Đông Nam Á trước nỗi lo thiên tai hoành hành
Ngập lụt, nắng nóng và sạt lở đất do mưa lớn là những nỗi lo hàng đầu về biến đổi khí hậu ở Ðông Nam Á. Tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu hoành hành đặt ra yêu cầu về một thỏa thuận đền bù tổn thất và thiệt hại tại Hội nghị COP27 sắp tới.
Tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu hoành hành ở Đông Nam Á đang đặt ra yêu cầu về một thỏa thuận đền bù tổn thất và thiệt hại tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào tháng 11 tới.
Theo kết quả “Khảo sát Viễn cảnh khí hậu Ðông Nam Á 2022” do Viện ISEAS-Yusof Ishak trụ sở tại Singapore thực hiện, 22,4% số người được hỏi ở 10 quốc gia Ðông Nam Á cho rằng lũ lụt là mối đe dọa nghiêm trọng nhất tại khu vực, theo sau là nắng nóng với 18,1% và lở đất do mưa lớn với 12%. Trong đó, những hiện tượng biến đổi khí hậu rõ ràng nhất trong khu vực vào năm 2021 là lũ lụt, mất đa dạng sinh học và mực nước biển dâng cao.
Ngập lụt, nắng nóng và sạt lở đất do mưa lớn là những nỗi lo hàng đầu về biến đổi khí hậu ở Ðông Nam Á. Thời gian gần đây, các quốc gia Đông Nam Á phải liên tục đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Hồi đầu năm nay, trận lũ lớn ở Malaysia đã gây thiệt hại tương đương 1,36 tỷ USD về cơ sở hạ tầng. Năm ngoái, siêu bão Rai đã càn quét Philippines, ước tính gây thiệt hại đến 507,7 triệu USD về nông nghiệp, nhà cửa, đường sá, điện nước…
Theo trang SCMP, các quốc gia chịu tác động lớn của lũ lụt phải kể đến Campuchia và Malaysia. Khu vực ngập lụt Tonle Sap của Campuchia, huyết mạch kinh tế của nước này đang phải chịu những đợt lũ lụt lớn hàng năm. Theo khảo sát, khoảng 729 trường hợp tử vong do lũ lụt trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Myanmar liên tục chứng kiến nắng nóng khắc nghiệt và lở đất liên tục do mưa. Những hiện tượng này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ở các vùng nông thôn, hầu hết người dân đều nhận định hạn hán là một trong ba vấn đề khí hậu khắc nghiệt ở khu vực. Ông Seah từ Viện ISEAS nói rằng những ảnh hưởng này là do hậu quả của hạn hán và những người sống ở nông thôn sẽ cảm nhận trực tiếp hơn.
Nắng nóng khắc nghiệt lại diễn ra ở nhiều nơi. Tại Ấn Độ, truyền thông nước này mô tả “nắng nóng có thể khiến Ấn Độ thành vùng đất chết”. Mùa hè năm nay, tại thủ đô New Delhi, nhiệt độ liên tục vượt ngưỡng 45 độ C.
Trong khi nắng nóng được xem là “cơn đau đầu” lớn nhất của người dân Myanmar (29,1%), lở đất do mưa vẫn còn gây lo ngại cho Malaysia (20,6%). Ðối với những người dân tại vùng nông thôn tham gia khảo sát, hạn hán là một trong 3 vấn đề khí hậu hàng đầu (21,5%). Ðiều này có thể là do họ cảm nhận rõ hơn những hậu quả của hạn hán. Trong khi đó, 17,9% người dân các thành phố quy mô vừa trên khắp Ðông Nam Á đưa bão nhiệt đới vào tốp 3 nỗi lo của họ và 15% cư dân các thành phố lớn e ngại tình trạng mực nước biển dâng.
Standard Chartered hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu
Mới đây, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký kết Biên bản hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy hợp tác với các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là hợp tác phát triển tài chính xanh bền vững là một trong những ưu tiên của Chính phủ để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Được biết, Ngân hàng Standard Chartered là một trong những định chế tài chính đã cam kết đồng hành với Việt Nam để giải quyết những thách thức về khí hậu, hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng để thực hiện mục tiêu cam kết.
Theo đó, nội dung hợp tác sẽ tập trung triển khai các hoạt động tăng cường năng lực và hỗ trợ triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút khu vực tư nhân triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các chương trình về tài chính chuyển đổi, tài chính xanh, bền vững và thúc đẩy phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Việc hợp tác giữa Standard Chartered Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Trong đó, bao gồm việc thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 đã được phê duyệt với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, bao gồm: (i) Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; (ii) Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon; (iii) Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông vận tải và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh; (iv) Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng; (v) Bảo vệ và phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; (vi) Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; (vii) Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông; (viii) Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.
Lan Anh