuất khẩu ngành gỗ?

Theo dõi KTMT trên

Trong 3 tháng đầu năm nay ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã ghi nhận con số kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại. Điều gì làm nên con số này?

Điều gì tạo nên kỷ lục xuất khẩu ngành gỗ? - Ảnh 1
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về một số vấn đề xuất khẩu gỗ.

3 tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục trong xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Trong 3 tháng đầu năm nay ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã ghi nhận con số kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại.

Thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong 3 tháng qua đạt gần 4 tỉ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và chiếm 85,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Đây là con số kỷ lục, chưa bao giờ có. Con số này là kết quả của cả một quá trình các doanh nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn, tự thân vận động mở rộng sản xuất, tìm kiếm cơ hội, mở rộng, tiếp cận nhiều thị trường mới trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới và Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng trưởng ấn tượng là do trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhiều người có thời gian đầu tư, sửa sang nhà cửa, nội thất. 

Tôi cho rằng, thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển. Hiện xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để chúng tiếp cận, chiếm lĩnh. Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam không phải là nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể đứng thứ 4, thứ 3 thế giới về lĩnh vực này.

Có ý kiến cho rằng, bên cạnh niềm vui về con số tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các hàng rào phi thuế quan các nước dựng lên để bảo hộ sản xuất trong nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao, có vị thế trên thị trường, thì rõ ràng sẽ có những ưu thế cũng như thách thức, đặc biệt ở các thị trường lớn.

Chúng tôi cho rằng, vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi thâm nhập thị trường, đó là đáp ứng tốt các yêu cầu của đối tác. Khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nào thì phải hiểu quy định của thị trường đó, nắm được luật của các nước và tuân thủ đầy đủ các quy định. Song song với đó các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết giữa với nhau trong phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông, để có nguồn gỗ nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, đáp ứng truy xuất nguồn gốc của thị trường, việc liên kết trồng rừng cần thực hiện như thế nào?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Về nguồn nhập khẩu, để kiểm soát nguồn nguyên liệu, theo Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, gỗ nhập khẩu được thực hiện thông qua thiết lập cơ chế kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu và các loài gỗ nhập khẩu. Gỗ rủi ro là gỗ được nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực và là các loài rủi ro. Nghị định quy định, khi nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu cần phải bổ sung giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Hiện nay, nhiều mô hình liên kết trồng rừng, sản xuất gỗ nguyên liệu đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Có nhiều mô hình sản xuất liên kết theo nhóm hộ, số lượng hợp tác xã liên kết trồng rừng ngày càng tăng. Hiện đã có 160 hợp tác xã lâm nghiệp liên kết trồng rừng có chứng chỉ với doanh nghiệp, như các nhóm hộ ở Yên Bái, Tuyên Quang, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị… Hiện, cả nước đã có 300.000 ha rừng trồng có chứng chỉ, cung cấp khoảng 3 triệu mét khối gỗ cho chế biến.

Bộ NN&PTNT khuyến khích các địa phương đẩy nhanh liên kết hợp tác trồng rừng, từ đó tạo ra chuỗi giá trị giữa người trồng trừng với các doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Điều gì tạo nên kỷ lục xuất khẩu ngành gỗ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới