Chủ nhật, 24/11/2024 08:26 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/04/2023 06:00 (GMT+7)

Dự án ôm 33 ha đất rồi bỏ hoang gần một thập kỷ tại Nghệ An (Bài 16)

Theo dõi KTMT trên

Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao "ôm" hơn 33 ha đất tại xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) "ngủ đông" suốt 8 năm. Tuy nhiên, thay vì bị thu hồi thì dự án này được đổi tên và điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Khốn khổ vì dự án treo

Tháng 10/2013, dự án "Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao" tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4560/QĐ-UBND.CNTM. Dự án do Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An (gọi tắt Công ty Nam Đàn Vạn An) làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án là 217 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm ổn định và tạo sinh kế thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm sau khi bàn giao đất cho dự án, khu đất rộng hơn 33ha giờ đây là một bãi đất hoang. Hình hài duy nhất của dự án chỉ là 1 nhà điều hành, rộng khoảng 500m2 nhưng bỏ không suốt nhiều năm qua. 

Theo những thông tin được công bố thì khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ có công suất khoảng 250 nghìn tấn nguyên liệu lá (sả)/năm. Tất cả nguyên liệu đầu vào sẽ do nông dân tự trồng và bán lại cho nhà máy. Từ đó, giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững. Chủ đầu tư cũng cam kết, dự án sẽ được khởi công xây dựng trong quý III/2014 và đi vào hoạt động trong quý I/2015.

Dự án ôm 33 ha đất rồi bỏ hoang gần một thập kỷ tại Nghệ An (Bài 16) - Ảnh 1
Sau nhiều lần gia hạn, dự án cũng không thể triển khai và vẫn quây tôn, đắp chiếu. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Cam kết là vậy, thế nhưng đến thời hạn, dự án không triển khai, hơn 33ha đất thu hồi vẫn bỏ hoang khiến người dân nơi đây hết sức bức xúc. Nhận thấy dự án chậm tiến độ, nhiều lần huyện Thanh Chương kiến nghị thu hồi đất. Đến tháng 6/2015 Công ty Nam Đàn Vạn An đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin giãn tiến độ thực hiện dự án đến tháng 6/2017 và được tỉnh Nghệ An chấp thuận. Tuy nhiên, sau lần gia hạn này dự án cũng không thể triển khai, vẫn quây tôn, đắp chiếu. Người dân trên địa bàn thì hàng ngày ngóng chờ công ăn việc làm từ dự án.

Dự án ôm 33 ha đất rồi bỏ hoang gần một thập kỷ tại Nghệ An (Bài 16) - Ảnh 2
Nhà điều hành dự án bị hư hỏng không một bóng người. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Chị Nguyễn Thị Vân, trú tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương cho biết: “Ban đầu khi nghe tin dự án về xã, chúng tôi hết sức phấn khởi bởi sẽ có việc làm ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, trái với lời hứa ban đầu, đến nay đã gần 10 năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai khiến người dân chúng tôi hết sức bức xúc. Người dân thiếu đất để sản xuất nhưng dự án lại bỏ hoang nhiều năm, thấy lãng phí nên nhiều người dân xã Thanh Thủy đã trồng các cây ngắn ngày, tuy nhiên công ty cũng không cho phép”.

Dự án ôm 33 ha đất rồi bỏ hoang gần một thập kỷ tại Nghệ An (Bài 16) - Ảnh 3
Người dân trao đổi với phóng viên về dự án ôm đất 10 năm, rồi bỏ hoang. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Ông Nguyễn Minh Sơn, xóm trưởng xóm Thủy Chung huyện Thanh Chương bức xúc, chia sẻ: "Niềm hy vọng lớn nhất của nhân dân xóm Thủy Chung là dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao được triển khai xây dựng để người dân nơi đây có việc làm ổn định. Tuy nhiên, đã gần 10 năm nay dự án vẫn chưa triển khai. Nhân dân khổ vì không có đất để sản xuất, trong khi đó hơn 33ha đất lại bỏ hoang, lãng phí".  

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: “Sau khi được chấp thuận đầu tư, chính quyền sở tại phối hợp với chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng. Tưởng chừng, sau khi tiến hành san gạt mặt bằng, họ sẽ triển khai. Nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn đang bỏ hoang. Nhận thấy người dân thiếu đất sản xuất, chính bản thân tôi đã đứng ra xin, cam kết với chủ đầu tư là cho phép người dân trồng những cây có thời vụ ngắn ngày tại các khu đất trống, khi nào dự án cần chúng tôi sẽ trả mặt bằng lại cho công ty, thế nhưng không được. Hiện tại, nhân dân và chính quyền xã Thanh Thủy mong muốn doanh nghiệp triển khai đúng cam kết với dân và tỉnh”.

Thay 'áo mới' cho dự án treo?

Sau nhiều năm được chính quyền địa phương đốn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng dự án vẫn “án binh bất động”. Đến ngày 7/6/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án được chuyển mục đích sử dụng và đổi tên thành dự án "Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao".

Dự án ôm 33 ha đất rồi bỏ hoang gần một thập kỷ tại Nghệ An (Bài 16) - Ảnh 4
Toàn cảnh hơn 33ha đất bỏ hoang 10 năm gây lãng phí tài nguyên đất. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trước đó, theo quyết định điều chỉnh, dự án có tổng diện tích hơn 33ha, các công trình, hạng mục chính gồm: Nhà máy chế biến, vườn ươm giống, đất trồng chè, sân đường nội bộ, khu văn phòng, nhà kho. Tổng vốn đầu tư dự án được giảm xuống còn hơn 170 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành trong quý I/2023. Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty Nam Đàn Vạn An khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực để thi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Hiện tại, chủ đầu tư đã được tỉnh cho điều chỉnh thay đổi chủ trương thành dự án tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao. Các thủ tục thì đã được tỉnh phê duyệt, sắp tới dự án sẽ được triển khai, giờ chỉ phụ thuộc vào nhà đầu tư mà thôi”.

Dự án ôm 33 ha đất rồi bỏ hoang gần một thập kỷ tại Nghệ An (Bài 16) - Ảnh 5
Sau gần 2 năm được chuyển đổi mục đích, đến nay dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống. Ảnh Tuấn Quỳnh

Ngày khởi công, người dân xã Thanh Thủy vui mừng bao nhiêu, thì sau một thập kỷ trôi qua, họ lại thất vọng bấy nhiêu. Chính quyền địa phương và người dân rất phấn khởi, tin rằng khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả những người dân trong vùng. Sau nhiều năm bỏ hoang, dự án đã được điều chỉnh chủ trương thế nhưng cũng chưa ai có thể khẳng định được, dự án mới sẽ được triển khai đúng tiến độ.

Đến nay, sau gần 2 năm, dự án được chuyển mục đích sử dụng và đổi tên thành dự án "Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao” thì nơi đây vẫn chỉ là bãi đất trống. Người dân vẫn luôn ái ngại rằng, việc thay “áo mới” cho dự án có tiến triển tốt hơn không, hay chỉ lại điệp khúc để doanh nghiệp ôm đất, rồi tiếp tục… bỏ hoang?.

Tài nguyên đất đang bị sử dụng lãng phí

Ngày 9/3, phát biểu tại Tọa đàm Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam Tọa đàm, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi Trường cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong cả nước. Với vai trò và chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam giao Viện Chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam".

Theo Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.

"Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", PGS.TS Trương Mạnh Tiến đặt vấn đề.

(Còn nữa)

Tuấn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Dự án ôm 33 ha đất rồi bỏ hoang gần một thập kỷ tại Nghệ An (Bài 16). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới