Dự báo rủi ro kinh tế từ 8 điểm bùng phát khí hậu trên thế giới
Nghiên cứu cho thấy rằng thiệt hại kinh tế liên quan đến các điểm bùng phát sẽ xảy ra ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Ước tính những rủi ro xảy ra ở các điểm bùng phát này sẽ làm tăng khoảng 25% thiệt hại về kinh tế so với các dự báo trước đó.
Theo một báo cáo được công bố ngày 16/8 trên tạp chí khoa học Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, việc vượt quá ngưỡng của điểm bùng phát (tipping point) có thể dẫn đến sự gia tăng các tác động tới kinh tế của biến đổi khí hậu.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Đại học Delaware và Đại học New York đã tạo ra một mô hình mới để ước tính các tác động kinh tế của các điểm bùng phát trong hệ thống khí hậu, chẳng hạn như sự tan rã của lớp băng Greenland.
Trong kịch bản chính của các tác giả, ước tính những rủi ro xảy ra ở các điểm bùng phát này sẽ làm tăng khoảng 25% thiệt hại về kinh tế so với các dự báo trước đó.
Bên cạnh đó, các tác giả nhấn mạnh rằng kết quả cho kịch bản chính của họ có thể vẫn còn thấp hơn so với thực tế, và các điểm bùng phát có thể làm tăng rủi ro thiệt hại hơn nhiều. Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng, có 10% khả năng các điểm bùng phát làm tăng ít nhất gấp đôi thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, và khả năng chúng làm tăng gấp ba lần thiệt hại là 5%.
Các tác giả đã lên kịch bản tại 8 điểm bùng phát của biến đổi khí hậu, bao gồm:
Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu dẫn đến phản ứng carbon gây phát thải thêm carbon dioxide và metan, những chất sẽ quay vòng trở lại vào các chu trình phát thải carbon dioxide và metan;
Sự phân rã của các hydrat metan trong đại dương dẫn đến phát thải thêm khí metan, và quay vòng trở lại vào chu trình phát thải metan;
Băng tan ở Bắc Băng Dương (còn được gọi là suất phản xạ bề mặt) dẫn đến thay đổi lực bức xạ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ấm lên toàn cầu;
Khu rừng nhiệt đới Amazon giải phóng carbon dioxide, quay vòng trở lại vào chu trình phát thải carbon dioxide;
Dải băng Greenland tan chảy làm mực nước biển dâng; Dải băng Tây Nam Cực tan chảy làm mực nước biển dâng;
Sự chậm lại của dòng Đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương điều chỉnh mối quan hệ giữa nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu và nhiệt độ bề mặt trung bình quốc gia;
Sự thay đổi của gió mùa mùa hè Ấn Độ ảnh hưởng trực tiếp đến GDP bình quân đầu người ở Ấn Độ.
Nghiên cứu cho thấy rằng thiệt hại kinh tế liên quan đến các điểm bùng phát sẽ xảy ra ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Sự phân rã của hydrat metan trong đại dương và lớp băng vĩnh cửu tan rã sẽ tạo ra những tác động kinh tế lớn chưa từng thấy.
Mô hình được đưa ra trong nghiên cứu bao gồm các thiệt hại khí hậu cấp quốc gia do nhiệt độ tăng cao và mực nước biển dâng ở 180 quốc gia.
Các tác giả nhấn mạnh rằng ước tính của họ về các tác động có thể thấp hơn thực tế, nhưng mô hình của họ có thể được cập nhật khi phát hiện thêm thông tin về các điểm bùng phát.
Giáo sư Simon Dietz tại Khoa Địa lý & Môi trường và Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu & Môi trường tại Trường Kinh tế & Khoa học Chính trị London, cho biết: “Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các điểm bùng phát khí hậu như băng tan hay sự tan rã của lớp băng vĩnh cửu, cùng những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển.
Tuy nhiên, ngoại trừ một số nghiên cứu rời rạc, ngành kinh tế học khí hậu đã bỏ qua những vấn đề trên, hoặc thể hiện chúng theo kiểu cách điệu. Chúng tôi cung cấp các ước tính thống nhất về các tác động kinh tế của tất cả 8 điểm bùng phát khí hậu được đề cập trong các tài liệu kinh tế cho đến nay".
Minh Dương (T/h)