Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ năm, 25/03/2021 07:05 (GMT+7)

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội

Theo dõi KTMT trên

“Không nên chỉ dừng ở các nghĩa vụ về đạo đức hay giá trị về mặt hình ảnh, mà cần đặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và xã hội như là trách nhiệm thực chất và nội tại”, Luật sư Hà Huy Phong cho biết.

Để tìm hiểu về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và sự phát triển của xã hội, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ThS Luật sư Hà Huy Phong – Trưởng Ban Pháp chế TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc điều hành Hãng luật TNHH Inteco.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 1

- Được biết, trong vai trò Trưởng Ban Pháp chế của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Luật sư Hà Huy Phong đang tham gia tư vấn và hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp trong việc điều hành và định hướng chiến lược phát triển. Vậy, quan điểm của ông như thế nào về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội?

Doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế và là một chủ thể tích cực trong xã hội, nên không thể không đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội. Không nên chỉ dừng lại ở các nghĩa vụ về đạo đức hay giá trị về mặt hình ảnh, mà cần đặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và xã hội như là trách nhiệm thực chất và nội tại. Môi trường và xã hội cung cấp các tư liệu sản xuất đầu vào và là nơi tiêu thụ các sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp tồn tại và phát triển được khi ở trong lòng môi trường xã hội như cá trong môi trường nước vậy, và do đó, trách nhiệm của doanh nghiệp cần được coi là trách nhiệm của doanh nghiệp với chính mình và chủ động thực hiện với tính tự giác cao.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 2
Trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và xã hội như là trách nhiệm thực chất và nội tại. 

Trách nhiệm của doanh nghiệp không chỉ trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về khai thác tài nguyên mà còn cần nhấn mạnh hơn trong việc chủ động triển khai các giải pháp về đổi mới sáng tạo, về cải tiến công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo luôn tận dụng và tối ưu hiệu quả việc sử dụng nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ tạo ra lợi ích song hành của cả doanh nghiệp và môi trường và xã hội, vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và lợi nhuận, vừa bảo vệ môi trường, vừa đưa xã hội tiến sâu hơn và các thực hành phát triển bền vững.

Trách nhiệm của doanh nghiệp không chỉ trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về khai thác tài nguyên mà còn cần nhấn mạnh hơn trong việc chủ động triển khai các giải pháp về đổi mới sáng tạo, về cải tiến công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo luôn tận dụng và tối ưu hiệu quả việc sử dụng nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ tạo ra lợi ích song hành của cả doanh nghiệp và môi trường và xã hội, vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và lợi nhuận, vừa bảo vệ môi trường, vừa đưa xã hội tiến sâu hơn và các thực hành phát triển bền vững.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 3

Trong các điều kiện khan hiếm về nguồn lực, doanh nghiệp có quyền và cần phải đưa ra các lựa chọn để phát triển, và trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đưa ra lựa chọn của mình trên cơ sở cân nhắc lợi ích của môi trường, lợi ích của xã hội. Doanh nghiệp tuyệt đối không thể vì lợi ích cục bộ, của riêng mình mà bỏ qua lợi ích của môi trường và xã hội.

Trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, vẫn còn tồn tại những yếu điểm dẫn tới sự mâu thuẫn giữa lựa chọn dài hạn và lợi ích ngắn hạn, và buộc doanh nghiệp phải cân nhắc và chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đổi lấy lợi ích dài hạn. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực và nhận thức một cách đầy đủ để nhận ra và lựa chọn theo con đường đó.

Điều đáng buồn là nhiều doanh nghiệp đang chấp nhận đổi lợi ích dài hạn để chọn lợi ích ngắn hạn, nên chấp nhận hy sinh cả vấn đề về môi trường và xã hội để vì miếng cơm manh áo hàng ngày. Để có thể điều chỉnh, đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ cả cộng đồng và bản thân mỗi doanh nhân. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà phải là một quá trình đồng hành và nỗ lực, phải là dòng nước xuôi về biển cả để không ai có thể đi ngược dòng.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 4

- Luật sư có thể chỉ ra trách nhiệm của doanh nghiệp với việc bảo vệ môi trường thông qua quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)?

