Chủ nhật, 24/11/2024 09:48 (GMT+7)
Thứ ba, 07/12/2021 17:00 (GMT+7)

Đường dây nóng không đủ truyền thông về ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

3 năm thực tế triển khai hệ thống đường dây nóng bảo vệ môi trường từ cấp Trung ương đến địa phương vẫn còn một số hạn chế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhiều giải pháp tức thời và hiệu quả hơn để chống biến đổi khí hậu.

Thành tích của đường dây nóng đang ở mức hạn chế

Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết sau hơn 3 năm thiết lập và vận hành đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm được phản ánh qua hệ thống đường dây nóng ở một số địa phương vẫn còn thấp, đa phần mới dừng lại ở mức “xử lý thông tin.”

Dẫn báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 về việc “tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng,” đại diện Tổng cục Môi trường cho biết hơn 3 năm qua, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Tổng cục và Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 4.149 thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh với 3.918 vụ việc về ô nhiễm môi trường.

Đường dây nóng không đủ truyền thông về ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lý ngoài môi trường. (Ảnh minh họa)

Qua công tác tiếp nhận, xác minh, các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh thông qua đường dây nóng và qua phương tiện truyền thông, báo chí - ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý cũng tăng dần theo thời gian.

Cụ thể, trong năm 2018, tỷ lệ vụ việc được xác minh là 54%, xử lý 43%. Năm 2020, tỷ lệ vụ việc được xác minh và xử lý đã được nâng lên lần lượt là 79% và 71%. Đến nay, tỷ lệ vụ việc được xác minh đã đạt 98%, tỷ lệ xử lý đạt 93%.
Tuy vậy, thực tế triển khai hệ thống đường dây nóng từ cấp Trung ương đến địa phương vẫn còn một số hạn chế như: Việc thiết lập, tổ chức đường dây nóng tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối; nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin, ghi sổ nhật ký, gây khó khăn cho công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Việc công bố, công khai thông tin, kết quả xử lý cũng chưa được kịp thời. Hiệu quả giải quyết dứt điểm các vấn đề ô nhiễm môi trường được phản ánh qua đường dây nóng ở một số địa phương còn thấp, đa phần mới dừng lại ở mức xử lý thông tin, chưa chú trọng xử lý vụ việc, dẫn đến một số vụ việc chưa được xử lý thỏa đáng, người dân tiếp tục phản ánh lại nhiều lần, giảm hiệu quả đường dây nóng.

Trước thực tế trên, phía Tổng cục Môi trường cho rằng cần phải tiếp tục kiện toàn, mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng tối thiểu đến cấp huyện; căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã; triển khai hoạt động, vận hành đường dây nóng thông suốt, thống nhất từ trung ương tới địa phương.

Tăng cường truyền thông về bảo vệ môi trường

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải pháp tức thời và hiệu quả để chống biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường là truyền thông và giáo dục đến cộng đồng nguy cơ cũng như giải pháp để giải quyết về suy thoái thiên nhiên, mất đa dạng sinh học.

Các hành vi sống xanh, tiêu dùng xanh sẽ là tác động tích cực như: giảm thiểu sử dụng sản phẩm dùng một lần, giữ gìn vệ sinh nơi ở, trồng cây xanh, không sử dụng động vật hoang dã bất hợp pháp, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo…

Đường dây nóng không đủ truyền thông về ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Từ những việc nhỏ hằng ngày cũng giúp bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến để quảng bá, tuyên truyền, tăng thời lượng đăng phát về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường; phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Bộ chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách, dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc dự báo đến năm 2050, cùng với sự gia tăng dân số thế giới trên 9,5 tỉ người và các mô hình sản xuất, tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra sẽ phải cần tới 3 trái đất mới đáp ứng được thói quen sinh hoạt và mức tiêu dùng như hiện tại.

Về môi trường, chất thải thực phẩm dẫn đến sử dụng lãng phí các chất hóa học như phân bón và thuốc trừ sâu, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho việc vận chuyển và sử dụng thực phẩm đã hỏng tạo ra nhiều mê tan - một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính có hại nhất gây ra biến đổi khí hậu, được cảnh báo nguy hiểm gấp 23 lần so với khí CO2. Lượng lớn thức ăn mang tới bãi rác góp phần đáng kể vào việc nóng lên của trái đất.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đường dây nóng không đủ truyền thông về ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới