Đường ống dẫn dầu 1,8 tỷ USD giúp Iran né Eo biển Hormuz
Dự án đường ống dẫn dầu này sẽ nối từ một kho chứa dầu nằm sâu trong Vịnh Péc-xích ra một cảng nằm ở bờ biển phía Nam Iran.
Tàu chở dầu Iran Grace 1 đổi tên thành 'Adrian Darya 1' sau khi bị bắt giữ tại vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar của Anh hồi tháng 8/2019. Ảnh: AP |
Điều này đồng nghĩa với việc các tàu chở dầu Iran không cần phải đi qua Eo biển Hormuz.
Theo Đài Sputnik, Iran sẽ bỏ ra 1,8 tỷ USD để xây dựng đường ống dẫn dầu mới dài 1.000 km từ kho dầu Goreh ở tỉnh Bushehr phía Nam đến một cảng biển ở Jask nằm phía Đông so với Eo biển Hormuz tại Vịnh Oman.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Iran Bijan Zangeneh thông báo 700 triệu USD trong tổng số 1,8 tỷ USD sẽ tập trung phát triển cảng biển Jask. Theo ông Zangeneh, dự án đường ống này sẽ “làm thay đổi khu vực vì các cơ sở dự trữ dầu, đê chắn sóng, hệ thống phao neo đơn sẽ được xây dựng tại thành phố Jask”. Dự án cũng bao gồm công trình xây dựng hai nhà máy lọc dầu, với năng suất một ngày lên tới 300.000 thùng dầu. Dự kiến hoạt động xuất khẩu dầu tại Jask sẽ khởi động vào đầu năm 2021.
Trong nhiều năm qua, Iran luôn ấp ủ thiết lập một đường ống dẫn ra ngoài Vịnh Péc-xích nhằm hạn chế việc tàu chở dầu nước này đi qua Eo biển Hormuz. Vào tháng 9/2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo nước này sẽ di dời “một phần quan trọng” trong hoạt động xuất khẩu dầu từ đảo Kharg – nằm sâu trong Vịnh Péc-xích - tới thành phố Jask.
Trong hai năm qua, khi căng thẳng bùng phát tại Trung Đông, Tehran nhiều lần đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz – tuyến đường hàng hải then chốt phụ trách 1/3 lượng dầu mỏ giao dịch trên thế giới. Thậm chí, Mỹ và Iran suýt vướng vào một cuộc xung đột quân sự vào mùa hè năm nay sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái do thám của Mỹ và xảy ra loạt vụ tấn công tàu chở dầu.
Washington đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan tới năng lượng đối với Tehran vào năm ngoái sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) 2015. Mục đích của các lệnh trừng phạt này là đưa hoạt động xuất khẩu dầu của Iran về con số 0 và gây sức ép bắt quốc gia này đàm phán để đạt một thỏa thuận mới. Trước động thái trừng phạt, Iran đã tỏ thái độ phản kháng và giảm bớt một số cam kết nhất định trong JCPOA, trong đó có gia tăng nguồn dự trữ urani được làm giàu.
Bất chấp sức ép từ phía Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã cho thành lập một cơ chế thanh toán đặc biệt với Iran (INSTEX) nhằm duy trì hoạt động thương mại với quốc gia Trung Đông. Các bên châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã nhất trí tài trợ 15 tỷ USD cho cơ chế INSTEX. Khoản thanh toán này sẽ được thực hiện làm 3 đợt, mỗi lần giải ngân 5 tỷ USD, đồng thời các vấn đề kinh tế liên quan tới hoạt động bán dầu mỏ của Iran cũng sẽ được giải quyết.