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có sự thay đổi rất lớn về kỹ thuật lập pháp và nguyên tắc về bảo vệ môi trường. Các yếu tố về phát triển bền vững và gắn môi trường với sự phát triển của kinh tế và xã hội đã được thể hiện rất rõ. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 không chỉ đơn thuần là một đạo luật chống lại các hành vi gây ô nhiễm môi trường mà đã tiến xa hơn, trở thành cơ sở pháp lý cho các giải pháp thực hành phát triển bền vững.

Là một tế bào của nền kinh tế, trách nhiệm của doanh nghiệp có thể chỉ ra mấy nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất là việc chủ động xây dựng các đánh giá về khả năng tác động của dự án đối với môi trường, thể hiện rõ qua trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án đầu tư. Đây là biện pháp chủ động nhằm phát hiện các yếu tố có khả năng gây nguy hại tới môi trường và đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, xử lý chất thải và khắc phục sự cố môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đánh giá và phê duyệt trước khi triển khai dự án.

Nhóm thứ hai là xin cấp giấy phép môi trường, tức là doanh nghiệp cần phải xin phép cơ quan Nhà nước và chỉ được thực hiện khi được cơ quan Nhà nước cấp phép đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị hạn chế, nhưng việc xin cấp phép là nhằm đảm bảo yếu tố quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 5
Các yếu tố về phát triển bền vững và gắn môi trường với sự phát triển của kinh tế và xã hội đã được thể hiện rất rõ qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. 

Nhóm thứ ba là trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân liên quan đến các yếu tố môi trường. Việc cung cấp thông tin sẽ được thực hiện bằng hình thức cung cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu, và hình thức công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc bằng hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nhóm thứ tư là trách nhiệm của doanh nghiệp về phòng ngừa sự cố, ứng phó với sự cố về môi trường. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Doanh nghiệp gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường; Và phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở của mình.

Nhóm thứ năm là trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Nhóm thứ sáu là các vấn đề khác, như thực hiện các trách nhiệm về nộp phí bảo vệ môi trường, kỹ quỹ bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 6

- Mặc dù pháp luật đã có quy định, tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn “vô tư” xả thải ra ngoài môi trường, không hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường… Theo Luật sư, vì sao lại tồn tại nghịch lý này?

Xả rác thải ra môi trường hay không hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Sở dĩ có những hành vi như vậy là xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết, đó là ý thức về chấp hành pháp luật của doanh nghiệp còn rất kém. Doanh nghiệp vẫn mải mê chuyện sản xuất và kinh doanh trực tiếp, không chú trọng các vấn đề về bảo vệ môi trường, coi thường quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và coi thường sự trong lành của môi trường. Sâu xa hơn, doanh nghiệp chưa nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của môi trường sống với chính doanh nghiệp của mình và con người trong doanh nghiệp nên chưa có các hành động tự giác và ý thức tốt về bảo vệ môi trường.

Tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam nằm ở quy mô vừa và nhỏ, với tiềm lực về tài chính và công nghệ rất thấp. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ tạo nên gánh nặng về chi phí rất lớn. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều tìm cách trốn tránh các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường để tiết kiệm chi phí.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 7

Nguyên nhân thứ hai, là còn thiếu sự hỗ trợ hữu hiệu từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bảo vệ môi trường là vấn đề có tính xã hội sâu sắc, nghĩa là các tác động của sự cố môi trường không tạo ảnh hưởng xấu tới riêng bất kỳ doanh nghiệp nào, mà tới toàn thể xã hội, nên vấn đề bảo vệ môi trường cũng không thể khu trú trong phạm vi một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần có bàn tay điều phối chung trong việc phối hợp giữa các doanh nghiệp và khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hoạt động về bảo vệ môi trường. Nhà nước cần có sự đầu tư hơn nữa trong việc chi tiêu công để mua sắm và phổ biến công nghệ về bảo vệ môi trường, hạ tầng xử lý chất thải. Các vấn đề về quy hoạch thuộc trách nhiệm của Nhà nước chứ không thể đặt lên vai của doanh nghiệp

Nguyên nhân thứ ba là khả năng thực thi pháp luật về môi trường còn tồn tại nhiều bấp cập. Có quá nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, dẫn tới xử lý không xuể, và hệ quả là các chế tài xử lý bị nhờn, bị coi thường. Một phần vì thiếu ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, nhưng có một phần nguyên nhân khác nằm ở tiêu cực của một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức được giao quyền bảo vệ pháp luật. Chúng ta có không ít bằng chứng về sự tiếp tay, bao che và thông đồng của một vài cán bộ có chức trách với doanh nghiệp để che chắn cho các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Doanh nghiệp ngang nghiên vi phạm mà không bị xử lý dẫn tới trật tự luật pháp trong lĩnh vực này trở nên lỏng lẻo và thiếu hiệu quả.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 8

- Có quan điểm cho rằng, việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích về lâu dài, tuy nhiên tốn kém về chi phí. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thiếu nguồn lực để đầu tư công nghệ hiện đại, đồng thời không tìm được đầu ra cho các sản phẩm, do đó không mấy đơn vị “mặn mà”, điều này có đúng không thưa Luật sư?

Tài chính hay công nghệ đều là những nguồn lực có tính khan hiếm mà doanh nghiệp phải đối mặt, không chỉ để phục vụ cho các hoạt động bảo vệ môi trường mà còn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một trình độ cao của nền kinh tế sản xuất, có nhiều ưu thế hơn so với nền kinh tế tuyến tính cũ mà chúng ta đã trải qua nhiều thế kỷ vừa qua. Để có thể đạt tới trạng thái của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì chúng ta sẽ phải đầu tư chi phí và công nghệ với nhưng con số không nhỏ, và điều đó tạo ra những trở ngại nhất định cho khả năng thay đổi.

Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội - Ảnh 9
Quản lý chất thải nguy hại, doanh nghiệp bị phạt nặng. 

Do đó, nói doanh nghiệp thiếu nguồn lực nên không mặn mà là hoàn toàn có cơ sở và rất dễ hiểu. Tuy nhiên, nói không tìm được đầu ra cho các sản phẩm trong kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là chưa thực sự chính xác hoàn toàn. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn không tạo ra sự khác biệt trong đầu ra so với kinh tế tuyến tính, mà nó nhấn mạnh ở yếu tố “tuần hoàn” của sản phẩm và nguyên liệu, tức là sản phẩm của quá trình sản xuất này có thể trở thành đầu vào của quá trình sản xuất khác, và phế thải của quá trình sản xuất này có thể trở thành nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất khác, và chu trình đó sẽ cơ bản triệt tiêu hết yếu tố ô nhiễm phát thải ra môi trường, giảm nồng độ khí carbon…

Do chưa đạt tới trạng thái kinh tế tuần hoàn, nên vẫn còn hiệu tượng chưa khép kín được chu trình sản xuất trên cấp độ toàn xã hội, nên chất thải của một quá trình sản xuất này chưa trở thành nguyên liệu của quá trình sản xuất khác, và do đó, doanh nghiệp phát thải vẫn bị tiêu tốn chi phí để xử lý chất thải. Hệ sinh thái trong sản xuất của chúng ta chưa khép kín nên chưa thể đạt tới trạng thái kinh tế tuần hoàn.

Tôi nghĩ rằng, trong kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ đòi hỏi mức độ đầu tư của Nhà nước phải lớn hơn nữa, lớn hơn so với đầu tư của doanh nghiệp. Không ai có thể thay thế vai trò của nhà nước trong việc tạo ra những mắt xích kết nối để khép kín vòng tuần hoàn của nền sản xuất. Dĩ nhiên là Nhà nước có thể xã hội hóa việc đó bằng việc tạo nên các cơ chế và chính sách, cũng như tạo cơ chế vốn mồi để thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia.

Vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần phải lưu ý, là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, trở thành một tất yếu mà tất cả chúng ta sẽ phải theo. Doanh nghiệp nào không chuẩn bị đón nhận và không sẵn sàng đón nhận thì sẽ bị đào thảo. Do đó, bắt buộc doanh nghiệp sẽ phải có sự chuẩn bị về mặt chi phí để đầu tư công nghệ và chuyển hướng theo thời đại.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Luật sư!

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp và trách nhiệm với Môi trường - Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới